Rác cũng bị… cướp!

Liên tiếp 1 tháng nay tại Khu công nghiệp (KCN) Khí – điện – đạm Cà Mau, mỗi ngày hàng chục người dân vào đây ngang nhiên "cướp rác". Sự việc được đẩy lên đến đỉnh điểm khi nhà thầu Simen chính thức lên tiếng nếu kéo dài tình trạng này, sẽ ngừng thi công.

Rác đầy khu công nghiệp

Trong khuôn viên của công trình KCN Khí – điện – đạm Cà Mau đi đến đâu cũng thấy rác. Trước cổng công trường, rác đổ rơi vãi khắp nơi, chủ yếu là rác những bọc nylon, lon nhựa và những phế phẩm khác. Ông Phạm Văn Định – Trưởng ban Quản lý dự án (BQLDA) – cho biết: BQLDA có hợp đồng với nhà thầu Thanh Tân (Cty dịch vụ môi trường Thanh Tân – PV) thu mua rác trên toàn bộ công trường.

Liên tiếp 1 tháng nay, xe chở rác ra ngoài bến tập kết thì bị một số người dân phóng lên, đu bám cướp rác nên họ sợ quá đổ đại trước cổng. Theo ông Đinh, nhà thầu Simen đã làm văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị có biện pháp chấm dứt ngay tình trạng cướp rác, nếu không sẽ ngừng thi công.

Ông Nguyễn Văn Định – nhân viên của Cty dịch vụ môi trường Thanh Tân (Cty Thanh Tân), người trông coi bãi rác – cho biết: “Người dân tại đây ngang nhiên leo lên xe cướp rác. Trong bãi này họ không dám, còn ở ngoài không thể kiểm soát nổi”.

Theo ông Huỳnh Văn Vẹn – Tiểu đội trưởng Đội bảo vệ khu Khí – điện – đạm Cà Mau, nếu như nhà thầu Thanh Tân phân lập đâu là rác công nghiệp, khu nào rác sinh hoạt cho dân vào lượm thì sẽ không có tình trạng này xảy ra.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những “rác tặc” đều là dân nghèo, chủ yếu cư ngụ tại ấp 7, ấp 9 xã Khành Bình Tây. Thật ra, Cty Thanh Tân chỉ thu rác công nghiệp gồm những thanh sắt lớn, ván thông, hộp ván có giá trị lớn. Còn lại những phế phẩm lụn vụn, họ đem về tập kết tại một điểm khác mà không hề xử lý môi trường.

Không thể chỉ đổ lỗi cho dân

Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Văn Định – Trưởng BQLDA – cho rằng, người dân tại đây gây ra tình trạng mất trật tự. Ông Định nói: “Chúng tôi có hợp đồng với công an hàng trăm triệu đồng, nhưng họ không bảo vệ, gây thiệt hại lớn”. Phía CA thì cho rằng, trách nhiệm quản lý này cần có sự phối hợp của nhiều phía. Không thể bắt dân nghèo đem nhốt vì tội “cướp rác”.

Trong khi đó, đại diện Cty Thanh Tân lâu lâu mới xuống một lần, họ gần như không có trách nhiệm gì về hiện tượng đổ rác bừa bãi tại công trường, không xử lý rác một cách triệt để, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp có tầm cỡ quốc gia này.

Ông Tống Lê Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Cà Mau – cho biết, không thể chỉ đổ lỗi cho người dân. Ông nhận trách nhiệm về mình vì chưa có chỉ đạo kiểm tra xử lý kịp thời tình trạng rác thải tại đây.

Tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác tại KCN Khí – điện – đạm Cà Mau đã đến lúc báo động, ngày 24/10, Cục Bảo vệ môi trường – Bộ TNMT đã có văn bản gửi Sở TNMT Cà Mau đề nghị đánh giá hiện trạng quản lý môi trường trong Khu Khí – điện – đạm và khu vực xung quanh, rà soát các ảnh hưởng môi trường khi khu Khí – điện – đạm đi vào hoạt động.

Giám đốc Sở TNMT Cà Mau Tống Lê Thắng: Phải dời bãi rác khỏi KCN

Về tình trạng rác thải công nghiệp và rác sinh hoạt tại công trình Khí – điện – đạm Cà Mau, tôi đã được anh em phản ánh. Theo tôi, để đảm bảo môi trường tại một KCN có tầm quốc gia như vậy, về lâu dài phải tách bãi rác ra khỏi KCN này. Chúng tôi đang cho thẩm tra lại hiện trạng môi trường ở đây và đang có kế hoạch cùng với Phòng Quản lý môi trường Cà Mau, đề xuất UBND tỉnh tách toàn bộ bãi rác ra khỏi khu vực.