Ô nhiễm KCN Phú Thái: Dân bỏ nhà đi vì ô nhiễm (Kỳ 1)

ThienNhien.Net – Hải Dương là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao, có nhiều khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp tập trung. Tuy nhiên, đây cũng là nơi nổi tiếng về tình trạng ô nhiễm, điển hình như KCN Phú Thái tại thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành với 13 doanh nghiệp lớn nhỏ. Những hộ dân sống tại đây đang phải đối diện với nguy cơ bệnh tật, có người đã chết vì ung thư, có người đã bỏ nhà ra đi vì không thể chịu đựng thêm. Theo lời ông PCT thị trấn – Dương Văn Long – có khoảng 2.500 người dân sống đang chịu ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường từ các nhà máy trong khu công nghiệp Phú Thái.

Chạy trốn thần chết

      Chúng tôi tìm về thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương theo đơn tố cáo của chị Đỗ Thị Thích, tổ 14, khu phố Ga. Tuy nhiên, căn nhà chị Thích giờ chỉ là căn nhà hoang, những người hàng xóm cho biết chị đã bỏ nhà đi nơi khác, phải lần mò mãi chúng tôi mới tìm gặp được chị. Trong căn nhà đang xây dở, chị Thích cho biết: Từ cuối năm 2006 chị đã phải bỏ nhà đi thuê trọ để ở. Đến tháng 06/2007, được sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, chị mượn  5 quyển sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng lấy tiền xây dựng ngôi nhà mới này. Chị ngậm ngùi khi cho chúng tôi biết tiền công xây nhà chị vẫn đang còn khất nợ.

 KCN Hai Duong 1
 Chị Đỗ Thị Thích với những giấy tờ bệnh án

Ngày thường, chị Thích bán hàng tạp hoá ngoài chợ nhưng hôm nay căn bệnh viêm vòm họng của chị tái phát nên chị đang phải nằm dưỡng bệnh tại nhà. Kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện, hai hàng nước mắt lại lăn dài trên đôi má gầy sạm đen của chị, chị bảo: “Tôi đã khóc cạn cả nước mắt rồi có lẽ tôi không thể sống nổi nữa, nhà đang ở là nhà vay mượn, giờ tôi lại bệnh tật thế này không biết lấy gì để trả nợ”.

Từ đầu năm đến nay, căn bệnh viêm vòm họng hành hạ chị suốt, lên Hà Nội chữa mấy nơi thì bác sỹ đều bảo về, bệnh thành mãn tính rồi hầu như không thể chữa khỏi được nữa.  Trong ngần ấy thời gian, riêng tiền chữa bệnh đã ăn sâu vào khoản vay nợ của chị thêm 6 triệu nữa. 

Chị Thích không nhớ nổi đã gửi bao nhiêu đơn thư cầu cứu. Gửi lên UBND huyện, thị trấn không thấy hồi âm, chị lại gửi lên Sở tài nguyên Môi trường và lần này cẩn thận mượn người chụp ảnh, ghi băng hình để làm chứng cứ rõ ràng với hy vọng sẽ thuyết phục được “các bác lãnh đạo”. Thế nhưng sau bao nhiêu chuyển ngược xuôi tất tả, kết quả chị nhận được là sự im lặng đầy khó hiểu. Đến đường cùng, chị lại chạy vạy vay cố 3 triệu đồng nữa nhờ luật sư làm đơn kiện các doanh nghiệp với nguyện vọng đòi lại bằng được quyền lợi chính đáng của mình, nhưng kết quả cũng chẳng đi đến đâu. Cuối năm 2006, ông Quế, một người hàng xóm của chị – – chết vì bị ung thư. quá sợ hãi chị đành bỏ hoang căn nhà, dắt đứa con trai 10 tuổi đi thuê nơi khác ở “lánh nạn”, giờ mới vay được tiền để xây nhà.

Không riêng gì gia đình chị Thích, hàng chục gia đình khác cũng đang sống trong cảnh ăn không ngon ngủ không yên và suốt năm chỉ lo làm đơn kiện nhưng kết quả cũng chỉ là “đá ném ao bèo”. Ông Nguyễn Văn Điển, nhà sát với Công ty TNHH Thành Phát bức xúc, nói như van xin: “Không thể chịu đựng thêm được nữa, mấy anh chị cứ ở đây với chúng tôi mấy ngày để hiểu rõ hơn nỗi khổ của bà con dân làng nơi đây. Tôi có nói gì thì cũng không thể tả hết được. Cứ ở đi tôi nuôi được mà, nếu tôi không nuôi được thì làng này cũng nuôi được”. Nói rồi ông Điển lôi từ trong tủ ra một tập đơn: “Các anh chị xem thì biết, chúng tôi đã làm không biết bao nhiêu là đơn, gửi khắp nơi rồi, giờ chán cũng chẳng muốn gửi. Có anh chị về đây, tôi mong có cách nào giúp chúng tôi thoát nạn”.

 Don khieu nai
Bản kiến nghị của nhân dân tổ 14 khu phố Ga về hoạt động gây ô nhiễm của nhà máy Thành Phát

Nhà ông Điển trước đây làm cửa bằng gỗ nhưng từ khi nhà máy giấy dựng lên ông đã phải thay toàn bộ bằng cửa kính để tránh tiếng ồn và mùi hôi thối nhưng cũng chẳng ăn thua. “Nhà chị Thích còn có nghề bán hàng ngoài chợ còn gia đình chúng tôi có gì, muốn đi nhưng đi đâu, sống bằng cái gì, nếu đi được tôi đã đi từ lâu rồi”. 

Cách nhà ông Điền không xa, bà Đỗ Thị Duân chủ một quán cóc gần nhà máy xi măng Hải Âu nói với giọng buông xuôi: “Tôi cũng lo bệnh tật lắm, nhưng biết làm sao được. Con tôi còn trẻ chúng chuyển đi nơi khác rồi còn tôi già rồi cứ sống ở đây chết ngày nào thì chết chứ biết kêu ai bây giờ, có kêu cũng chẳng được”. 
     
Doanh nghiệp chống chế

      Nổi cộm nhất trong số những nhà máy đang gây ô nhiễm tại huyện Kim Thành phải kể đến nhà máy xi măng Hải Âu, nhà máy bia Hải Thành, nhà máy tấm lợp Hưng Long và đặc biệt Nhà máy sản xuất bột giấy và giấy vệ sinh của Công ty TNHH Thương mại Thành Phát. Chi Thích kể lại: Khi chị còn ở nhà cũ, thấy hệ thống nước thải của nhà máy bia Hải Thành và nhà máy Hưng Long gây ô nhiễm chị đã phản ánh với lãnh đạo hai nhà máy. Tuy nhiên Công ty này đổ tại Công ty kia vì cả hai dùng chung một hệ thống cống thải. Lâu lâu cũng có đoàn về kiểm tra nhưng phải cái là mỗi lần có đoàn về thì y rằng trước đó mấy ngày hệ thống cống thải được vệ sinh sạch sẽ. Trong số các đơn vị gây ô nhiễm trên, chỉ có nhà máy xi măng Hải Âu mới đây tạm dừng một số hoạt động, hiện chỉ còn nghiền clinker.      

Khi chúng tôi đến Công ty giấy Thành Phát- đơn vị gây ô nhiễm nặng nhất cho những hộ dân tổ 14 thuộc khu phố Ga. Bà Phạm Thị Tỉnh, giám đốc công ty, vẫn cho rằng: “Hiện trạng khí thải, bụi, tiếng ồn ở nhà máy đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Nước, đất ở trong khu vực chưa có dấu hiệu ô nhiễm. Nói là công ty hoạt động suốt ngày đêm nhưng thực chất chẳng được bao nhiêu tiếng vì thiếu nguyên liệu”. Bà Tỉnh cho biết thêm: “Công ty chúng tôi đã ký hợp đồng lắp đặt một hệ thống xử lý môi trường rất hiện đại và hiện chỉ còn chờ lắp đặt”.

Nói vậy nhưng khi chúng tôi yêu cầu cho xem hợp đồng đã ký với đối tác bà Tỉnh lại chống chế: “Cái đó chồng tôi cầm và hiện anh đang đi công tác”. Sự thật, khi chồng bà Tỉnh về đã cho chúng tôi xem và đó chỉ là một quyển cataloge giới thiệu về hệ thống xử lý nước thải của Trung Quốc. Ông Trần Trung Chén, chồng bà Tỉnh cho biết: “Chúng tôi đang thuê người dịch để xem, còn hai bên đã có ký kết gì đâu. Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất hết chưa đến 40 tỷ, nếu lắp đặt hệ thống xử lý này cũng hết gần 20 tỷ điều đó không hề đơn giản”. 

Trả lời về việc người dân khiếu kiện, bà Tỉnh cho biết: “Có bốn hộ nằm gần nhà máy chúng tôi thì đã hộ trợ hàng tháng từ 300.000 – 500.000/hộ. Ngoài ra Công ty còn cung cấp nước sạch và điện sinh hoạt miễn phí, vào những ngày lễ ngày tết họ cũng được nhận quà như những công nhân của nhà máy. Tôi khẳng định mùi hôi thối thì có nhưng chẳng ảnh hưởng gì đến sức khoẻ, cả trăm công nhân của tôi có kêu ca phàn nàn gì đâu. Hỗ trợ đến thế này mà có kêu nữa thì chúng tôi cũng chịu”. Ông Chén chống chế thêm: “Ông Điển nát rượu ấy mà, ông ấy cứ kêu linh tinh.”. Nói như vậy, không lẽ hàng chục hộ dân ở đây đều nát rượu cả. Và cũng dễ thấy rằng nếu nhà máy không gây ô nhiễm thì việc họ tự nguyện hỗ trợ các hộ dân vài trăm ngàn đông mỗi tháng kia phải chăng chỉ để “từ thiện”. Ông  Chén thừa nhận: “Đúng là nước thải ra có màu đen và mùi thối khó chịu” nhưng ông biện minh “Đến nhà máy lớn như giấy Bãi Bằng và một số nhà máy giấy khác cũng xử lý được nước thành màu vàng làm sao trong được”.

Năm 2006, trong đợt kiểm tra định kỳ của Sở tại nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, Công ty TNHH Thành Phát đã bị xử phạt 3 triệu đồng. Cũng sau đợt kiểm tra đó, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo và kiến nghị gửi lên UBND tỉnh về những sai phạm của Công ty này. Tuy nhiên, đến nay đã hơn một năm tình trạng không những không thay đổi mà mức độ ô nhiễm ngày một trầm trọng hơn, Công ty TNHH Thành Phát thì vẫn “ung dung” hoạt động.

Phản đối mạnh mẽ nhất sự việc này phải kể đến UBND thị trấn Phú Thái và Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kim Thành. Khổ nỗi, với “vị trí” của mình, chính quyền sở tại nơi đây cũng chẳng làm được gì dù đã không ít lần kêu lên tỉnh. Vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập trong kỳ tới.