Sự cố Bản Vẽ: Hoàn toàn có thể lường trước địa chất

Lãnh đạo Tổng Công ty Sông Đà cùng lãnh đạo các Ban điều hành, Ban quản lý dự án Thủy điện Bản Vẽ đều thống nhất công bố với báo giới nguyên nhân sự cố là do “địa chất phức tạp”", mà cụ thể là phát hiện lượng đất kẹp giữa khe đá, nếu biết sớm đã dừng khai thác tại quả núi này. Tuy nhiên…

Tại sao không thể phát hiện sớm?


Trao đổi với phóng viên, GS.TS Bùi Công Quế – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết: Phát hiện lớp đất kẹp đá này không có gì khó khăn, thậm chí các chuyên gia có thể kiểm tra và cho kết quả ngay bằng mắt thường, không cần nhiều đến máy móc! 


Viện trưởng có thể giải thích rõ hơn về hiện tượng “đất kẹp đá” này?


GS.TS Bùi Công Quế:
– Trong cấu tạo địa chất, các lớp đất đá xếp chồng chất lên nhau. Đôi khi giữa các lớp đá có nhiều lớp đất, mà đất thường mềm hơn đá rất nhiều, khi gặp nước (nước mưa hoặc nước ngầm) thì độ dẻo giảm đi, nhão ra, dễ làm các tảng đá kém liên kết và xê dịch. Thực tế trên địa tầng, các lớp không nằm bằng phẳng mà sườn núi thường dốc, nghiêng nên các lớp có lúc đảo, lúc nghiêng, tạo lên độ trượt.


Nhất là khi thấm nước, đất sẽ dẻo hơn, không đủ độ cứng để chịu đựng nên làm 2 tảng đá trượt nhau. Các lớp kẹp đất khi ấy trở thành mặt trượt, tảng ở trên không đậu được vào tảng nằm dưới nữa và bắt đầu trôi xuống.


Vậy đá chỉ sạt trượt khi lớp đất kẹp ngấm nước? Còn nguyên nhân gây sạt trượt nào khác không, chẳng hạn như chấn động?


– Lớp đất kẹp này nếu không thấm nước thì cũng rắn, nhưng khi bị nước mưa hoặc nước ngầm thấm vào thì độ trượt sẽ rất lớn, nhất là khi ta lại rung, khoan hoặc tác động thêm… Nếu chỉ chấn động không thì cũng khó trượt được. Hơn nữa, chúng tôi đã kiểm tra, vào thời điểm đó ở vị trí ấy không có động đất, chấn động nào cả! Còn những chấn động cục bộ như nổ mìn, phá đá… thì chúng tôi không ở hiện trường nên không biết được.


Có khó khăn để phát hiện lớp đất kẹp và nguy cơ trượt đá này không, thưa ông?


– Không có gì khó khăn cả! Dù đôi nơi bên ngoài có lớp cỏ phủ, song khi bóc mặt cắt ra sẽ nhìn thấy ngay bằng mắt thường, không cần đo bằng máy vì máy cũng không đo được! Các nhà địa chất sẽ nhìn bối cảnh địa tầng chung và phán đoán hướng đổ nghiêng về hướng nào, sau đó sẽ đào các hào để phát hiện địa tầng, theo dõi các lớp xếp lên nhau, đôi khi phải khoan, cứ cách một khoảng lại lấy mẫu…


Nếu thấy cứ qua đá lại đến đất, đất lại đến đá – chỗ nào kẹp đất là biết ngay! Thường khi làm công trình, phải khảo sát, đo đạc kỹ để tính. Các lớp đất kẹt nếu bóc ra nhìn thấy được thì phòng ngừa được ngay. Nếu thăm dò nghiên cứu địa chất kỹ sẽ phát hiện được nguy cơ trượt để phòng tránh.


Những người làm địa chất, công trình đều biết điều này vì rất dễ hiểu, nhưng quan trọng là khi bắt đầu thiết kế, khảo sát có phát hiện ra nó không, có dự đoán là nó sẽ trượt không? Nếu đánh giá được mức độ nguy cơ trượt sẽ phòng ngừa được ngay.


Nghĩa là, việc khảo sát để có biện pháp, phòng tránh là hoàn toàn cần thiết đối với các công trình liên quan nhiều đến địa chất như thế này?


– Thông thường, trong hồ sơ thiết kế của các công trình thủy điện như thế này đều có các mặt cắt địa tầng, có các lỗ khoan lấy mẫu theo trình tự… Cán bộ Viện thường đến hiện trường đánh giá độ chấn động, nghiên cứu kiến tạo để góp ý thiết kế tại một số công trình thủy điện lớn như Sơn La và một số công trình ở phía Nam, nhưng một số thủy điện nhỏ thì người ta cũng không yêu cầu. Như thủy điện Bản Vẽ này thì tôi chưa thấy có yêu cầu anh em Viện tham gia!


Vấn đề có thể nằm ở khâu khảo sát?


GS.TS Nguyễn Trường Tiến – Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam cũng phán đoán: “Có thể trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công khai thác đá, những người có trách nhiệm đã không chú ý đến việc khảo sát các lớp đất xen kẹp, bảo vệ thảm thực vật và điều kiện thoát nước của mái dốc, cũng như qui trình khai thác và quan trắc các dịch chuyển của đá và đất – dẫn đến sự trượt lở nằm ngoài tầm kiểm soát của con người“.


Theo GS.TS Trường Tiến, vụ sập lở núi đá ở công trình thủy điện Bản Vẽ, xét về thực chất là một vụ trượt lở mái dốc. Núi tồn tại hàng triệu năm, hình thành các lớp đá bị phong hóa và trở thành đất xen kẹp giữa các khối đá cứng. Khi con người khai thác đá đã làm mất thế cân bằng của tự nhiên. Yếu tố thảm thực vật bảo vệ mái dốc và thoát nước là bài toán phức tạp nhất của chuyên ngành cơ học đất, đá và môi trường.


Được biết, những năm gần đây, nhiều tổ chức, dự án của Việt Nam, với sự hỗ trợ của quốc tế, vẫn đang dày công nghiên cứu để “quản lý độ mất ổn định của mái dốc” liên quan đến các vấn đề xây dựng, giao thông, môi trường… như Công ty Golden Associates, Công ty AA-Corp và một số đối tác Canada. Liên tiếp từ năm 2004 đến nay, nhiều hội thảo về phương pháp cứu chữa, phòng chống và quản lý rủi ro trượt lở đất, phương pháp khảo sát, quan trắc và bảo vệ mái dốc… đã được các đơn vị này tổ chức.


Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng: Khai thác núi đá mà lại khai thác từ dưới lên thì đương nhiên ở trên mất ổn định, các tầng đá trượt rơi xuống dưới là điều dễ hiểu! Vấn đề cần xem lại cách làm.


Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam nhận định: “Điều kiện địa chất công trình càng phức tạp, điều kiện tự nhiên càng khó khăn, càng cần có những người kỹ sư thật sự chuyên nghiệp, có bản lĩnh nghề nghiệp và ứng xử một cách thông minh nhất. Chúng ta không thay đổi được điều kiện địa chất, song có thể hiểu được năng lượng, phong thủy, đất, đá, qui luật tự nhiên… bằng tri thức, trách nhiệm và kỹ năng nghề nghiệp“.