Ô nhiễm từ sản xuất gạch thủ công

Xã An Hòa huyện Long Thành, Đồng Nai nằm dọc quốc lộ 51 bị bao trùm trong bầu không khí đặc quánh khói bụi, nồng nặc các loại chất đốt và khí thải. Hỏi ra mới biết, chỉ vài ấp nhỏ ở xã này đã có tới vài chục lò gạch thủ công hoạt động từ hơn hai mươi năm nay.

Dọc con đường lổm ngổm gạch vụn dẫn vào xã An Hòa, lác đác những lò gạch thủ công cũ kỹ đang hoạt động. Từ những mái tôn lụp xụp, chắp vá, những làn khói đen, trắng mang theo hơi nóng thi nhau tuôn ra, theo gió bay mù trời, bầu không khí nơi đây nặng nề, ngột ngạt.


Địa bàn ấp 3 có 4 lò gạch đang hoạt động hết công suất nhằm phục vụ thị trường cuối năm, lửa đỏ hừng hực, khói bốc nghi ngút. Ông Hai Chất, trưởng ấp 3, cho biết: “Đại bộ phận các lò gạch ở đây quy mô như nhau, mỗi lần đốt từ 5 đến 7 muông (1 muông bằng 10.000 viên).

Gạch được đốt bằng gỗ, mùn cưa, vỏ hạt điều, trung bình mỗi mẻ gạch phải dùng tới cả chục tấn chất đốt.” Quá trình đốt gạch thải ra môi trường rất nhiều loại khí độc hại: SO2, CO, CO2, NOx, đặc biệt SO2 có ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe người dân, môi trường và sản xuất hoa màu. (ngoài ra còn có PM10, PM2,5 là dạng bụi kích thước nhỏ hơn 10 micromet và 2,5 micromet, nguyên nhân gây các bệnh về đường hô hấp).


Gạch sau khi ra khuôn được đốt nhỏ lửa để làm khô, gọi là “xông gạch”. Giai đoạn này kéo dài từ 15 đến 20 giờ, sinh ra những làn khí trắng, rồi đổi màu thành đen mỏng với mùi khó chịu. Công đoạn “ngột ngạt” nhất là quá trình đốt gạch chín. Tuy chỉ mất khoảng 10 giờ đốt liên tục nhưng lại tốn nhiều củi nhất và cũng là độc hại nhất.

Do yêu cầu nhiệt độ cao và đều đặn, củi, mùn cưa được đưa vào lò liên tục, các lò gạch phân bố khắp làng phun lên trời những cột khói, mảng khói đen kịt, bầu không khí trở nên ngột ngạt, khó chịu. Những người đàn ông mồ hôi nhễ nhại nước mắt nước mũi giàn giụa chạy vội ra ngoài sau mỗi lần “nhịn thở” chạy vào thêm củi. Tội nghiệp nhất là bọn trẻ nhà gần lò gạch đều được mang gửi nhà trẻ hoặc nhà người thân… vì bụi.


Không khẩu trang, quần áo bảo hộ, mắt kính, bao tay, giày… những người thợ gạch ngày qua ngày ngoi ngóp, vật lộn với khói, bụi và hơi nóng hầm hập phả ra từ lò gạch. Mỗi ngày làm như thế này, các anh kiếm được trung bình 70.000 đồng.

Anh Lê Bình mới 25 tuổi nhưng đã có thâm niên gần chục năm làm gạch. Khuôn mặt gầy guộc, hốc hác, trông anh già hơn cái tuổi 25 trai trẻ rất nhiều. Anh Bình than thở: “Không có ruộng, đi làm công nhân lương thấp lắm, lại xa nhà nên đến đây làm gạch. Biết là độc hại, sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nhưng vẫn phải làm để lo cuộc sống gia đình, nuôi con cái…”. Mỗi khi được hỏi, những câu trả lời của các anh thường đứt quãng bởi… ho sặc sụa.


Những ngày cuối năm, các lò gạch hoạt động hết công suất bởi nhu cầu cần gạch xây sửa nhà dịp năm hết Tết đến là rất lớn.
Tỉnh Đồng Nai cũng đã đưa ra chủ trương xóa bỏ các cơ sở sản xuất thủ công gây ô nhiễm, thay thế bằng việc áp dụng công nghệ mới. Người dân sẽ được tỉnh hỗ trợ đầu tư xây lò gạch sử dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường (tỉnh hỗ trợ 70% vốn từ ngân sách). Mong sao chủ trương trên sớm triển khai trong thực tế.