Động, thực vật mới phát hiện tại Việt Nam

Các nhà khoa học vừa phát hiện 11 loài động vật và thực vật mới tại một khu vực xa xôi hẻo lánh ở miền Trung Việt Nam.


Các loài này được tìm thấy ở tỉnh Thừa Thiên Huế – tại một vùng có tên gọi là Hành Lang Xanh. Các loài mới được phát hiện bao gồm hai loài bướm và một loài rắn, năm loài phong lan và ba loài thực vật khác, tất cả các loài này đều là đặc hữu của các khu rừng nhiệt đới trong dãy Trường Sơn của Việt Nam. Mười loài thực vật khác bao gồm bốn loài phong lan vẫn đang trong quá trình kiểm tra nhưng có nhiều khả năng cũng là các loài mới. “Bạn chỉ có thể phát hiện được nhiều loài mới như thế này ở những khu vực rất đặc biệt,” Cố vấn trưởng Dự án Hành lang xanh, thuộc chương trình Việt Nam của WWF Greater Mekong đã phát biểu. “Một số loài thú lớn đã được phát hiện vào những năm 1990 cũng chính ở các khu rừng này, vì vậy tôi nghĩ rằng đây chỉ là đỉnh của một tảng băng trôi.”

Các khu rừng mưa nhiệt đới Trung Trường Sơn đã tồn tại hàng ngàn năm mà chưa bị xâm hại và là sinh cảnh duy nhất cho nhiều loài” WWF cho biết.

Loài rắn vừa được phát hiện – loài rắn nước môi trắng – thường sống dọc theo các con suối nơi chúng bắt ếch và các con vật nhỏ khác. Nó có một sọc màu trắng-vàng rất đẹp chạy dọc theo đầu và những đốm đỏ trên toàn thân. Nó có thể dài đến 80cm.

Các loài bướm là nằm trong số tám loài đã được phát hiện tại tỉnh này kể từ năm 1996. Một là loài bướm nâu – một loài bướm có thói quan bay nhanh như tên bắn – thuộc chi Zela, loài kia là một chi mới của phân họ Satyrinae.

Ba trong số những loài phong lan mới phát hiện hoàn toàn không có lá, là một đặc điểm rất hiếm ngay cả đối với phong lan. Chúng không chứa chất diệp lục và sống nhờ vào các vật chất mục, tương tự như nhiều loài nấm. Các loài thực vật mới khác bao gồm loài tỏi rừng có hoa gần như màu đen. Họ hàng của loài này là những loài cây trồng trong nhà và thể chịu đựng được điều kiện ánh sáng rất thấp. Và một loài mới được phát hiện là hoa arum có hoa màu vàng rất đẹp. Loài arum có lá hình phễu bao xung quanh bông hoa.

Theo WWF, tất cả các loài này đang bị đe dọa bởi nạn khai thác gỗ và săn bắn trái phép và nạn khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững, và các quyền lợi phát triển xung đột nhau. Tuy nhiên, các cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế – đặc biệt là Chi cục kiểm lâm – đã cam kết bảo tồn và quản lý bền vững các khu rừng có giá trị này.

Ông Hoàng Ngọc Khanh, Giám đốc Chi cục kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế nói: “Khu vực này đặc biệt quan trọng đối với bảo tồn và tỉnh muốn bảo vệ các khu rừng này và các dịch vụ môi trường mà chúng cung cấp, và góp phần vào sự phát triển bền vững trong tỉnh”.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy rất nhiều loài bị đe dọa được tìm thấy ở khu vực Hành Lang Xanh bao gồm 15 loài bò sát và lưỡng cư và 6 loài chim. Khu vực này cũng có một số lượng vượn má trắng lớn nhất ở Việt Nam, vốn được coi là một trong những loài linh trưởng bị đe dọa nhất trên thế giới. Hành Lang Xanh được xem là địa điểm tốt nhất ở Việt Nam để bảo tồn sao la, loài động vật có sừng hoang dã độc đáo mới được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992.

Theo WWF, các khu rừng Trường Sơn cũng giúp bảo tồn các dịch vụ môi trường xung yếu như là cung cấp nước cho hàng ngàn người phụ thuộc vào các lưu vực sông. Các khu rừng cũng cung cấp nguồn lâm sản ngoài gỗ cho các cộng đồng dân tộc thiểu số với hơn một nửa thu nhập của họ từ các sản phẩm này.
 

Hành lang xanh là khu vực giữa Vườn quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên Huế ở miền Trung Việt Nam. Thông qua các đánh giá sinh học vùng khu vực rừng này được xác định là một trong những ưu tiên bảo tồn cao nhất ở Việt Nam. Nó là một trong những khu rừng ẩm thường xanh vùng thấp còn lại cuối cùng và hỗ trợ cho quần thể các loài đang bị đe dọa. Khu vực này cũng bao gồm những con sông dài nhất nằm trong sinh cảnh rừng còn nguyên vẹn ở Việt Nam. (Theo WWF)