Báo cáo ĐTM thủy điện: Bỏ ngỏ tiền kiểm, hậu kiểm

ThienNhien.Net – Theo quy định, các nhà máy thuỷ điện có công suất hồ chứa từ 300.000 m3 trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trên cơ sở phân tích và đánh giá các tác động về môi trường và xã hội, bản báo cáo sẽ đề xuất biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu các tác động tiêu cực do việc triển khai dự án thuỷ điện.

Gia Lai: Sông oằn mình cõng” thuỷ điện

Có đầy đủ báo cáo ĐTM – Còn chờ… phấn đấu

Đối với một dự án đầu tư được yêu cầu lập báo cáo ĐTM, Luật Bảo vệ môi trường (2005) quy định báo cáo phải được lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án chỉ được chấp thuận, cấp phép đầu tư và triển khai việc xây dựng, khai thác sau khi báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, ở Gia Lai có một thực tế đang diễn ra là không ít dự án đã được phê duyệt, triển khai xây dựng vẫn chưa có báo cáo ĐTM.

Theo hai Thông tư số 04/2008/TT-BTNMT và 05/2008/TT-BTNMT ngày 08/02/2008 của Bộ TN&MT về việc hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường, các công trình thuỷ điện có dung tích hồ chứa từ 300.000 m3 trở lên cần lập báo cáo ĐTM. Dựa vào đó, tỉnh đã rà soát các công trình thuỷ điện trên địa bàn, kết quả cho thấy còn 47 dự án thuỷ điện chưa thực hiện lập báo cáo ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Sở TN&MT đã gửi công văn yêu cầu toàn bộ số đơn vị này bổ sung thủ tục hồ sơ môi trường trước ngày 31/12/2009.

Nhưng khi nhìn vào bản báo cáo về thực hiện công tác ĐTM đối với các dự án thuỷ điện của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai đề ngày 19/09/2009, chúng tôi nhận thấy rằng số dự án đã được phê duyệt báo cáo ĐTM, cho cả thuỷ điện lớn và nhỏ, mới là 24, trong đó 8 dự án do cấp bộ quản lý, 16 dự án thuộc quản lý của tỉnh, trong khi riêng số lượng thuỷ điện vừa và nhỏ đã qua phê duyệt đầu tư của tỉnh đã là 39 dự án (gồm các dự án đã được phê duyệt đầu tư nhưng chưa khởi công, các dự án đã khởi công hoặc đã đi vào vận hành).

Không đống tình với những số liệu mà chúng tôi đã đề cập trên, ông Nguyễn Tấn Hữu, Trưởng phòng Quản lý Điện năng, Sở Công Thương tỉnh tin rằng số dự án đã được phê duyệt nhiều hơn. Ông cho biết những dự án nào cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM khi được phê duyệt tỉnh đều có thông báo gửi cho Sở Công Thương và đã có rất nhiều dự án đã được phê duyệt báo cáo ĐTM, nhưng con số cụ thể là bao nhiêu thì ông “không nhớ rõ”.

Khi được hỏi về tình trạng các dự án chưa đựơc phê duyệt báo cáo ĐTM nhưng vẫn triển khai xây dựng, ông Hữu phủ nhận, cho rằng tất cả các dự án đã đi vào hoạt động đều có báo cáo ĐTM. Việc triển khai trước khi dự án được duyệt chẳng qua là xây dựng đường điện thi công, đường vận hành.v.v phục vụ dự án sau này, chỉ là “phần râu ria” và “trước sau gì cũng phải làm” nên chủ đầu tư tranh thủ làm trước, trong khi tiến hành lập báo cáo ĐTM và chờ duyệt.

Đặt ra câu hỏi, nếu báo cáo ĐTM không được duyệt vì dự án gây nhiều rủi ro về môi trường, xã hội cho địa phương, lẽ nào chủ dự án sẽ chịu khoanh tay nhìn khoản đầu tư không nhỏ về hạ tầng bị mất không, bởi chính họ đã vượt rào, lộn ngược quy trình xin cấp phép? Hay điều chúng tôi lo ngại chỉ là một giả thuyết phi thực tế, vì chủ đầu tư đã xin thì “sớm hay muộn kiểu gì cũng được duyệt”?

Khoảng trống tiền kiểm và hậu kiểm

Việc yêu cầu chủ đầu tư đáp ứng đủ số lượng các báo cáo ĐTM và các cam kết môi trường đã khó, việc kiểm soát chất lượng báo cáo và giám sát việc thực hiện còn khó hơn gấp nhiều lần.

Thực tế ở tỉnh Gia Lai là một minh chứng. Ông Hoàng Đình Chung – Phó Gíam đốc Sở TN&MT Gia Lai cho biết trong thời gian qua, Sở TN&MT, Chi cục Bảo vệ môi trường do thiếu kinh phí, phương tiện xe cộ, máy móc thiết bị đo đạc, phân tích các chỉ tiêu về môi trường để phục vụ quản lý, giám sát việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường của các cơ sở nên công tác tiền-hậu kiểm tra các dự án nói chung, thuỷ điện nói riêng trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai tốt.

Ông Lê Trung Văn -Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Gia Lai lý giải cụ thể hơn về hai khía cạnh chính gây cản trở cho quá trình giám sát các dự án, đó là yếu tố con người và kinh phí. Về con người, không chỉ thiếu về số lượng mà còn thiếu cả chuyên môn để tiến hành giám sát.

 Thuy dien Gia Lai
Nơi đây sau này sẽ là nhà máy thuỷ điện Đăk Đoa (xã Đăk S’mei, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) – Ảnh: Lam Hạnh

Kinh phí chi cho hội đồng thẩm định, đánh giá ĐTM ở các tỉnh không thống nhất. Kinh phí này được quy định khác nhau ở mỗi tỉnh, dẫn tới tình trạng có tỉnh, hội đồng thẩm định ĐTM được chi 4-5 triệu đồng cho một lần thẩm định, nhưng có nơi, như Gia Lai, chỉ có 750 nghìn đồng cho một báo cáo ĐTM và ½ số đó đối với ĐTM bổ sung.

Số tiền này chi không đủ cho việc tổ chức hội đồng thẩm định, chưa nói đến việc đi thẩm tra, tiền thẩm tra rồi hậu thẩm tra, giám sát các công trình thuỷ điện, thường nằm ở vùng xa, đi lại khó khăn…

Không chỉ riêng ở Gia Lai, việc tiền kiểm, hậu kiểm các nhà máy thuỷ điện bị bỏ ngỏ nên thực tế quá trình xây dựng và hoạt động đã tác động như thế nào đến môi trường các cơ quan quản lý nhà nước không nắm được hết. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, khi được phỏng vấn tại hành lang quốc hội, cũng đã phải công nhận rằng việc hậu thẩm định, khâu kiểm tra việc thực hiện báo cáo ĐTM hiện nay làm chưa tốt. Được biết, Bộ dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện việc thực thi pháp luật đánh giá tác động môi trường đối với các nhà máy thủy điện thời gian tới.

Ông Văn cho biết việc có nhiều nhà máy thuỷ điện chắc chắn sẽ tác động nhiều đến môi trường, sinh thái, nguồn tài nguyên nước của khu vực và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề phát thải khí nhà kính. Nguyện vọng của Sở TNMT tỉnh Gia Lai là trong thời gian tới sẽ có một chương trình đánh giá môi trường chiến lược cho toàn khu vực, giúp các nhà quản lý có thể nhìn nhận đầy đủ, khái quát hơn về ảnh hưởng và triển vọng của việc phát triển thuỷ điện, chứ không chỉ dừng lại ở các báo cáo ĐTM riêng rẽ cho từng dự án như hiện nay.