Mùa lũ buồn

ThienNhien.Net – Đã đến rằm tháng 9 âm lịch nhưng mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long chỉ mấp mé mức báo động 1; trong nội đồng, nước chưa ngập quá bờ đê. Con nước thấp, bà con nông dân ngồi trông đồng buồn hiu vì mất mùa mưu sinh và lo sốt vó cho vụ đông xuân sắp tới.

Mùa lũ, tức mùa nước nổi ở ĐBSCL, thường bắt đầu vào tháng 7 âm lịch, nước trên thượng nguồn sông Mê Công đổ về, dâng ngập vùng hạ lưu, tràn đồng, mang theo cơ man phù sa, tôm cá. Sau trận lũ lịch sử năm 2000, khái niệm “lũ đầu nguồn sông Cửu Long” đã được dùng phổ biến hơn theo ý nghĩa khoa học.

Lũ đầu nguồn sông Cửu Long được phân thành 3 mức báo động theo mức trung bình nhiều năm: Mức lũ báo động 1, có khả năng gây tác hại đến các khu vực sản xuất nông nghiệp ở vùng trũng, thấp. Mức báo động 2, gây tác hại lớn đến các khu vực sản xuất nông nghiệp ở vùng trũng, thấp và có khả năng gây nguy hiểm tính mạng đến một số dân cư sinh sống ở các vùng trũng thấp. Mức lũ báo động 3, gây ngập lụt nghiêm trọng đến các khu vực ở hạ lưu sông; nhiều công trình xây dựng, các công trình về giao thông, thủy lợi bị tàn phá nặng nề. Rất nguy hiểm đến tính mạng và nhân dân ở các khu vực trũng, thấp, các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng lũ, lụt.

Người dân miền Tây Nam bộ vẫn còn nhớ như in những trận lũ lớn xảy ra trong 3 năm liên tiếp từ năm 2000 – 2002, gây thiệt hại rất lớn: hàng ngàn người chết, hàng chục ngàn ngôi nhà sập, đường sá, cầu cống hư hỏng nặng. Trong bài hát Quê em mùa nước lũ của nhạc sĩ Tiến Luân còn có câu: “Ôi! Nước lũ dâng cao dâng cao dâng theo bao nỗi sầu đau. Ôi! Nước tràn bờ đê, nước tràn bờ đê, tang thương khắp một miền quê!”. Thế nhưng, do nước lũ dâng cao cũng làm một bộ phận nông dân có tâm lý ỷ lại, chờ xin cứu trợ và thui chột ý chí làm ăn. Điều này khiến ông Bảy Nhị (Nguyễn Minh Nhị, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang lúc bấy giờ) trăn trở không yên.

Bên cạnh các giải pháp quyết liệt của Đảng và Nhà nước về thực hiện chủ trương “sống chung với lũ” ở ĐBSCL như xây dựng hệ thống kiểm soát lũ, xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ, xây trường, làm nhà vượt lũ… UBND tỉnh An Giang đã ban hành Đề án 31 về khuyến khích làm ăn trong mùa lũ. Bắt đầu triển khai từ năm 2002, đề án giúp cư dân trong vùng ngập lụt có điều kiện khai thác tài nguyên, sản vật do mùa nước nổi mang lại để tự cứu lấy mình. Sau đó, đề án đã lan tỏa ra các tỉnh khác trong vùng. Từ đó, mùa lũ được xem là mùa làm ăn với rất nhiều ngành nghề, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.

Ảnh minh họa: Tiền Phong
Ảnh minh họa: Tiền Phong

Năm nay, mực nước lũ thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 70 – 80cm. Đến thời điểm này, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu chỉ dao động ở mức 3,06 – 3,2m; trên sông Hậu tại Châu Đốc từ 2,68 – 2,8m, thấp hơn mức báo động 1. Bước vào mùa nước nổi năm nay, nhiều người đã mua câu, lưới, sắm xuồng nhưng nước thấp, cá tôm khan hiếm nên không có kế sinh nhai.

Tại các làng nghề mùa lũ như làm lưỡi câu, đóng xuồng, đan lọp…, không khí làm ăn buồn hiu. Ngay con cá linh, sản vật mùa lũ, năm nay sản lượng không đáng kể và giá khá cao. Không chỉ có vậy, nước lũ không tràn đồng, phù sa không về, đồng đất không được thau chua xổ phèn, có nghĩa là vụ đông xuân tới nông dân phải sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nhiều hơn, năng suất lúa cũng sẽ giảm đi.

Vì sao những năm gần đây lũ thấp? Câu hỏi thật khó trả lời. Trong khi đó, bên cạnh nguyên nhân về biến đổi khí hậu, theo bản đánh giá môi trường chiến lược của Ủy ban sông Mê Công (MRC), tác động có thể sẽ còn đến từ 11 con đập thủy điện được đề nghị xây dựng tại dòng chính hạ lưu sông Mê Công từ năm 2006 đến nay. Tác động của việc xây dựng các con đập này sẽ làm thay đổi dòng chảy và bản chất tự nhiên của sông Mê Công; ảnh hưởng tới ngư nghiệp nội địa và an ninh lương thực; đe dọa tới hệ thủy sinh vật; hệ thống sinh thái ven bờ thay đổi; gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp; giảm lượng phù sa và hơn thế là tác động lớn đến sinh kế và văn hóa, đời sống…

Theo đó, nếu quyết định xây dựng các con đập trở thành hiện thực thì cần phải hiểu rằng những tổn thất cho hệ sinh thái “sẽ là tổn thất vĩnh viễn không thể thay đổi và không thể bù đắp”. Do vậy, việc nghiên cứu, tìm giải pháp phối hợp giữa các quốc gia trong lưu vực cũng như chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó để giữ cho hạ lưu sông Mê Công mãi là một đồng bằng trù phú là việc cần làm ngay!