Nguy cơ… “làng ung thư”?

Nhiều hộ dân 2 xã Kỳ Sơn và xã Đại Đồng thuộc huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Nhiều lần đơn thư gửi đi rơi vào yên lặng. Nguyên do là nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trên địa bàn 2 xã đã không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, nhất là việc xử lý các chất thải trước khi thải ra…

Khắc khoải trong… ô nhiễm

Tại 2 thôn Bỉnh Ry (xã Kỳ Sơn) và Neo Xá (xã Đại Đồng) ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương khói bụi có mặt ở mọi ngóc ngách trong thôn: trên cây cối, ruộng đồng, trong nhà, ngoài xã… Đâu đâu cũng thấy bụi. Bụi cản trở các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cản trở sinh hoạt thường nhật của các gia đình, gây xáo trộn cuộc sống yên bình của người dân nơi đây.

Bụi đóng trên mái nhà hàng lớp dày, bụi vào cả bữa ăn, nước uống, phá hoại hoa màu và cây ăn quả. Bụi phủ dày ở quanh khu vực sản xuất của các DN. Bụi vươn khỏi khu vực sản xuất, lan tỏa ra với bán kính hàng km. Cây cối, nhà dân bị phủ một lớp bụi trắng xóa. Mặt nước, kênh mương cũng nổi một lớp váng dầy. Bụi không chỉ gây ô nhiễm không khí, nguy hại hơn là nguồn nước cũng có nguy cơ bị ô nhiễm…

Ông Phạm Văn Hợi ở thôn Neo Xá, Kỳ Sơn bức xúc: “Vì cuộc sống, nhiều người dân trong xã vẫn buộc phải làm việc tại các nhà máy gây ô nhiễm, tuy biết bệnh tật luôn rình rập. Nhiều người đi khám bệnh, đã bị nghi mắc ung thư. Rất lạ là cả xã có đến hàng chục người chết trẻ? Bên cạnh đó còn hàng chục người đang phát bệnh, chờ chết. Điều đó khiến chúng tôi rất hoang mang. Liệu làng tôi có trở thành “làng ung thư ” như một số nơi khác?”.

Ông Phạm Văn Minh ở thôn Nghĩa Xá, xã Kỳ Sơn cho biết: “Khổ nhất là khi gió Đông Bắc thổi trộn lẫn bụi ximăng. Lúc đó, không khí trở nên ngột ngạt, khó thở. Biết vậy, nhưng vẫn phải sống chung với bụi, vì không phải một lúc mà chuyển được nhà đi nơi khác”.

Thủ phạm gây ô nhiễm môi trường là do hoạt động sản xuất xi măng của Công ty TNHH Thành Đạt; việc sản xuất tấm lợp phibrôximăng của Công ty TNHH Thuận Cường; việc sản xuất của Nhà máy gạch tuynel Đồng Tâm.

Ông Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Thành Đạt thừa nhận: Nhà máy sản xuất xi măng tồn tại từ hàng chục năm nay, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu và diện tích mặt bằng không lớn… Hiện tại, công ty này chưa đầu tư được hệ thống xử lý khói bụi, giảm thiểu ô nhiễm theo kiểu “giật gấu vá vai”… Vì vậy, không tránh khỏi bụi xi măng phát tán ra ngoài, gây ô nhiễm không khí.

Công ty TNHH Thành Đạt đã khắc phục bằng việc kết hợp với một số DN đang hoạt động trên địa bàn, thống nhất đền bù tiền thiệt hại hoa màu cho dân. Thời gian tới, sẽ giảm thiểu tối đa lượng bụi gây ra bằng cách thuê người quét dọn bụi phát tán hàng ngày…”

Dân cần, “quan” chưa… vội !

Được biết, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, tỉnh xuống 2 xã trên đã nhiều lần. Nhưng sau khi kiểm tra ra về, thì mọi việc vẫn… “đâu đóng đấy”! Ngày 02/03/2007, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) của UBND huyện Tứ Kỳ gửi Công văn số 52/BC -TN – MT cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đề nghị Sở xem xét, kiểm tra… để có biện pháp giảm thiểu ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm môi trường.

Nhưng khi trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tá Dước, Giám đốc Sở TN&MT và Trưởng phòng Môi trường của Sở này đều không hay biết có việc ô nhiễm môi trường ở Tứ Kỳ.

Theo một cán bộ ngành TN&MT ở Hải Dương, đến nay, vẫn phải chờ kết quả đánh giá về mức độ ô nhiễm môi trường ở 2 xã Kỳ Sơn, Đại Đồng ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Nhiều khi, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cũng… không đủ thiết bị máy móc chuyên sâu để đánh giá toàn diện và đầy đủ về mức độ ô nhiễm (?) Việc đầu tư để giảm thiểu ô nhiễm môi trường một cách tối đa tuy là gánh nặng về tài chính đối với DN, nhưng không phải vì thế mà buông xuôi.

Đã đến lúc cơ quan chức năng như ngành Y tế, ngành TN&MT cần có giải pháp mạnh, không thể không quan tâm đến sự việc ở 2 xã Kỳ Sơn, Đại Đồng. Sự phát triển không thể đồng nghĩa với việc ô nhiễm môi trường và đánh đổi sinh mạng của người dân.