Hải Phòng “bó tay” với rác da giày?

Tuy Hải Phòng là thành phố công nghiệp, song trong nhiều năm, việc xử lý rác thải công nghiệp, nhất là rác da giày gần như bị buông lơi, bỏ lửng.

Cách đây chừng ba, bốn năm, đúng chiều 30 tết, người dân khu vực Chợ Con (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) hoảng hốt khi chứng kiến một đám cháy lớn ngay cạnh trạm biến áp điện. Ngọn lửa bốc cao ngang ngọn cây khiến một số người phải gọi điện cầu cứu cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Đó là một đống rác da giày to như đống rơm, lũ trẻ tinh nghịch đốt lên. Sau “sự cố” này, các công ty không dám đổ trộm rác ở nội thành mà chuyển sang đổ ở khu vực ngoại thành, cứ nhè lúc vắng là xả dọc các tuyến đường liên huyện, liên xã.

Công ty Da giày Hải Phòng là một trong những doanh nghiệp (DN) sản xuất giày và một số sản phẩm da lớn nhất TP Hải Phòng, năng lực sản xuất khoảng 10 triệu đôi giày/năm. Mỗi ngày, lượng rác từ sản xuất da giày bình quân của công ty hơn 20 m3.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Tổng giám đốc công ty, mỗi năm, công ty phải bỏ ra hàng tỷ đồng chi phí cho việc xử lý rác, hợp đồng thuê một đơn vị chuyên lo việc này.

Hiện TP Hải Phòng có khoảng 40 DN ngành giày da, trong đó có gần 30 DN quy mô lớn, bình quân mỗi ngày thải ra hàng trăm mét khối rác cần được xử lý, nhưng làm được như Công ty Da giày Hải Phòng không nhiều. Từ năm 2005 trở về trước, rác da giày một phần được xử lý qua lò đốt của Công ty TNHH Hưng Thịnh, còn lại chôn lấp cùng rác sinh hoạt ở bãi rác Tràng Cát.

Sau vụ việc người dân Tràng Cát ngăn xe chở rác, đập lò đốt của Công ty TNHH Hưng Thịnh, các DN phải tự lo việc xử lý. Có lẽ không chỉ ở Hải Phòng mà trên bình diện cả nước, hiếm có DN da giày nào đầu tư về xử lý chất thải và môi trường của mình. Vì thế cho nên, phần lớn DN “khoán” cho các đơn vị chuyên chở, thuê xe tải nhỏ tuỳ ý đổ đâu thì đổ, thậm chí để lẫn vào rác sinh hoạt.

Một số cơ quan chức năng của thành phố cho biết, rác da giày được các DN thuê Công ty Môi trường Đô thị đưa sang Quảng Ninh và chuyển lên Hà Nội để xử lý nhưng một điều chắc chắn rằng, số lượng được đem đi xử lý chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Bởi chi phí cho việc xử lý triệt để rác da giày không hề rẻ, các DN năng lực tài chính hạn hẹp, không đủ sức đầu tư để giảm thiểu chất thải độc hại, đành chọn phương án rẻ hơn là đổ trộm. Nhưng nếu trong trường hợp tất cả các DN đều muốn ký hợp đồng, thì Công ty Môi trường Đô thị cũng khó đáp ứng nổi nhu cầu vì… không đủ xe vận chuyển.

Thực tế, lượng rác thải được trung chuyển chỉ chiếm khoảng 20% (10 tấn), số còn lại (30 – 40 tấn), một phần lớn trong số này có “điểm tập kết cuối cùng” là khu vực công cộng và vùng ngoại thành. Không ít trường hợp các DN da giày thuê người đổ trộm rác bị nhân dân phát hiện. Có doanh nghiệp lấy cớ rác được bán để “tái sử dụng” làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất nhỏ, nhưng rõ ràng rác được “bán” kiểu này quá ít so với lượng phát sinh.

Bởi vậy, các đống rác da giày ngày một nhiều hơn ở các vùng ngoại thành, tuy không bốc mùi xú uế như rác sinh hoạt, nhưng do chủ yếu là “ba via” xốp dẻo nên rất khó phân huỷ, gây độc hại lâu dài cho môi trường (tuy dễ cháy nhưng đốt trong điều kiện thường, rác da giày sẽ tạo ra chất dioxin – một tác nhân gây ung thư).

Nhân dân các huyện Kiến Thuỵ, An Lão, Thuỷ Nguyên,… kêu trời vì họ thường xuyên “lãnh đủ” khói rác da giày. Chất thải da giày đang là nỗi đau đầu của lãnh đạo TP Hải Phòng. Đến thời điểm này, thành phố vẫn chưa có bãi rác, khu xử lý rác da giày, cộng với chế tài xử lý chưa triệt để và đủ mạnh để buộc các DN phải thực thi nghĩa vụ của mình đối với vấn đề này, nên thật khó mà kiểm soát, quản lý.

Ông Trần Trung Dũng, giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ môi trường (Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng) hào hứng giới thiệu dự án lò đốt rác da giày công suất 25 tấn/ngày do Viện Khoa học công nghệ Việt Nam nghiên cứu, chuyển giao. TP Hải Phòng vừa duyệt cho Công ty Môi trường Đô thị dự án này, mức đầu tư ba tỷ đồng. Lò đốt này vẫn đang ở giai đoạn… trên giấy và dự kiến, phải sáu tháng nữa mới triển khai. Kể cả sau này đi vào hoạt động chăng nữa, công suất lò cũng chỉ giải quyết được một lượng rất nhỏ. Để khắc phục, xí nghiệp sẽ điều động một số công nhân phân loại rác, phần nào khó phân huỷ và độc hại mới đem đốt.

UBND TP Hải Phòng đang rà soát việc xử lý chất thải nguy hại ở tất cả các DN, sẽ có kế hoạch xử phạt nặng, thậm chí đóng cửa các cơ sở sản xuất không thực hiện xử lý chất thải nguy hại, tuy nhiên có lẽ việc này mới chỉ dừng lại ở… kế hoạch, chưa thấy triển khai gì.

Về vấn đề này, khi được hỏi, trưởng phòng Quản lý Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và môi trường lại kiên quyết “né” bằng cách trả lời “chưa có ý kiến chỉ đạo của giám đốc Sở”.

Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, chất thải nguy hại phải được quản lý từ lúc phát sinh đến khâu xử lý cuối cùng, do đơn vị có đủ điều kiện xử lý. Thực tế, tất cả các DN ở Hải Phòng đều cam kết bảo đảm vệ sinh, an toàn môi trường khi sản xuất, mỗi dự án đầu tư đều có phương án xử lý chất thải, nước thải. Nhưng có một thực tế khác, rác thải từ sản xuất công nghiệp ngày càng xuất hiện nhiều hơn và có xu hướng trầm trọng hơn. Như vậy, có thể thấy rõ một điều, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường ở Hải Phòng đã tỏ ra bó tay, bất lực trước tình trạng này.

Hải Phòng là thành phố công nghiệp, tốc độ tăng trưởng GDP cao gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước. Nhưng đằng sau sự tăng trưởng là vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên bức xúc. Tăng trưởng kinh tế không gắn liền bảo vệ môi trường là sự tăng trưởng thiếu bền vững. Những hệ luỵ và giá đắt của nó không phải xa vời mà đã hiện hữu ngay trước mắt.

Khắc phục tình trạng này, ngoài việc đầu tư cho việc xử lý ô nhiễm của thành phố, còn cần sự kiên quyết của các cơ quan chức năng cũng như huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế vào việc xử lý chất thải một cách triệt để.

Rác da giày thuộc nhóm chất thải công nghiệp, gồm chất dẻo, chất xốp sinh ra trong quá trình sản xuất giày dép và các sản phẩm da.
Loại rác thải này tuy dễ cháy nhưng lại rất khó phân huỷ khi chôn lấp và gây độc hại với môi trường lâu dài.