Quảng Bình: Rừng thông chảy máu

Hàng ngàn hộ dân sống ven rừng thông các xã phía Tây – Bắc huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đang dốc sức tàn phá hàng chục ngàn hécta rừng thông đang độ thu hoạch, lợi dụng sau bão số 5 rừng thông bị gãy, đổ. Khi lực lượng bảo vệ lâm trường ra tay, thì bị lâm tặc dùng mọi biện pháp khống chế để cướp rừng. Người dân đang ngang nhiên tàn phá rừng, cả ban ngày lẫn ban đêm, lúc trời nắng cũng như trời mưa…

Tan hoang rừng Quảng Trạch

Theo báo cáo nhanh của lâm trường Quảng Trạch thì tình trạng người dân chặt phá rừng thông ồ ạt diễn ra trong vòng khoảng 1 tháng đến nay, nhất là lợi dụng sau bão số 5 hàng chục ngàn cây thông bị gãy, đổ. Với số lượng khổng lồ khoảng gần 100 ngàn cây thông đang độ thu hoạch và khai thác trên diện tích trên 20 ngàn hécta bỗng dưng trở thành sở hữu của hàng ngàn hộ dân trong vùng. Mặc dù hơn một tháng nay lâm trường Quảng Trạch đã huy động cán bộ, công nhân viên cùng với  lực lượng bảo vệ rừng quên ăn, mất ngủ để theo dõi, bám sát, dùng mọi biện pháp để khống chế dân tặc nhưng đành bó tay nhìn rừng thông bị hàng ngàn người dân tàn phá. Nguyên nhân là lực lượng mỏng trong khi diện tích rừng bị chặt phá quá rộng và xen kẽ.

Người dân sống quanh khu vực này không chỉ ngang nhiên tàn phá rừng mà họ còn coi thường pháp luật, dùng mọi thủ đoạn để “cướp rừng”. Cách đây khoảng 1 tuần, cán bộ lâm trường cùng với lực lượng bảo vệ rừng đi kiểm tra khu vực ngầm Khe Do – thuộc đội Thống Nhất (xã Quảng Tiến) phát hiện một số lượng lớn gỗ thông đã bị người dân khai thác, khi lực lượng bảo vệ lâm trường huy động phương tiện đến thu gom đưa về đội thì bị một số đối tượng ngăn cản và doạ đánh nếu tịch thu số gỗ trên. Ngày 24/10, chúng tôi đến “điểm nóng” phá rừng và gây rối tại đội Thống Nhất thuộc xã Quảng Tiến. Cảnh tượng ập vào mắt chúng tôi là hàng chục chiếc xe máy vận chuyển gỗ vừa xin được đưa đi tiêu thụ. Ngay lập tức, lực lượng công an đã khống chế và bắt quả tang 4 đối tượng đang vận chuyển gỗ đưa về trụ sở đội Thống Nhất để tiến hành lập biên bản xử lý.

Trong lúc các lượng lượng tiến hành lập biên bản và tạm giữ phương tiện thì hàng trăm người dân sống trong vùng đến gây rối, chửi mắng, đe doạ tạo thành một điểm nóng thực sự. Khi các lực lượng trở về bị một số đối tượng rải đinh trên đường làm thủng lốp xe, không những thế bọn chúng còn đuổi theo ném đá. Khoảng 1 tiếng sau, lực lượng bảo vệ lâm trường ở đội Thống Nhất cho biết đã bị hàng chục đối tượng khống chế bằng cách ném đá vào trụ sở đội để lực lượng bảo vệ không dám ra ngoài, cùng lúc đó hàng chục đối tượng khác dùng mọi phương tiện lấy trộm toàn bộ số gỗ thông của lâm trường thu được của lâm tặc.

Trao đổi với lãnh đạo xã Quảng Tiến về tình trạng hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tưởng rừng là vườn nhà mình nên ngang nhiên khai thác gỗ thông trái phép đến mức phải báo động, lãnh đạo xã cho biết: “xã đã thường xuyên thông tin, tuyên truyền đến với người dân tác hại của việc khai thác rừng trái phép và đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn không hiệu quả. Hàng trăm người dân chủ yếu hoạt động vào ban đêm hoặc lợi dụng lúc sơ hở của các lực lượng bảo vệ tàn phá rừng và vận chuyển đi tiêu thụ cả đêm tránh sự phát hiện”.

Cơ quan chức năng bất lực?

Qua tìm hiểu thì nhân dân các xã trên chủ yếu làm ruộng, thanh niên thì làm nghề thợ xây và các nghề phụ khác thu thập hàng ngày rất thấp. Chính vì thấy việc khai thác rừng “dễ kiếm ăn” người dân ồ ạt lao vào khai thác rừng thông trái phép, gây thiệt hại rất lớn đối với lâm trường Quảng Trạch.

Chúng tôi quyết định cùng đội trưởng đội cơ động bảo vệ rừng Trần Đức Nhân xâm nhập vào khu vực rừng bị khai thác gần như cạn kiệt của đội Thống Nhất để ghi hình lâm tặc đang khai thác bằng con đường mòn, quanh co, gấp khúc để tránh sự phát hiện của bọn chúng. Những cánh rừng thông đang khai thác nhựa và chuẩn bị đưa vào khai thác tan hoang dưới bàn tay của dân tặc khiến không chỉ chủ rừng đau lòng.

Chủ lô Tạ Thành (30 tuổi), ở xã Quảng Tiến cho biết:  Tui được lâm trường thuê chăm sóc, bảo vệ khoảng 8,4 ha, đến nay gần như đang độ thu hoạch, nhưng chỉ hơn 1 tháng lâm tặc đã khai thác trộm trên 80%… Gần như bất lực trước sự khai thác trắng trợn của bọn chúng, tui và lực lượng bảo vệ ra để bắt thì bị bọn chúng ném đá và khống chế nên chỉ đứng nhìn và nghe những cây thông bị khai thác đổ gãy mà thôi.

Quanh một vòng các xã trên, chúng tôi thấy nhà nào cũng có số lượng lớn của để dành là gỗ thông, mặc dù đã đưa đi tiêu thụ rất nhiều. Có nhiều nhà ngang nhiên chất đầy gỗ thông trước nhà, nhà kín đáo hơn thì giấu  hàng trăm khối gỗ thông dưới hồ cá rộng lớn mênh mông. Một điều kiện thuận lợi để hàng ngàn hộ dân khai thác gỗ thông trái phép là gần 10 xưởng cưa không phép mọc lên, những xưởng cưa này thu mua số lượng lớn gỗ thông chế biến ra thành phẩm đưa đi tiêu thụ. Cứ mỗi khúc gỗ thông dài khoảng 1, 6m đường kính 20 -30cm bọn chúng bán khoảng 20.000 đồng. Nếu một thanh niên khoẻ mạnh khai thác cả ngày lẫn đêm thu nhập khoảng trên 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.

Để hạn chế tình trạng khai thác trái phép trên, lãnh đạo lâm trường Quảng Trạch đã nhiều lần cầu cứu các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, thu giữ, nhất là các xã có rừng, nhưng vẫn không hạn chế là bao.

Theo chân cùng các lực lượng bảo vệ lâm trường Quảng Trạch trong suốt 1 tuần, chúng tôi mới thấy hết những nỗi gian truân, vất vả của họ. Chính vì bảo vệ tài sản của Nhà nước, của nhân nhân, bảo vệ những mảnh rừng xanh tươi mà họ phải nếm trải cả máu và nước mắt.