Rừng xanh “kêu cứu”

Từ năm 1990, tại các khu rừng ở Đà Nẵng như Hải Vân, Sơn Trà, Hoà Vang… xuất hiện loại dây bò rất khoẻ, lấn át, che phủ các loại cây rừng, người dân thường gọi là dây bìm bìm, dây lang rừng. Bìm bìm có hoa hình phễu màu vàng, tím hay trắng nhạt; lá to, mặt dưới của lá có màu trắng bạc (nên có nơi còn gọi là dây bạc lá).

Chúng sinh trưởng nhanh khiến cây rừng không có ánh sáng để quang hợp nên chết dần. Những mảng rừng có nhiều cây bị chết tạo nên thảm lá, cây, cành khô, rất dễ gây cháy rừng.

Ông Nguyễn Phú Thơ, nguyên Giám đốc rừng cấm Sơn Trà cho biết: “Điều đáng lo ngại là bộ rễ của bìm bìm phát triển rất nhanh. Chúng đâm chồi nảy lộc, đẻ nhánh rồi đơm hoa, kết quả. Quả bìm bìm chứa nhiều hạt nhỏ, hạt chín rơi đến đâu, dây con mọc đến đó. Ngoài ra, loài chim gặm nhấm còn di thực loại cây này phát tán khắp các cánh rừng, tạo nên những khoảng da beo, rồi cuối cùng che phủ và làm chết các loại cây trên diện rộng”.

Theo Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng, hiện nay, khoảng 15.000ha/55.000ha rừng đã bị loại dây này che phủ. Trong đó, rừng Sơn Trà bị ảnh hưởng 5.000ha; rừng Hải Vân 10.000ha. Đó là chưa kể các khu rừng ở Hoà Phú, Hoà Ninh, Hoà Bắc (huyện Hoà Vang) cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để giải quyết “vấn nạn” này, trước mắt, ngành lâm nghiệp TP. Đà Nẵng đã đề nghị được đầu tư 3 tỷ đồng cho các hạng mục: khảo sát thiết kế lập dự án xử lý; phát luồng dây leo thực bì, đào gốc, thu gom và xử lý.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu sản xuất hoá chất có thể tiêu diệt loại dây này. Nhiều ý kiến cho rằng, kinh phí để xử lý triệt để loại dây này lên đến 30 tỉ đồng và công việc phải được tiến hành trong nhiều năm.

Không chỉ Đà Nẵng, hiện nay dây bìm bìm đang “hoành hành” khắp các cánh rừng miền Trung như ở Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum… với nhiều phân loài khác nhau. Các cơ quan chức năng nên sớm có giải pháp kịp thời ngăn chặn để bảo vệ những cánh rừng.