Vai trò của nhiên liệu tái tạo

Báo cáo mới công bố của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu kết luận rằng thế giới có thể giảm thiểu khí nhà kính mà không quá tốn kém.

Theo các chuyên gia chỉ cần giảm phá rừng, tiết kiệm năng lượng và gia tăng các nguồn nhiên liệu không phải từ hóa thạch.
Việt Nam được trao giải thưởng Năng lượng 2006 nhờ chương trình biogas, là một loại nhiên liệu tái tạo có nguồn sinh học.

Trong trường hợp này là dùng chất thải trong chăn nuôi để làm khí đốt. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nơi từ lâu đã đưa biogas vào sử dụng nhưng vẫn chưa được phổ biến như mong muốn.

Biogas

Ông Phạm Hữu Dụ, chủ nhiệm của câu lạc bộ khuyến nông ở Thới Thuận, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ nói: ”Hồi trước, quanh đây đều bị ô nhiễm hôi thúi do phân heo nhưng bây giờ không còn nữa nhờ đặt túi biogas.”

Tiềm năng lý thuyết của biogas ở Việt Nam là khoảng 10 tỷ m3/năm (1m3 khí tương đương 0,5 kg dầu).

Kỹ thuật rất đơn giản: xã phân chuồng xuống túi/hầm/ và để cho lên men yếm khí, một thời gian sau sẽ sinh ra khí mê-tan. Phân sau khi xử lý không còn nặng mùi, có thể cho cá ăn hoặc bón cây.

Người phát triển túi biogas cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là ông Lê Văn Tính, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông, Thành phố Cần Thơ. ”Phát sinh từ nhu cầu sản xuất mà đưa vào túi biogas vì nó giúp cho hệ sinh thái vườn ao chuồng khép kín và bền vững hơn.”

Nguồn khí sinh học (biogas) hiện chỉ được ứng dụng trong đun nấu là chính. Lý do đây là nguồn phân tán, khó sản xuất điện.
Nhưng hiện tại vẫn đang có một số thử nghiệm dùng biogas để phát điện. Thí dụ một dự án do Cơ quan Hợp tác và Phát triển Quốc tế Luxembourg tài trợ tìm cách tận dụng một tài nguyên thiên nhiên phong phú ở ĐBSCL là cây lục bình.

Từ nguyên liệu chính là cây lục bình, người ta không chỉ làm khí đốt, mà còn để phát điện và làm nhiều sản phẩm tiêu dùng khác.

Điều phối viên của dự án phối hợp với Đại học Cần Thơ là Cố vấn kỹ thuật quốc gia, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Quỳnh hy vọng thu hoạch lục bình ít nhất đem lại thu nhập cho người dân nghèo.

Sinh khối

Tiềm năng sinh khối (biomass) trong phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam cũng khá lớn. Lợi thế to lớn của sinh khối so với các nguồn năng lượng tái tạo khác là có thể dự trữ và sử dụng khi cần. Hiện nay, Mỹ sản xuất điện biomass lớn nhất thế giới, với hơn 350 nhà máy điện sinh học, sản xuất trên 7.500MW điện mỗi năm.

Nguồn sinh khối chủ yếu ở Việt Nam là trấu, bã mía, sắn, ngô, quả có dầu, gỗ, phân động vật, rác sinh học đô thị và phụ phế phẩm nông nghiệp.

Nhưng ngoại trừ mía đường, các nguồn sinh khối khác vẫn chưa được khai thác để sản xuất điện. Theo nghiên cứu của Bộ Công nghiệp, tiềm năng sinh khối từ mía, bã mía là 200-250MW trong khi trấu có tiềm năng tối đa là 100MW.

Hiện cả nước có khoảng 43 nhà máy mía đường trong đó 33 nhà máy sử dụng hệ thống đồng phát nhiệt điện bằng bã mía với tổng công suất lắp đặt 130MW. Tuy nhiên, nếu thừa điện thì các nhà máy này cũng không bán được.

Một số nhà đầu tư nước ngoài đã chuẩn bị các nghiên cứu khả thi về sử dụng rác sinh học đô thị để sản xuất điện, mặc dù vậy chưa có một nhà máy sinh khối thương mại nào ở Việt Nam.

Chính phủ đang đàm phán với các nhà đầu tư Anh, Mỹ để ký một hợp đồng BOT trị giá 106 triệu đôla để xây dựng một nhà máy sinh khối tại TP Hồ Chí Minh.

Dự án này sẽ xây dựng một nhà máy xử lý 1.500-3.000 tấn rác mỗi ngày, sản xuất 15MW điện và 480.000 tấn NPK/năm. Tại Cần Thơ đang có các chương trình nghiên cứu xử lý chất thải sinh hoạt.

Đại học Cần Thơ đang hợp tác với Đại học Bonn của Đức để thử nghiệm hệ thống xử lý chất thải sinh hoạt trong cư xá sinh viên đông đảo của trường.

Chuyên viên nghiên cứu Samantha Antonini thuộc Đại học Bonn giải thích nước tiểu được biến thành phân bón sau ba giai đoạn phản ứng hóa học.

”Chúng tôi muốn sản xuất phân bón vì trong nước tiểu có rất nhiều nitrogen và phosphorus vốn là hai chất cần trong canh tác. Chúng tôi bơm 50 lít nước tiểu vào lò số 1, cho hóa chất magnesium oxide vào để chuyển phosphorus qua dạng tinh thể. Sau đó sấy khô thành bột như phân urê vậy.”

Cô Antonini giải thích nước tiểu sau khi không còn phosphorus nhưng vẫn còn nhiều nitrogen sẽ được đưa qua một lò khác, tăng nhiệt độ và độ kiềm lên. Sau đó bơm không khí vào để có amoniac ở dạng khí. ”Khâu kế tiếp là bơm khí đó vào lò thứ ba, cho acid sulfuric vào thì sẽ có một loại phân bón ở dạng lỏng. Như vậy có hai loại, một ở dạng bột và một ở dạng lỏng.” Các nhà nghiên cứu còn thử lọc theo phương pháp tự nhiên, lọc qua cát.

Giá thành cao

Nhìn hệ thống máy lọc tối tân của Đức có vẻ lạc lõng giữa khung cảnh thôn quê sông nước ở ĐBSCL. Nhưng cô Antonini nói mô hình xử lý chất thải thế này nếu thành công, có thể áp dụng dễ dàng tại các khu đô thị mới.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề sử dụng nhiên liệu tái tạo vào đời sống còn nhiều hạn chế do một phần lớn chưa hạ được giá thành sản xuất xuống thấp hơn so với nhiên liệu truyền thống.

Nhưng cho dù giá thành sản xuất có thấp như trong trường hợp biogas, đưa vào sử dụng đã trên 20 năm, hiện trên cả nước ước tính cũng chỉ có chừng 35.000 hầm/túi khí biogas phục vụ đun nấu gia đình với sản lượng 500-1.000m3 khí/năm cho mỗi hầm/túi.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Lưu Đức Hải, Chủ nhiệm Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG $$Hà Nội, nói người dân chưa được thuyết phục, ”Vấn đề kinh tế là yếu tố quyết định của sự phát triển.”