Sóc Trăng : Ô nhiễm môi trường từ khu công nghiệp

Khu công nghiệp (KCN) An Nghiệp của tỉnh Sóc Trăng hiện thu hút được dự án đầu tư của 21 doanh nghiệp (DN). Trong đó, có 6 DN đã đi vào hoạt động. Mặc dù tỉnh đã rất quan tâm đến việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung cho KCN, nhưng đến nay vì nhiều lý do, nhà máy xử lý nước thải vẫn đang trong giai đoạn làm thủ tục. Các DN tại đây không còn cách nào khác, phải xả thẳng nước thải ra các tuyến kênh…

“Vật thể lạ” trên các tuyến kênh 

Anh Danh Dân – nhà ở bên cạnh tuyến kênh 30/4, phía sau KCN An Nghiệp – lấy cây xô đám lục bình dưới bến, chỉ những tảng chất thải vón cục, nổi trên mặt nước, cho biết: “Trong KCN xả ra đó, thấy cục to bằng bàn tay vầy nè, nổi trên mặt nước. Nó lâu tan lắm, càng lâu ngày càng sẫm màu và mùi hôi càng nặng. Bây giờ nước kênh hôi lắm, tắm là bị ghẻ ngứa”. 

Theo các hộ dân, tình trạng các nhà máy trong KCN An Nghiệp xả chất thải ra kênh xảy ra hơn một tháng nay, mức độ thải ngày càng nhiều, mặt nước nổi váng mỡ và các dòng kênh từ đó cũng bắt đầu bốc mùi hôi. Tuyến kênh Thẻ 25 chạy dọc theo KCN cũng cùng chung cảnh ngộ. 

Tuyến kênh 30/4 và kênh Thẻ 25 là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất lúa, hoa màu của người dân các xã An Hiệp, Phú Tân của huyện Mỹ Tú và dẫn nước thẳng về hồ nước ngọt của khu văn hoá hồ nước ngọt Sóc Trăng. Việc ô nhiễm nguồn nước do các nhà máy trong KCN xả chất thải ra đang gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. 

Chị Lý Thị Phương có 2 con nhỏ, nhà ở bên tuyến kênh 30/4, phía sau KCN An Nghiệp, than thở: “Hồi đó tới giờ ở đây chỉ xài nước kênh này, nhưng bây giờ thì hôi quá rồi. Nước xả ra dơ lắm, nước ròng là không xài được, rửa mặt cũng thấy hôi. Mấy bữa có mưa thì xài nước mưa, còn nắng thì đợi nước lớn múc lóng phèn xài đỡ. Tắm mấy đứa nhỏ sợ ghẻ ngứa”.

Còn anh Lâm Tài – nhà ở xã Phú Tân, làm ruộng bên hông khu công nghiệp, cạnh kênh Thẻ 25 – lo lắng: “Thấy nước xả ra là không dám lội ngang kênh, ngứa lắm. Bà con không dám bơm nước lên ruộng, sợ lúa hư hết”. 

Nhà máy xử lý nước thải: Triển khai quá chậm 

Ông Nguyễn Văn Ngưng – Trưởng BQL dự án các KCN tỉnh Sóc Trăng – cho biết : Trong số 6 nhà máy đi vào hoạt động, có 2 nhà máy có nguồn nước thải cần xử lý. Đó là Nhà máy An Phú của Cty cổ phần thuỷ sản Sóc Trăng – có từ 100 đến 150m3 nước thải/ngày đêm và hiện xả thẳng ra kênh 30/4. Còn Công ty TNHH một thành viên Ngọc Thu có lượng nước thải ít hơn, chỉ từ 4 – 5m3/ngày đêm, nhưng ô nhiễm nặng hơn do mỡ và máu cá trong nguyên liệu chế biến bột cá, thức ăn thuỷ sản của nhà máy và đang xả thẳng ra kênh Thẻ 25.  

Những tảng chất thải vón cục nổi trên mặt nước kênh 30/4 và kênh Thẻ 25 được xác định là mỡ cá do Công ty Ngọc Thu xả ra.

“Chúng tôi đã họp và thống nhất với Công ty Ngọc Thu. Công ty sẽ đầu tư nhà máy xử lý riêng trước, thu hồi mỡ cá và xử lý đạt tiêu chí cơ bản để hạn chế ô nhiễm, chờ nhà máy xử lý tập trung của KCN. Công ty đã triển khai và dự kiến đưa vào vận hành vào ngày 15/10 vừa qua. Nhưng vì nhiều lý do, đến nay đơn vị này chưa xây dựng xong” – ông Nguyễn Văn Ngưng cho biết thêm. 

Cũng theo Ban quản lý dự án các KCN tỉnh Sóc Trăng, tiến độ triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung cho KCN An Nghiệp thời gian qua tiến hành khá chậm, nên chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất của các nhà máy trong KCN.  

Khó khăn là do yêu cầu đầu tư nhà máy xử lý nước thải KCN An Nghiệp vừa phải đảm bảo tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa phải đạt yêu cầu về chất lượng thiết bị và công nghệ nên gần 2 năm qua, dù đã có nhiều đối tác tham gia, nhưng đến nay dự án mới chỉ đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục.