Mấy chục năm uống nước nhiễm vôi

Từ khi mua được chiếc bình lọc, cả nhà ông Lê Khánh ở thôn Bắc Bình, Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị mới phát hoảng : chỉ sau một ngày ở đáy bình đã xuất hiện một lớp bột trắng đục. Những gia đình khác cũng thế!

Chưa kịp hoảng hồn vì bình nước lọc “có vấn đề”, ông Khánh càng lo sợ hơn khi kiểm tra lại xoong, nồi trong bếp thì dưới đáy xoong nào cũng được “tráng” một lớp bột màu trắng đục, chỗ dày chỗ mỏng loang lổ. Còn cái ấm nhôm dùng để nấu nước uống chỉ sau một hai lần nấu đã có ngay một lớp bột trắng dày khoảng 1mm dưới đáy.


Sau khi nhà ông Khánh phát hiện, chuyện nước nhiễm vôi trở thành đề tài “nóng” của người trong thôn rồi lan qua những thôn bên cạnh.


Ai cũng về kiểm tra nước giếng nhà mình, kết quả thật đáng lo ngại. Bà Trần Thị Liễu, 38 tuổi, người cùng thôn, cho biết thêm: “Trước đây cả tuần mới chùi rửa xoong nồi, cốc chén một lần, nhưng bây giờ hai ba ngày không chùi đã thấy vôi đóng đầy dưới đáy”. Ông trưởng thôn Lê Minh Tuấn nói: “Từ khi cả thôn phát hiện nước giếng bị nhiễm chất trắng ấy, ai cũng lo sợ!”.


Lọc không đủ!


Không chỉ nước giếng của người dân ở Cam Tuyền mà cả ở thị trấn Cam Lộ, những gia đình dùng nước giếng cũng bị tình trạng tương tự.


Cô Trần Thị Yến, hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca, cho biết do chưa có hệ thống nước máy nên 185 học sinh bán trú và 20 giáo viên đều phải dùng nguồn nước nhiễm vôi này.


Cũng theo cô Yến, không chỉ ở Trường Sơn Ca mà cả ở những trường mầm non khác thuộc các xã phía tây của huyện Cam Lộ như Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa, sau khi kiểm tra đều phải dùng nước nhiễm vôi.


Hoang mang lắm nhưng không dùng nước giếng này thì lấy nước ở đâu ăn uống. Người dân ở đây chỉ còn cách lọc nước để uống.


Ông Khánh nói: “Nhưng chỉ lọc được nước uống thôi chứ nước nấu cơm, canh làm sao lọc cho đủ”. Và không phải ai cũng có tiền để mua bình lọc. Nên có người dùng bể lọc bằng mấy lớp cát và đá, nhưng không thể lọc vôi được.


Cô Yến nói: “Năm nào cũng có đoàn kiểm tra của công ty nước sạch và môi trường đô thị lên kiểm tra, năm nào cũng lấy mẫu nước về xét nghiệm nhưng vẫn không thấy biện pháp gì”.


Không thể chờ cơ quan chức năng “ra tay”, các cô đành phải dùng biện pháp dân gian: đun sôi, để lắng, gạn lớp nước trên, còn lớp dưới bỏ. Ông Nguyễn Văn Hùng phải mua cho con mỗi ngày một chai nước suối để uống. Nhưng với học sinh nghèo thì sao?


Đợi nghiên cứu


Ông Nguyễn Thanh Trung, chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, cho biết sau khi kiểm tra cụ thể tình hình ô nhiễm nước sinh hoạt của 10/12 thôn trong xã, đã báo cáo lên UBND huyện Cam Lộ đề nghị xử lý nhưng chỉ đạo của huyện vẫn chỉ là khuyến khích dân lọc nước để uống.


Còn ông Nguyễn Thanh Toán, phó Phòng Tài nguyên – môi trường huyện Cam Lộ, cho hay đã báo cáo về Sở TN-MT việc nguồn nước ở Cam Tuyền bị ô nhiễm và nói hướng xử lý phải hỏi Sở.


Thế nhưng ông Võ Văn Dũng, phó trưởng Phòng Quản lý môi trường (Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị), cho hay: “Chúng tôi mới chỉ nghe báo cáo về tình hình nước bị nhiễm vôi trên địa bàn xã Cam Thành. Còn nguồn nước ở xã Cam Tuyền cũng bị nhiễm tương tự thì đợi nghiên cứu”.

Ông Hồ Sĩ Biên, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cam Lộ: Chỉ biết khuyên bà con gắng lọc nước


“Nước uống có dư lượng vôi quá lớn sẽ có tác hại đối với sức khỏe con người. Việc tích tụ một lượng vôi quá lớn sẽ dẫn đến hiện tượng lắng cặn đường ruột, nếu để lâu sẽ dẫn đến bệnh sỏi thận và nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường tiết niệu. Ngoài ra, nó còn có thể gây các hiện tượng tức thời như lở loét ngoài da hay nấm da.


Theo thống kê mô hình bệnh tật trong vòng năm năm trở lại đây mà trung tâm thực hiện, tỉ lệ người mắc bệnh sỏi thận và các bệnh liên quan đến đường tiết niệu ở hai xã Cam Tuyền và Cam Thành là cao nhất trong toàn huyện.

Chúng tôi đang thực hiện một đề án nghiên cứu sâu về vấn đề ô nhiễm nước ở xã Cam Tuyền để tìm hướng xử lý. Trong lúc chưa tìm ra được biện pháp hữu hiệu, chúng tôi cũng chỉ biết khuyến khích bà con nên sử dụng cách lắng lọc cơ học”.