Sa tặc phố núi

Dọc theo sông Ngàn Sâu, đoạn qua địa phận huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), hàng chục hecta đất sản xuất bị Hà bá nuốt chửng chỉ trong thời gian ngắn, nhiều cánh đồng trở thành sông do nạn lở đất. Đó chính là hệ quả tất yếu của tình trạng khai thác cát bừa bãi đang ngày càng nhức nhối ở nơi này.

Hơn 30 hộ dân sống bên miệng vực


Cơn bão số 2 và số 5 đi qua đã làm cho nhiều vùng đất ở xã Hương Thuỷ trở màu bạc phếch, nhiều điểm sạt lở đã “ăn” vào tận nhà dân. “Tiếp tay” cho tình trạng sạt lở, ngoài thiên tai còn có tình trạng khai thác cát đang ngày đêm hoành hành, cào cấu dưới lòng sông khiến dư luận hết sức bức xúc. Hàng ngày, từng đoàn xe chở cát nối đuôi nhau chạy dọc theo Quốc lộ 15 về TP.Hà Tĩnh, đã băm nát con đường và cây cối xung quanh.


Qua sự phản ánh của người dân tại hai xóm 10 và 11 (xã Hương Thuỷ) về thái độ và những việc làm vô tổ chức, kỷ luật của đội quân khai thác cát thuộc Công ty TNHH Tuyết Chiến, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu thực hư về cái quyết định có dấu đỏ chót mà chính “chủ phỉ” đã ngang nhiên cầm nó đi rêu rao và thách thức, khiến chính quyền và nhân dân nơi đây chỉ biết bất lực đứng từ xa nhìn hàng chục chiếc thuyền hút cát.


Cái khó nhất đối với bà con nơi đây khi ngăn chặn nạn khai thác cát bừa bãi là UBND tỉnh đã cấp giấy phép khai thác cho Công ty TNHH Tuyết Chiến.


Gia đình chị Bạch Thị Phương ở xóm 10, nhà nằm sát bờ sông Ngàn Sâu, cơn lũ vừa qua đã gây sạt lở vào tận vườn, chỉ còn chưa đầy 20m nữa là nước “ăn” vào nhà. Chị Phương than thở: “Những ngôi nhà gần sông luôn phải đối mặt với tình trạng sạt lở. Còn chưa biết làm cách nào để ngăn chặn thì nay hàng chục chiếc thuyền hút cát lại hoành hành, ngăn không được, lên báo chính quyền thì bị hăm doạ”. Nhà chị Phương không phải là trường hợp duy nhất bởi ở đây còn có trên 30 gia đình phải sống trong cảnh “chơi vơi bên miệng vực”.

Không những vậy, cây trồng lâu năm dọc theo bờ sông nhằm giữ đất bây giờ cũng chỉ còn là bãi đất bị khoét nham nhở, xác cây đã nằm gọn dưới lòng sông. “Sợ nhất là trẻ em, lỡ không may sẩy chân thì…”, chị Phương lo lắng. Chị vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi chỉ cách đó mấy ngày đứa con hàng xóm mới lên 8 đang chơi ven rìa bỗng nhiên một vạt đất ụp xuống, rất may là có người nhìn thấy nên mới thoát khỏi miệng Hà bá. Nghiêm trọng hơn, các công trình sinh hoạt cũng nghiêng ngả vì đất lún, nhiều giếng nước bỗng nhiên xiêu vẹo, sụt lở. Hà bá còn tấn công vào cả hội quán, cột điện và đường giao thông của người dân. Mỗi khi mưa đến, nước sông lại đục ngầu kéo theo hàng trăm khối đất đá tuôn theo dòng chảy. Giải thích hiện tượng trên, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Hương Thuỷ cho rằng, đó là do thiên tai, đặc biệt là cơn bão số 5 gây ra?!

“Sa tặc” lộng hành, chính quyền bất lực!?

Chúng tôi có mặt tại bến nước xóm 10. Khung cảnh đầu tiên đập vào mắt là 4 chiếc thuyền máy với hơn 10 công nhân đang miệt mài làm việc. Trên bờ là hai chiếc xe IFA đang chờ sẵn để vận chuyển cát, một cỗ máy hút cát hoạt động hết công suất, cứ mỗi lần vươn vòi là từng khối cát được cẩu lên. Tiếng động cơ xé nát cả một vùng. Trên dốc bến là tấm biển “Cấm khai thác cát” bị ai đó nhổ quăng vào nằm chơ vơ trên bụi rậm. Hiện dọc hai bên sông Ngàn Phố (đoạn qua Hương Khê) có trên 10 điểm khai thác như vậy, chỉ riêng xã Hương Thuỷ đã có 3 bến hoạt động.

Được biết, “thành tích” khai thác cát nhiều nhất thuộc về Công ty TNHH Tuyết Chiến với hơn 10 thuyền máy cùng một “cỗ máy hút cát” và hàng chục công nhân, một ngày trôi qua là hàng trăm khối cát rời khỏi lòng sông. Bên cạnh đó, nhiều chủ thu mua, khai thác cát tại địa phương và từ nơi khác đến tạo nên không khí nhộn nhịp.

Mặc dù UBND huyện Hương Khê đã có Chỉ thị 05 chỉ cho những đơn vị, cá nhân có giấy phép khai thác mới được hoạt động nhưng dường như nó được dụng theo cách “mạnh ai nấy thắng”. Chính vì vậy, các trận hỗn chiến tranh giành khai thác cát xảy ra thường xuyên, bên cạnh đó, nạn ẩu đả giữa nhân dân xóm 10 và bọn “sa tặc” cũng xô bồ không kém. Vậy vai trò của chính quyền ở đâu? Về thắc mắc này, ông Phan Xuân Việt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hương Thuỷ khẳng định: “Chính quyền xã đã nhận quyết định nhưng không thông qua thôn xóm mà chỉ biết ký vào đó theo dây chuyền rồi lại bảo với dân là không dám “cãi lệnh” cấp trên”.

Trước thực trạng đất lở, nhiều người dân đã ngăn cản việc khai thác cát nhưng không những không ngăn được mà còn “rước hoạ vào thân”. Ông Bạch Đình Viên, xóm trưởng, công an viên xóm 10 đã phải chịu đòn “dạy dỗ” từ một số công nhân thuộc đội khai thác của Công ty TNHH Tuyết Chiến. Nhân dân trông chờ chính quyền vào cuộc can thiệp nhưng đến thời điểm này vẫn chưa hề có một động thái nào.

Một lần nữa, chúng tôi trực tiếp đến UBND xã Hương Thuỷ để làm rõ vấn đề. Ông Phú cho rằng: “Sở dĩ xã không thể giải quyết vì còn chờ chỉ đạo của cấp trên bởi Công ty TNHH Chiến Tuyết đã thuê đất và được UBND tỉnh cho phép khai thác, vì vậy xã không có quyền chống đối”.

Mức độ sạt lở ở sông Ngàn Sâu đã đến mức trầm trọng, tỷ lệ thuận với điều này là sự hoành hành của bọn “sa tặc”. Rất mong UBND huyện Hương Khê cũng như tỉnh Hà Tĩnh sớm vào cuộc để trả lại sự bình yên cho dòng sông cũng như cuộc sống của cư dân đôi bờ.