Công ty Quang Thắng sai phạm trước khi được cấp phép khai thác

Công ty Quang Thắng đã làm nhiều công trình khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ khi chưa được cấp phép khai thác.

Vị trí cửa mỏ đã được lấp đi sau khi hàng trăm hộ dân tổ dân phố Nặm Chá phản đối mỏ khai thác khoáng sản của Công ty Quang Thắng. Ảnh: PV.

Sai phạm trước khi có giấy phép

Theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 15/GP-UBND do UBND tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 22/3/2024, “trước khi tiến hành khai thác công ty Quang Thắng phải nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường và địa phương nơi có mỏ kiểm tra tại thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác và cắm mốc giới phạm vi khu vực được cấp phép khai thác; phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật”.

Hàng trăm hộ dân huyện Lâm Bình phản đối khai thác khoáng sản gây ô nhiễm

Vậy nhưng chỉ khoảng 1 tháng sau, ngày 24/4/2024, UBND huyện Lâm Bình đã phải yêu cầu Công ty Quang Thắng tạm dừng mọi hoạt động để hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật trước khi tiến hành khai thác. Văn bản số 1626/UBND-TNMT ngày 24/4/2024 của UBND huyện Lâm Bình nêu rõ: “Doanh nghiệp phải hoàn thành hồ sơ thu hồi, thuê đất, ký hợp đồng thuê đất theo quy định của Luật đất đai. Đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác, thông báo về Giám đốc điều hành mỏ, kế hoạch khai thác, chế biến tại khu vực mỏ quản lý…”.

Đến ngày 26/4/2024, UBND huyện Lâm Bình đã ban hành “Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai” số 469/QĐ-UBND. Cụ thể, “công ty đã xây dựng các hạng mục theo quy hoạch và đưa đất vào sử dụng với mục đích xây dựng dự án từ cuối tháng 2 năm 2024 với tổng diện tích là 497,7m2, trong đó: Nhà ở công nhân: 250,5m2 (kết cấu là nền bê tông, cột sắt, mái tôn), Xưởng tuyển trọng lực: 231,4m2 (kết cấu là nền đất, cột sắt, mái tôn), Xây dựng cửa mỏ: 15,8m2 (kết cấu là đá hộc và cột sắt), nhưng chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật”.

Bên cạnh đó, Công ty Quang Thắng còn xây dựng hạng mục nằm ngoài phạm vi thực hiện dự án. Trong đó, “chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực đô thị với diện tích: 247,2m2. Chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ tại khu vực đô thị với diện tích: 472,6m2”, trích Quyết định số 469/QĐ-UBND.

Căn cứ theo quyết định xử phạt của UBND huyện Lâm Bình, những công trình vi phạm như nhà ở công nhân, xưởng tuyển, cửa mỏ đều đã được doanh nghiệp làm từ trước khi có giấy phép khai thác. Những chi tiết này đều tương đồng với hình ảnh do người dân ghi lại trước thời điểm UBND huyện Lâm Bình ban hành quyết định xử phạt.

Người dân địa phương đang đặt câu hỏi: Phải chăng Công ty Quang Thắng đã tiến hành khai thác trước khi được cấp phép? Nếu như vậy thì việc xử lý chất thải được thực hiện ra sao? Liệu có gây ảnh hưởng tới nguồn nước của người dân hay không?

Chưa bước vào giai đoạn khai thác nhưng Dự án khai thác hầm lò khoáng sản quặng chì – kẽm và khoáng sản vàng đi kèm mỏ Nặm Chá đã và đang gây bức xúc trong dân về vấn đề môi trường. Ảnh: PV.

Mỏ khai thác khoáng sản tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng môi trường

Trong những nguy cơ tiềm ẩn, đáng lo ngại nhất là nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, một tài nguyên thiết yếu không chỉ cho cuộc sống hàng ngày mà còn cho sản xuất nông nghiệp và du lịch của khu vực.

Cùng với một số người dân tổ dân phố Nặm Chá (thị trấn Lăng Can, Lâm Bình), chúng tôi men theo dòng chảy ngược lên đầu nguồn nước. Hành trình bắt đầu từ chân thác nước, cạnh tuyến đường tỉnh lộ 188 tại tổ dân phố Nặm Chá, đi ngược chiều dòng nước chảy leo lên đỉnh Tát Tra, nơi được xem là đầu nguồn nước của khu vực.

Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp nhiều đường ống dẫn nước của người dân. Có loại ống kim loại to bằng cổ tay và loại nhỏ hơn làm bằng nhựa. Theo người dân nơi chọn để dẫn nước về tuỳ thuộc nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là phải sạch sẽ, nguồn nước chảy đều. Nếu được gần nữa thì càng tốt vì sẽ tiết kiệm được chi phí vật liệu, công sức, có phát sinh vấn đề gì cũng dễ xử lý.

Sau khoảng hơn 1 giờ leo núi, chúng tôi đã đến được khu vực đầu nguồn nước. Ông N.V.S ở tổ dân phố Nặm Chá chỉ tay về hướng nước chảy và cho biết: Đây là khu vực đầu nguồn, nước chảy tự nhiên xuống khu dân cư và được người dân sử dụng phục vụ cho sản xuất, một số hộ dân còn dẫn nước từ đây về nhà để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Tại đây chỉ cách khu vực mỏ chì – kẽm và khoáng sản vàng đi kèm của Công ty Quang Thắng khoảng 500 mét.

Dẫn chúng tôi đi tiếp một đoạn không xa, trước mắt chúng tôi đã là khu vực mỏ. Ông N.V.S cho biết, khu vực mỏ của Công ty Quang Thắng nằm rất gần đầu nguồn nước chảy xuống, dân cư thì ngay dưới chân núi. Vì vậy, người dân rất lo lắng về việc hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản có sử dụng hoá chất để xử lý có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, hay đất đai.

Tuy Công ty Quang Thắng đã “cầm trong tay” Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành ngày 10/1/2024, nhưng trong thực tế, dù chưa bước vào giai đoạn khai thác rầm rộ nhưng dự án này đã và đang gây bức xúc trong dân về vấn đề môi trường.

Với một dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 17 tỷ đồng, chưa rõ sẽ đóng góp như thế nào với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nhưng hiển hiện trước mắt là nguy cơ mất an ninh, trật tự trên địa bàn nếu nỗi bức xúc của bà con không được giải quyết thấu đáo.

Liệu có nên để một doanh nghiệp sai phạm từ trước khi được cấp phép gây ảnh hưởng tới hàng trăm hộ dân tại địa phương hay không? Bà con tổ dân phố Nặm Chá nói riêng và thị trấn Lăng Can nói chung đều đang rất mong chờ sự vào cuộc của UBND tỉnh Tuyên Quang, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan.

Ông Nguyễn Văn Biển (Phó Giám đốc Công ty TNHH Quang Thắng Tuyên Quang) (Áo trắng). Ảnh: PV.

Sáng 4/5, được sự hỗ trợ của UBND huyện Lâm Bình, chúng tôi cùng một số người dân tổ dân phố Nặm Chá đã mục sở thị hiện trạng khu mỏ của Công ty Quang Thắng. Theo đó, khu vực cửa hầm đã được lấp kín, máy móc phủ bạt đen, đường ray cũng đã được tháo dỡ.

Được biết, Công ty TNHH Quang Thắng Tuyên Quang có địa chỉ tại Số 7, phố Hoàng Cao Thế, tổ 5, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang với mã số thuế là 5000874568. Người đại diện pháp luật là ông Cao Mạnh Quang, ngoài ra ông Cao Mạnh Quang cũng là người đại diện của Công ty TNHH MTV Quang Huê có địa chỉ tại Cụm công nghiệp Đồng Côi, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.