Phát triển kinh tế VAC đô thị ở Đà Nẵng: Ghi nhận từ Hoà Khánh Bắc

Những đại biểu tham dự Hội nghị nhân rộng mô hình VAC ở Đà Nẵng đã không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến những mô hình VAC của phường Hoà Khánh Bắc (quận Liên Chiểu). Đó không chỉ là những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đặc sắc vì chúng không chiếm nhiều diện tích đất canh tác.

Không thể kể hết những mô hình kinh tế VAC hiệu quả ở Hoà Khánh Bắc. Điều ghi nhận là, với sự chỉ đạo hỗ trợ của chính quyền và các cấp hội đoàn thể, nông dân vùng này không bó tay trước khó khăn về đất canh tác, họ mạnh dạn đầu tư với nhiều cách làm khác nhau.

Ông Đỗ Vân ở tổ 54 đã cung cấp thỏ giống cho 18 hộ trên địa bàn trong gần 3 năm qua, ai cũng nuôi thành công. Riêng gia đình ông hiện có 15 con thỏ mẹ nhập ngoại. Ông khá tâm huyết với chúng vì đây là loài vật dễ nuôi, mắn đẻ, chóng lớn, thức ăn có sẵn và ít bị dịch bệnh. Mỗi lứa, thỏ mẹ cho ra đời 5-7 thỏ con và cứ 1,5 tháng thỏ đẻ một lứa. Kể từ khi sinh ra đến khi bán giống chỉ hơn 1 tháng, còn bán thỏ thịt thì sau 3 tháng, lúc đó mỗi con có trọng lượng 4-5kg.

Nói về hiệu quả kinh tế, ông Vân khẳng định, ít có loài vật nuôi nào mang lại lợi nhuận cao như thỏ. Hiện mỗi tháng ông cung cấp cho thị trường khoảng 70 con thỏ giống và trên 10 con thỏ thịt, thu gần 5 triệu đồng. Trừ chi phí, lãi gần 4 triệu đồng.

Chỉ với 150m2 vườn nhà, mỗi năm, ông Trần Viên ở tổ 43 cũng thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi ba ba. Năm 2006, sau khi được tập huấn kỹ thuật nuôi ba ba thịt, ông mạnh dạn đầu tư xây hồ, vào Thăng Bình (Quảng Nam) mua 800 con ba ba giống loại bằng nắp chai với giá 16.000 đồng/con về thả nuôi. Thức ăn cho chúng rất dễ kiếm, chủ yếu là rau bèo, có khi cả gốc cây chuối. Thỉnh thoảng cho ít thức ăn chế biến sẵn hoặc cá tươi băm nhỏ.

Thời gian đầu, cứ 2 tháng phải thay nước một lần. Khi ba ba từ 6 tháng tuổi trở lên, 10-15 ngày thay một lần. Sử dụng nước ngầm để nuôi là tốt nhất. Theo tính toán của ông Viên, sau 1 năm, hao hụt khoảng 100 con, số còn lại trung bình nặng 0,7 kg/con. Với giá 140-150.000 đồng/kg như hiện nay, ít nhất ông cũng thu gần 70 triệu đồng. Ông Viên rất lạc quan bởi hiện nay thị trường đang hút hàng nên có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. “Với đà này, chắc tôi phải thuê thêm đất để còn đầu tư làm ăn lớn” – ông Viên cho biết.

Với 1.500 bịch nấm sò, mỗi ngày thu hoạch 20kg, giá 12.000 đồng/kg, ông Mai Trọng Nghĩa ở tổ 50 không chỉ đủ trang trải chi tiêu hàng ngày mà còn lo cho 4 người con học đại học. Ông cho biết: “Mỗi ngày thu hơn 200.000 đồng từ trồng nấm không khó. Tuy nhiên, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, sản xuất từ tháng 7 đến tháng 2 năm sau là tốt nhất…”.

Ông Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, người tâm huyết với việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân phát triển kinh tế VAC đô thị cho rằng: “Từ kết quả đáng mừng này, quận sẽ tổ chức hội thảo, không chỉ nhân rộng mà còn nâng cấp quy mô của từng mô hình để đạt doanh thu 100 triệu đồng/năm. Qua những mô hình thành công nêu trên, thấy rằng, không ở đâu là không làm ra của cải, quan trọng là phải năng động, nhạy bén với thị trường, mạnh dạn đầu tư với các loại hình mới mẻ, độc đáo, quy mô làm ăn lớn”.