Xác lập quyền tác giả trong lĩnh vực nông nghiệp: Lời giải chưa thỏa đáng

Trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây, ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học và Nông nghiệp Việt Nam đã nói: “Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long là đơn vị cung ứng 70% thị phần lúa giống trong cả nước, nhưng 70% giống lúa này đều không được bảo hộ về mặt bản quyền".

Ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết: Thời gian qua, nhờ áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, số lượng giống mới được công nhận không ngừng tăng lên, cao nhất là năm 2000 với 117 giống mới, phần lớn là các cây lương thực như lúa, ngô, khoai… Tuy nhiên, các giống mới có thời gian tồn tại trong sản xuất không lâu, thậm chí một giống có khi còn được khai thác dưới nhiều tên khác nhau.


Mặc dù vậy, theo đánh giá, hiệu quả nghiên cứu và tiềm năng của đội ngũ cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, sinh học nông nghiệp nói riêng vẫn chưa được phát huy đúng mức. Vấn đề xác lập quyền cho tác giả sáng chế và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng từ phía các nhà quản lý và bản thân các nhà khoa học trong lĩnh vực này.


Trên thế giới, việc bảo hộ giống cây trồng được nhiều nước quan tâm từ lâu với việc ra đời của Công ước UPOV (Hiệp hội quốc tế về bảo vệ giống cây trồng mới) năm 1961, đến nay đã có 65 thành viên. Mục tiêu của UPOV là cung cấp và hỗ trợ hệ thống bảo hộ giống cây trồng mới hoạt động một cách hiệu quả, khuyến khích việc phát triển các giống cây trồng mới vì lợi ích cộng đồng, nâng cao và bảo vệ quyền lợi của các tác giả tạo ra giống cây trồng mới.


Năm 2001, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 13 về bảo hộ giống cây trồng. Đến năm 2004, việc bảo hộ giống cây trồng được nâng lên thành Pháp lệnh về giống cây trồng. Việc bảo hộ giống cây trồng được cụ thể hóa và quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) nhằm bảo vệ quyền lợi của các tác giả.


Việt Nam trở thành thành viên của Công ước UPOV từ năm 2006. Đến nay, hệ thống pháp lý bảo hộ giống cây trồng ở Việt Nam đã đáp ứng điều kiện bảo hộ 27 loài cây trồng. Tuy nhiên, phải đến năm 2007, mới có 1 kết quả nghiên cứu liên quan đến giống cây trồng được Cục SHTT cấp Bằng độc quyền sáng chế.


Mặc dù Hệ thống pháp luật về bảo hộ giống cây trồng đã có, nhưng nhận thức về bảo hộ giống cây trồng của các đối tượng liên quan còn rất hạn chế. Thậm chí, tại một cuộc hội thảo gần đây một vị Phó Hiệu trưởng trường Đại học vẫn băn khoăn: “Ai là người xác định tính mới của sáng chế liên quan đến giống? Khi nhà khoa học đang có ý tưởng về một giống hay một sáng chế nào đó có được đăng ký không? Khi một tác giả nghiên cứu khoa học phải có đề cương, báo cáo tiến độ với cơ quan quản lý, như vậy có sợ lộ bí mật và giải quyết như thế nào?…”


Nhận thức của người nông dân về vấn đề này còn đáng lo ngại hơn. Ông Nguyễn Văn Bộ cho biết: “Đối tượng hưởng lợi thành quả KH&CN trong nông nghiệp là nông dân, mà nông dân là những người nghèo, sản xuất nhỏ, muốn họ nghe thuyết trình về công nghệ mới phải mời họ đến, cho họ thêm tiền thì họ mới đến nghe…”. Mặc dù thời hạn bảo hộ đối với giống mới là 20 năm, nhưng chỉ một mùa sau thì người nông dân đã có thể tự nhân giống.


Hiện nay, Việt Nam đã tham gia đầy đủ vào WTO, thực hiện quyền tác giả là điều bắt buộc. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần có một cơ chế bảo hộ hiệu quả hơn đối với các giống cây trồng, đảm bảo quyền lợi cho các nhà khoa học.