Nghiên cứu khí hậu bằng mô hình toán học mới

Các nhà nghiên cứu khí hậu lần đầu tiên giới thiệu một mô hình tính toán mới, trong đó có tính đến những dao động về hiện tượng Trái đất nóng lên. Theo các nhà nghiên cứu, chính thiên nhiên đã phần nào kiềm chế sự biến đổi khí hậu, tuy nhiên điều này sẽ không thể diễn ra mãi mãi. Từ năm 2009, có nguy cơ xảy ra hàng loạt vụ hạn hán ngày càng nghiêm trọng hơn.

Cho đến nay, các mô hình tính toán phần lớn chỉ chú ý đến các yếu tố ở bên ngoài hệ thống khí hậu như hiệu ứng nhà kính, tia sáng mặt trời hay khí trong bầu khí quyển. Trong khi đó các dao động nội tại, đặc biệt khi dự báo về thập kỷ tới lại không được chú ý đúng mức.

Giờ đây, lần đầu tiên các nhà khoa học Anh giới thiệu trên Tạp chí chuyên đề Science một mô hình toán học, mang tên DePreSys, trong đó có các dữ kiện mới nhất là dao động tự nhiên.

Kết quả tính toán của các nhà nghiên cứu dưới sự chủ trì của Giáo sư Doug Smith thuộc Trung tâm Hadley ở Exeter cho thấy: Thời gian từ năm 2009 đến 2014, nhiệt độ bình quân sẽ nóng hơn so với năm nóng kỷ lục 1998. Năm 2014, nhiệt độ bình quân toàn cầu tăng từ 0,1oC đến 0,5oC so với năm 2004.

Ngoài yếu tố khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người gây ra, mô hình toán học này còn tính đến nhiều biến thiên khác của biến động khí hậu như hiện tượng El Nino cũng như sự dao động kéo dài của tuần hoàn nước và sự tích nhiệt trong các đại dương.

Những biến động tự nhiên có tác động mạnh tới khí hậu toàn cầu như: biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương chu kỳ lạnh- nóng kéo dài từ 30 đến 50 năm. Sự dao động nhiệt độ trong nhiều thập niên ở Đại Tây Dương có liên quan với các chu kỳ hạn hán ở châu Phi và châu Mỹ và với sự hoạt động mạnh lên của các cơn bão nhiệt độ.

Erich Roeckner, chuyên gia phụ trách mô hình hoá khí hậu tại Viện Max-Planck- Khí tượng học ở Hamburg (Đức) cho rằng công trình nghiên cứu của Doug Smith và các cộng sự của ông là “một bước tiến quan trọng đầu tiên”.