Nigeria: Biến đổi khí hậu đe doạ thuỷ điện

ThienNhien.Net – Nigeria mới đây đã công bố bản báo cáo về tác động của biến đổi khí hậu tại quốc gia này. Trong báo cáo có thông tin cho biết hệ thống thủy điện của Nigeria đang bị đe dọa .

Thượng nghị sĩ Mohammed Sanusi Daggash, Bộ trưởng Bộ kế hoạch quốc gia cho biết biến đổi khí hậu gây ra những thảm hoạ như mưa ít và tỷ lệ tái tạo nước ngầm thấp, đặc biệt là hiện tượng giảm mực nước ở sông và các đập làm hệ thống thuỷ điện hoạt động kém hiệu quả.

Nước mưa cung cấp khoảng 36% nguồn năng lượng thuỷ điện của Nigeria. Do đó, sự thiếu hụt nguồn cung cấp điện này sẽ khiến rất nhiều nhà máy phải đóng cửa gây ra hiện tượng thất nghiệp và tăng chi phí sản xuất kinh doanh ở nước này.

Ngoài việc tác động lên thủy điện, biến đổi khí hậu sẽ khiến mực nước biển tăng khoảng 0,5m khiến các vùng đất thấp ven bờ bị ngập chìm trong lũ lụt và mưa bão. Kết quả là vùng đồng bằng Niger có thể bị mất đến 35% diện tích.

Theo thông cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư Nigeria, khoảng 32 triệu người, chiếm gần ¼ dân số hiện sống ở các khu vực ven bờ đang có nguy cơ trở thành những người tị nạn môi trường. Việc di cư bắt buộc này sẽ dẫn đến những căng thẳng xã hội kèm theo các thảm họa cho con người và những thiệt hại không thể bù đắp nổi cho các công trình khai thác dầu mỏ của Nigeria tập trung dọc theo các khu vực ven biển và chiếm phần lớn hoạt động kinh tế của Nigerria.

Ngoài ra, các khu vực bờ biển và ngoài khơi, các cửa sông và các phá cung cấp khoảng 75% sản lượng ngư nghiệp của quốc gia này. Do đó, những thay đổi tiêu cực trong khu vực kinh tế này xuất sẽ làm giảm sản lượng lương thực và thủy hải sản khiến nhiều người mất công ăn việc làm.

Trong lĩnh vực y tế, biến đổi khí hậu được xem như là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng suy giảm sức khoẻ của người dân sống trong khu vực nhiệt đới, ví dụ như các bệnh sốt rét, giun chỉ, sốt vàng da thường thấy ở vùng nhiệt đới trong khi các bệnh như viêm màng não, sởi, đậu mùa lại phổ biến hơn ở vùng khô hạn trong đất liền.

Hiện nay, tổng khối lượng nước tự nhiên trong các hồ chứa lớn nhất Châu Phi của Nigeria, hồ Chad và Senegal, đã giảm từ 40 đến 60%. Vùng đồng cỏ chạy dọc từ nam lục địa đến sa mạc Sahara cũng đang bị thu hẹp nghiêm trọng. Đây là hậu quả của giảm lượng mưa trung bình hàng năm, lưu lượng nước chảy và giảm độ ẩm của đất khiến cho hiện tượng sa mạc hoá và suy giảm đa dạng sinh học ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Theo ông Daggash, “Các tác động tiêu cực của hiện tượng này như sự gia tăng số lượng các đợt hạn hán, thiếu lương thực và áp lực môi trường có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa những quốc gia đang gặp khó khăn trong việc tháo gỡ các vấn đề di cư của những người tị nạn trên lục địa Phi Châu”. Mặt khác, ông cũng cảnh báo rằng các quốc gia Châu Phi ven biển phải học cách đối mặt với hiện tượng nước biển dâng lên bởi những thay đổi này có thể rất nghiêm trọng tại Tây Phi, nơi những cơn bão biển thường xuyên xảy ra.