Tiêu huỷ tang vật vi phạm- Tại sao không?

ThienNhien.Net – Ngày 04/09, lực lượng công an phối hợp cùng kiểm lâm đã phát hiện vụ xẻ thịt nấu cao hổ tại nhà 103B, B5, tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu của một đường dây buôn bán động vật hoang dã quý hiếm lớn, các cơ quan chức năng đang tiến hành mở rộng điều tra. Song, vấn đề xử lý số “tang vật” này như thế nào vẫn là câu hỏi chưa có lời giải?

Trong quá trình triệt phá cơ sở nấu cao hổ của tại số nhà 103B, B5, tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội do Nguyễn Thị Thanh thuê, Đội kiểm lâm đặc nhiệm, C15, PC15 (Công an thành phố Hà Nội) đã thu được tang vật gồm 2 con hổ đã chết ( mỗi con trên 200kg) được lưu giữ trong 2 thùng đông lạnh cỡ lớn cùng một bộ da hổ và một số bộ phận khác của hổ. Ngoài ra, có 4 chiếc ngà voi, một con hổ nhồi nguyên con, 8 đầu bò còn nguyên sừng, 5 tay gấu, 2 đầu hươu, 7 kg cao, 6 bình rượu ngâm động vật, cùng nhiều bao tải lớn đựng xương các loại.
 
Hổ là một loại động vật quý hiếm được đưa vào phụ Iục I của Công ước về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), đồng thời nó được liệt vào loài cực kì nguy cấp (CR) trong sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN). Hổ cũng được pháp luật quốc tế và các nước bảo vệ đặc biệt, nghiêm cấm tình trạng săn bắn nuôi nhốt, sử dụng hổ, các sản phẩm và dẫn xuất của chúng. Còn theo pháp luật Việt Nam, hổ nằm trong danh mục được bảo vệ nghiêm ngặt.
 
Ngay sau khi sự vụ xảy ra, người ta đã nghĩ tới một vài hình thức xử lý “tang vật” thu được, tựu chung lại có hai biện pháp được đề cập nhiều nhất: hoặc tiêu huỷ số hổ tịch thu theo quy định của nhà nước hoặc phát mại số tang vật đó.
 
Còn theo ông Nguyễn Phi Truyền, Đội trưởng Đội đặc nhiệm kiểm lâm (Cục kiểm lâm, Bộ NN&PTNNT) cho biết: quan điểm của Cục là tiêu hủy số thịt hổ thu giữ chứ không phát mại như một số địa phương khác đã từng làm.
 
Số lượng tang vật gồm một khối lượng lớn thịt, xương, da hổ, tay gấu khá lớn … nên vấn đề tiêu huỷ còn gây nhiều tranh cãi. Nhưng để chấm dứt được nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp thì chúng ta cần phải có những biện pháp nghiêm khắc không những mang tính răn đe mà còn phải thực sự tốt cho công tác bảo tồn các loại động vật quý hiếm về sau này.
 
Thiết nghĩ, số “tang vật” thu được là những “hàng hoá bất hợp pháp”, nếu chúng được phát mại, hoá giá trở thành “hàng hoá hợp pháp” thì sẽ gây nên những tiền lệ xấu. Mặt khác, pháp luật sẽ có chỗ đứng như thế nào, phải chăng tiếng nói pháp luật chưa đủ mạnh và nghiêm minh? Một khi chúng ta đã tham gia vào các Công ước quốc tế về buôn bán động vật hoang dã thì lẽ nào lại tự mình “tách” khỏi những quy định chung đó?
 
Nếu chúng ta nhẹ tay trong việc xử lý thì không khác nào lại một lần nữa giúp các đối tượng buôn bán tiếp tục thu lợi từ số động vật này. Hoá giá và bán những sản phẩm đó, ai sẽ là những người đủ tiền mua chúng? Tiền thu được sẽ phục vụ cho điều gì?
 
Còn nhớ thời gian trước đây, vào năm 1989, Kenya  – một nước Châu Phi, đã mạnh tay tiêu huỷ một số lượng lớn ngà voi tịch thu được trong quá trình săn bắn trộm và buôn bán bất hợp pháp trị giá lên đến 3 triệu USD, đó là số tiền tương đối lớn cho một nước nghèo. Và hiện nay, đây là một trong những quốc gia thực hiện công tác bảo tồn loài voi tốt nhất thế giới.
 
Bài học từ Kenya thực sự cần thiết cho chúng ta, nếu làm tốt công tác bảo tồn, xử lý nghiêm minh những vụ việc như vậy thì chúng ta sẽ thu lại được nhiều hơn  những lợi ích trước mắt.

ĐỌC THÊM: An tử – Một lựa chọn mang tính nhân đạo trong xử lý động vật hoang dã tịch thu từ buôn bán trái phép