Hiệu ứng domino từ sự bùng nổ nhiên liệu sinh học

Nhiên liệu sinh học đang trở thành một nguồn năng lượng cạnh tranh về mặt kinh tế, làm cuộc sống thay đổi nhanh chóng đối với toàn bộ ngành nông nghiệp.

Giá năng lượng tăng cao đã gây nên một số ảnh hưởng sâu rộng, do ngô và các cây trồng khác đang ngày càng trở thành nguồn nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất nhiên liệu sinh học, như ethanol hay diesel sinh học, các công ty sản xuất và chế biến nông sản bắt đầu chuyển sang đóng vai trò như là những công ty năng lượng. Và vì có nhiều diện tích hơn dành cho trồng mía, ngô và đậu tương để sản xuất nhiên liệu sinh học, các loại cây trồng khác đang bị thay thế, làm giảm nguồn cung ứng và ảnh hưởng của chi phí năng lượng cao đang tác động tới một phạm vi rộng các loại thực phẩm.
Với giá dầu mỏ dao động xung quanh mức 70 USD/thùng, đầu tư được đổ dồn vào triển khai công nghệ và các thiết bị sản xuất nhiên liệu sinh học. Sản xuất ethanol hiện nay chiếm khoảng 20% sản lượng ngô ở Mỹ.
Do diesel sinh học và ethanol là những nguồn thay thế gần gũi cho dầu mỏ, nên giá của chúng cũng thay đổi theo giá dầu thô. Lợi nhuận đối với các công ty sản xuất chúng cũng có tác động trở lại tới những thay đổi về giá dầu mỏ.
Archer-Daniels-Midland, Nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất của Mỹ (và toàn cầu) hiện thu được 25% lợi nhuận vận hành của mình từ nhiên liệu sinh học, bao gồm cả ethanol và biodiesel, và tỷ trọng của các sản phẩm này đang tăng lên với vai trò như một nguồn năng lượng cũng như một nguồn nông sản.
“Trong khi chúng ta vẫn còn có cả một quãng đường xa để tất cả các mặt hàng nông sản đều được chuyển hóa thành nhiên liệu sinh học, thì nhiên liệu sinh học hiện đang đóng vai trò như các sản phẩm năng lượng”, Joseph Agnese, Nhà phân tích thuộc Standard & Poor’s phát biểu. Hiện tại, mối quan hệ này đang mang lại lợi nhuận cho nhiều công ty, bởi vì nhiên liệu sinh học đang trở thành một nguồn cầu quan trọng. “Chúng ta được chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về thu nhập trong năm 2007 do nhu cầu về các sản phẩm đồ ngọt và nhiên liệu sinh học đang tăng lên, bất chấp những rủi ro gây ra do sự gia tăng giá cây trồng.”
Nhu cầu tăng lên về ngô để sản xuất ethanol, loại nhiên liệu hiện đang được pha trộn với xăng nhưng có tiềm năng trở thành nhiên liệu động cơ độc lập, điều này đã giúp đẩy giá ngô lên mức cao nhất trong vòng 10 năm ở Mỹ hồi tháng hai.
Các nhóm vận động thương mại đại diện cho các nhà sản xuất thịt bò, gà và lợn cũng như Hiệp hội các nhà sản xuất tạp phẩm ở Mỹ đã bắt đầu lên tiếng phản đối việc tài trợ cho các loại nhiên liệu sinh học như ethanol và đã thành công trong việc đặt ra một giới hạn đối với sản lượng ethanol tương lai được sản xuất từ ngô. Những người quan tâm tới vấn đề này cũng đang lên tiếng ở châu Âu và Trung Quốc.
Các nhà phân tích thuộc Hãng S&P Equity Research còn cho rằng, ở đây có xu hướng xuất hiện một mối tương quan tích cực giữa giá cây trồng và doanh thu bán các thiết bị nông nghiệp. Sự tăng trưởng trong sản lượng ethanol sẽ dẫn đến nhu cầu về ngô tăng lên, điều này sẽ đẩy giá ngô tăng cao và cuối cùng là thu nhập của nông dân. S&P dự đoán thu nhập từ nông nghiệp của Mỹ sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2007 và doanh số bán thiết bị nông nghiệp cũng tăng với tỷ lệ tương tự.