Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre: Nhiều nỗi lo

Công trình cống đập Ba Lai là một trong những hạng mục chính của Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre nhằm chế ngự triều biển Đông xâm nhập sâu từ phía hạ nguồn sông Ba Lai, tạo nguồn ngọt, tiêu chua rửa phèn. Cống đập Ba Lai đã vận hành 5 năm qua, còn tính cả Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre thì ì ạch mấy năm qua, đến nay chỉ hoàn thành hơn 10% tổng giá trị…

Sông “nuốt” nhà dân…

Công trình cống đập Ba Lai vận hành khoảng một năm rưỡi thì xuất hiện tình trạng đất bị lở nghiêm trọng ở bờ sông Giao Hòa (kênh Giao Hòa) và An Hóa (kênh An Hóa) huyện Châu Thành (Bến Tre). Bà Phan Thị Én, ngụ tổ 5, ấp Châu Thành, xã An Hóa, chỉ tay xuống dòng sông An Hóa, nơi ngôi nhà của bà đã bị dòng nước cuốn đi cách đây gần 3 năm, kể: “Khoảng 10g, tôi đi bán vừa về tới nhà thì thấy ngôi nhà của mình từ từ sụp xuống sông. Rất may là mấy đứa con đều ở ngoài nhà”, bà Én thở dài.

Theo điều tra của Sở Khoa học – Công nghệ Bến Tre: Kênh Giao Hòa từ ngã ba sông Mỹ Tho đến ngã ba sông Bến Tre dài khoảng 15km. Từ ngã ba sông Mỹ Tho – kênh Giao Hòa đến cầu An Hóa, dài 1,2km. Đoạn đường bờ bị sạt lở trung bình từ 1m đến 4m/năm. Nguyên nhân gây sạt lở do dòng chảy mạnh và sóng lớn vào các tháng mùa chướng (từ tháng 11 đến tháng 3 Âm lịch). Từ cầu An Hóa đến ngã tư sông Ba Lai – Bến Tre dài 800m bị sạt lở mạnh, hàng năm bị sạt lở trung bình khoảng 4m, có nơi 6m…

Trưởng ấp Châu Thành, xã An Hóa, Châu Văn Tươi cho biết: “Ấp Châu Thành là nơi bị sạt lở nặng nhất. Từ năm 2003 đến nay, đã có trên 40 hộ phải di dời. Hiện nay, huyện Châu Thành đang triển khai công tác đo đạc, kiểm kê để đền bù giải phóng mặt bằng cho những hộ dân trong dự án làm bờ kè từ chợ An Hóa đến vàm Giao Hòa, dài 1991m”.

Ông Tươi nói rằng, dọc theo sông, phải giải tỏa thêm 75 hộ, trong đó khó khăn nhất là có 19 hộ không có đất để di dời. Ông Lê Văn Tư, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: “Kinh phí dự án bờ kè An Hóa – Giao Hòa do trung ương đầu tư (56,4 tỷ đồng). Khi xây dựng, bờ kè sẽ được đào sâu vào đất liền 15m. Còn về kinh phí di dời thì cuối tháng 11/2007 huyện sẽ trình với UBND tỉnh Bến Tre”.

Mấy năm qua, tỉnh Bến Tre phải đầu tư gần 20 tỷ đồng để gia cố móng cầu An Hóa trong tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng. Ngoài ra địa phương cũng hết sức khó khăn khi Nhà máy Nước An Hóa vừa mới xây dựng hàng chục tỷ đồng, đưa vào sử dụng chưa đầy 2 năm đã nằm trong vành đai sạt lở sông An Hóa.

Và nhiều nỗi lo……

Các hạng mục còn lại của Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre đang trong giai đoạn chuẩn bị lập dự án đầu tư, đã mời thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu.

Về biến đổi dòng chảy, môi trường sau khi cống đập Ba Lai đi vào vận hành (từ tháng 05/2002), theo điều tra của Sở Khoa học – Công nghệ Bến Tre: Vào mùa khô, do lưu lượng nước phía thượng nguồn xuống kém; nước từ sông Hàm Luông, Mỹ Tho chảy qua kênh Giao Hòa ít hơn. Lòng sông phía thượng nguồn sông Ba Lai cạn, nên mực nước ngọt lưu trữ thấp hơn 0,3m – 0,7m so lúc chưa xây dựng cống đập Ba Lai.

Cũng trong thời điểm này, nước mặn từ biển Đông lấn sâu vào sông Mỹ Tho rồi từ đây, nước mặn lấn vào kênh Giao Hòa, chảy trở ngược xuống sông Ba Lai làm cho một khu vực phía thượng nguồn cống đập Ba Lai bị nhiễm mặn.

Theo dự báo, nếu tình trạng này kéo dài, lòng sông Ba Lai ngày càng cạn dần, dẫn đến thiếu nước sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân vào mùa khô. Ngoài hạ thấp mực nước vào mùa khô, khi hệ thống cống Ba Lai đóng lại tạo ra nhiều khu vực nước phèn tại những nơi giáp nước. Ở vùng giáp nước thuộc xã Phong Nẫm, Phong Mỹ (Giồng Trôm) nước trở màu xanh, rong rêu phát triển mạnh, điều đó cho thấy hàm lượng phèn tụ lại là rất cao.

Các cơ quan chuyên môn xác định: Việc xuất hiện những biến đổi môi trường trên là do Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre chưa thi công đồng bộ, chế độ vận hành cống Ba Lai chưa thật hợp lý.

Ông Huỳnh Thanh Hiếu, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bến Tre, người phát ngôn của UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: “Song song với Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre, tỉnh đang lập dự án nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai. Mục tiêu của dự án này là hỗ trợ, cung cấp đủ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho 800.000 dân, thuộc 5 huyện, thị phía Bắc tỉnh Bến Tre”.

Hiện dự án trong giai đoạn thẩm định đầu tư, sẽ triển khai công tác đền bù vào cuối năm 2007 và tổ chức thi công năm 2008. Ông Hiếu cũng cho biết những khó khăn của Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre, là một dự án lớn, đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt trình tự xây dựng cơ bản, khi tiếp nhận hồ sơ chỉ mới có dự án tiền khả thi, do đó phải tiếp tục lập dự án đầu tư. Mặt khác, với một dự án lớn cần phải có ý kiến từ nhiều ngành, nhiều cấp liên quan và ý  kiến của người dân trong vùng dự án”.

Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre (còn gọi là Dự án Ba Lai) được Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2000, sẽ phục vụ cho 4 huyện: Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành, Bình Đại và thị xã Bến Tre. Mục tiêu của dự án là ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn, cải tạo đất cho 115.000ha đất tự nhiên, 88.500ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản và phục vụ sinh hoạt cho gần 1 triệu dân sống trong vùng dự án.

Tổng mức đầu tư dự án là 700 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục công trình sau: Cống đập Ba Lai; cống âu thuyền Bến Tre và An Hóa; cống tiếp nước Bến Rớ và Tân Phú; đê ven sông Hàm Luông và sông Mỹ Tho (sông Cửa Đại); hệ thống kênh cấp 1. Thế nhưng đến nay chỉ có công trình cống đập Ba Lai hoàn thành và đi vào hoạt động (năm 2002).