Tiếng kêu cứu của nước ngầm

Từ nhiều năm nay, tình trạng khoan giếng tràn lan đã làm ô nhiễm và phá huỷ nguồn tài nguyên nước ngầm, gây ra hiện tượng thông tầng. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự nhiễm bẩn cho nguồn nước sạch đồng thời gây nên hiện tượng sụp lún cho cấu trúc địa tầng TP. HCM.

Nhiều cơ sở khoan giếng tư nhân đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi như “Miễn phí 30 mét đầu” hoặc “Nước không trong không lấy tiền”. Những cơ sở này có đầy đủ thiết bị khoan công suất lớn, dàn khoan di động cao gần chục mét với các đầu khoan không thua kém các đoàn thăm dò địa chất của Nhà nước.
Sống chung với người chết
Theo Công ty môi trường đô thị, hiện nghĩa trang Bình Hưng Hoà có hơn 60.000 ngôi mộ, trong đó có 2/3 do công ty quản lý, còn lại là của các hội đoàn tư nhân.
Ngoài ra còn có hàng ngàn ngôi mộ do người dân có đất tự phân lô bán đất mộ và đất nền nhà ở với giá bình dân.
Được biết, lộ trình đóng cửa nghĩa trang Bình Hưng Hoà đã hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết từ đầu năm 2006. Vào đầu năm 2007, công bố quy hoạch, đóng cửa nghĩa trang, ngưng chôn cất. Đến năm 2008, lập dự án đầu tư làm công viên, khu dịch vụ thương mại kết hợp làm nhà tưởng niệm, dự kiến đến năm 2010 hoàn thành.
Nhưng thực tế, hiện có hơn 300 hộ dân tại đây đang sống chung với người chết, do không có nguồn nước máy, từ nhiều năm nay, họ buộc phải tự cứu bằng cách khoan giếng và uống nguồn nước nghĩa địa!
Không chỉ người dân, các chùa ở đây cũng lâm vào hoàn cảnh này.
Chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với sư bà Thích Nữ Tâm Phụng, trụ trì chùa Kim Cương.
Sư bà cho biết: “Chùa Kim Cương được xây dựng từ rất lâu, ngày trước toàn bộ khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hoà cũng không có nước máy. Chùa phải cho khoan một giếng để có nước dùng ăn uống, sinh hoạt…”.
Anh Nguyễn Đình Phụng, cư ngụ tại đường Bình Long, khu phố 5, phường Bình Hưng Hoà A cũng cho biết: “Gia đình mới mua đất nghĩa địa để xây nhà ở được vài năm nay.
Vì cuộc sống nên đành phải khoan giếng để có nước ăn uống, tắm giặt và chưa bao giờ lấy mẫu nước để đi xét nghiệm. Ở đây hơn 1.000 hộ dân ai ai cũng khoan giếng để lấy nước ăn uống từ nhiều năm nay. Tuy nhiên vào mùa mưa, nước đục và có mùi tanh hôi phải lọc thật kỹ, nấu thật sôi mới tạm dùng được”.
Nghề khoan giếng “lên ngôi”
Không riêng gì khu vực Bình Hưng Hoà không có nước sạch để uống và sinh hoạt, hiện nay, nhiều khu vực nội thành như quận 3, 6, 7, 10, 11 dù đã được gắn đồng hồ nước nhưng vẫn cứ phải khoan giếng để dùng vì áp lực nước không đủ cung cấp do ở cuối nguồn.
Ban ngày nước chảy nhỏ giọt, phải thức đêm để canh mới lấy được vài xô nước để uống.
Riêng toàn bộ khu vực Nhà Bè, người dân phải trông chờ vào từng chuyến xe bồn cung cấp nước sạch.
Vì vậy, do nhu cầu cấp thiết của người dân mà nghề khoan giếng đã “lên ngôi”.
Theo Chi cục Quản lý tài nguyên nước, các đơn vị hành nghề khoan giếng trái phép đã lên đến con số hàng ngàn không thể kiểm soát nổi, lại thêm tình trạng những giếng đã bị người dân bỏ không dùng ngày càng nhiều vì nước phèn, nước có mùi hôi thối, nước bị đục…

“Vào mùa mưa, nước các giếng khoan ở khu vực gần nghĩa địa Bình Hưng Hoà thường bị đổi màu, không trong và có mùi tanh nên chúng tôi phải lọc thật kỹ, nấu thật sôi mới tạm uống được. Ở đây, người dân chưa hề có khái niệm lấy mẫu nước đi thử nghiệm. Cũng chỉ vì nghèo nên đành phải chấp nhận chứ chờ Nhà nước đến bao giờ?” – anh Nguyễn Đình Phụng, đường Bình Long, khu phố 5, Bình Hưng Hoà A.

Những hậu quả khôn lường
Tình trạng khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.HCM đã đến mức báo động về quản lý và quy hoạch.
Nước ngầm được khai thác bởi nhiều đối tượng khác nhau từ tư nhân, doanh nghiệp, khu công nghiệp… được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Điều đáng lo ngại nhất là vấn đề khai thác nước ngầm trong các hộ dân ở khu vực Bình Hưng Hoà vì số lượng giếng khoan khai thác rất lớn nhưng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
Do các giải pháp cung cấp nước sạch vẫn chưa có, nên cho đến nay, người dân vẫn phải khoan giếng và đành lòng dùng nguồn nước ô nhiễm này cho việc ăn uống và sinh hoạt, chấp nhận những nguy cơ tiềm ẩn về bệnh tật.
BS Trần Ngọc Anh, chuyên khoa da liễu, giảng viên Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, cho biết: “Các nguồn nước từ giếng khoan tự phát, không phép thường bị nhiễm phèn, các độc chất có chứa arsenic. Chuyện giếng khoan có arsenic đã rộ lên ở Quỳnh Mai, Hà Nội từ năm 1985. Hoặc làng ung thư ở Nghệ Tĩnh. Ai ai cũng phập phồng lo sợ khi thấy Bệnh viện Ung bướu ngày càng quá tải”.
Bên cạnh nguy cơ về bệnh tật, hoạt động khoan giếng trái phép do nhu cầu bức xúc của người dân hiện nay còn làm cho nước bị nhiễm bẩn trên diện rộng do hiện tượng thông tầng dẫn đến hệ quả thành phố đang bị lún, sụp cục bộ.
Theo Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM, hiện đã có những số liệu xác nhận thành phố đang bị lún cục bộ, như tại khu vực phường 10, quận 6, phát hiện có bậc thềm nhà dân bị lún 20cm so với mặt đường.
Hiện tượng này cũng được phát hiện tại các giếng khoan ở quận 6, 11, 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh và khu vực phía nam TP.HCM.
Trong giếng khoan ở hẻm 686, khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, đã bị lún đến hơn 20cm.
Để bảo vệ cấu trúc địa tầng cho TP. HCM chống hiện tượng lún, sụp; việc quản lý và hạn chế khai thác nước ngầm là điều cần thiết.
Nhưng để giải bài toán này thì Thành phố phải có trách nhiệm cung cấp đủ nước sạch cho người dân, đừng để người dân phải “tự cứu” bằng các giếng khoan tự phát đầy bất trắc và ô nhiễm mà hình ảnh làng ung thư ở Nghệ Tĩnh đang đánh động lương tâm toàn xã hội.
Nếu không, hơn 300 hộ dân ở Bình Hưng Hoà phải uống nước nghĩa địa đến bao giờ?