Biến rác thành tài nguyên

Mỗi năm Nhật Bản thải ra khoảng 55-60 triệu tấn rác nhưng chỉ khoảng 5% trong số đó phải đưa tới bãi chôn lấp (khoảng 2,25 triệu tấn), còn phần lớn được đưa đến các nhà máy để tái chế.

Vừa đặt chân đến Nhật Bản tôi đã bị ấn tượng ngay bởi sự sạch sẽ và tươm tất trong quản lý rác thải.

Phân loại ngay tại thùng

Đặt chân tới quận Suginami thuộc Tokyo, tôi bị hút ngay bởi những… thùng rác hai bên vệ đường. Trên các thùng rác này có vẽ hình những loại rác được phép bỏ vào đó. Mỗi thùng rác có màu sắc riêng để người đi đường dễ phân biệt khi bỏ rác vào thùng. Chẳng hạn, thùng rác để đựng chai nhựa, vỏ đồ hộp thì vẽ hình cái chai, vỏ đồ hộp ở ngoài. Tôi và đoàn công tác rất tò mò đã đến tận thùng và bỏ vào một chai nhựa đã hết nước. Nhìn vào trong, thùng rác rất sạch sẽ, xung quanh không bừa bãi rác như một số nơi ở ta. Quan sát những người đi đường, tôi thấy họ rất tự nguyện bỏ rác đúng loại vào thùng như là một thói quen sinh hoạt. Hoàn toàn không thấy bóng dáng của một nhà quản lý môi trường hay người nhắc nhở nào.

Sản xuất đi kèm tái chế

Sau thủ đô Tokyo, chúng tôi đã đến nhiều tỉnh, thành khác như Osaka, Kitakyushu… Ở thành phố nào rác thải cũng được phân loại triệt để đến mức nhỏ nhất. Chẳng hạn như không chỉ phân loại rác hữu cơ và vô cơ, trong rác vô cơ người ta còn phân ra giấy, thủy tinh… Việc thu gom rác ở Nhật cũng không giống như ở Việt Nam chúng ta. Chất thải từ hộ gia đình thuộc trách nhiệm quản lý của nhà nước, còn chất thải từ các công ty, nhà máy… cho tư nhân đấu thầu hoặc các công ty do chính quyền địa phương chỉ định. Một điều mà Nhật Bản làm rất chặt chẽ trong việc quản lý rác thải công nghiệp là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về rác thải của mình. Và điều này được quy định bởi các luật về bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, Chính phủ Nhật bắt buộc các công ty sản xuất các sản phẩm đồ dùng điện tử phải có trách nhiệm tái chế các sản phẩm hư cũ của mình; còn người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm chi trả vận chuyển và tái chế cho các sản phẩm điện tử do họ thải ra. Vì thế, khi mua sản phẩm mới, nếu có đồ cũ, người tiêu dùng sẽ được công ty trả tiền cho khoản rác thải điện tử họ có. Vì thế, hầu hết các công ty sản xuất đồ dùng điện tử như Sony, Toshiba… của Nhật đều có nhà máy tái chế riêng.

Khu công nghiệp sinh thái

Từ năm 1991, Chính phủ Nhật Bản chính thức khuyến khích tận dụng nguồn tài nguyên từ rác thải tái chế. Tôi đến Kytakyushu và bị “hút” ngay bởi thành phố từng là “nơi ô nhiễm nhất của nước Nhật” này. Trước đây, Kytakyushu là thành phố chuyên về sản xuất sắt thép và hóa chất, bị ô nhiễm rất trầm trọng. Năm 1997, Chính phủ Nhật đã quyết định biến nơi đây thành khu công nghiệp sinh thái rộng 200 ha. Hiện nay, ở đây có 25 công ty tái chế chất thải đang hoạt động, chủ yếu tái chế các mặt hàng như bao bì, gỗ, đồ điện tử… Nhà máy tái chế ô tô ở thành phố này cho ra đời khoảng 70 chiếc mỗi ngày và 700.000 đồ điện tử/năm.

Không những khuyến khích các công ty tái chế, tái sử dụng các chất thải, nhà nước cũng khuyến khích… người dân sử dụng rác như một nguyên liệu sản xuất, như việc khuyến khích người dân tự xử lý rác thải hữu cơ làm phân composit bón cho cây trồng, Chính phủ hỗ trợ người dân mua máy chế biến phân khoảng 30 USD/máy.

Chính vì vậy, tại Nhật những công trình điện, khí được làm từ rác thải rất nhiều và rác ra bãi chôn lấp rất ít. Tôi cho rằng để quản lý rác thải tốt như vậy, Nhật Bản đã phải có những chiến lược dài hạn và việc quản lý rác thải được làm rất bài bản.

Dùng rác để lấn biển

Kytakyushu là thành phố miền Nam của Nhật Bản, cách Tokyo khoảng 1.000 km, là một thành phố nhỏ ở miền biển. Hiện nay, diện tích đất lấn biển của Kytakyushu đã đạt được 200 ha. Tuy nhiên, nguyên liệu dùng để lấn biển chính là chất thải rắn.

Được biết, những loại chất thải nào không thể tái chế, tái sử dụng và có hại cho môi trường sẽ được xử lý lại, qua thiêu đốt và qua xử lý trung gian, sau đó được chở về Kytakyushu để dùng vào việc lấn biển. Vùng đất lấn biển 200 ha này được cho là khá kiên cố để xây dựng thành phố công nghiệp sinh thái.