Tổng điều tra vi phạm môi trường tại 5 thành phố lớn

Cục Cảnh sát Môi trường (CSMT) sẽ mở cuộc tổng điều tra tình hình vi phạm môi trường tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, TPHCM, Hải Phòng và tỉnh Long An; các nhà máy gây ô nhiễm 2 bên bờ sông Nhuệ, sông Đáy.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục CSMT Nguyễn Xuân Lý cũng khẳng định:  “Thách thức của chúng tôi là tội phạm môi trường ngày càng tinh vi, trong khi quyền hạn của Cục hiện nay lại không đủ để khởi tố”.
Ông Lý cho biết: Tính từ khi chính thức đi vào hoạt động đến nay mới được gần 3 tháng, Cục CSMT đã điều tra và xử lý một số trường hợp sai phạm nghiêm trọng. Điển hình như vụ Cty chăn nuôi bò sữa Thuận Thành (Quảng Trị) làm lây lan dịch lở mồm long móng, Cty Ngọc Sơn (Quảng Nam) khai thác rừng đầu nguồn.
Cục đã chỉ đạo Công an Quảng Trị, Quảng Nam xử lý. Ngoài ra còn một số vụ việc phức tạp khác đang trong quá trình giải quyết như vụ nhập hơn 3.500 container ắc quy chì và nhập tàu cũ về phá dỡ ở cảng Hải Phòng.
Sau một thời gian Cục điều tra, đấu tranh quyết liệt, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu phải chấm dứt việc phá dỡ tàu cũ và ngừng nhập khẩu ắc quy chì. Vụ việc một Cty TNHH sản xuất ắc quy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Hà Tây, chúng tôi cũng cương quyết xử lý và hiện Cty này đã phải dừng hoạt động, dời đi nơi khác.
Ngoài ra, qua điều tra, chúng tôi cũng phát hiện những vụ việc nghiêm trọng khác. Như việc nhập khẩu máy móc lạc hậu vào nước ta, biến nước ta thành bãi rác công nghệ, khiến nhiều nhà máy nằm trong chương trình “một triệu tấn đường” lao đao do năng suất thấp, giá thành cao.
Nhiều BV nhìn sạch sẽ nhưng thực tế nước thải y tế độc hại xả thẳng xuống cống. Khi dùng máy móc chuyên dụng để đo thì thấy chỉ số phóng xạ của các máy chụp Xquang tại nhiều BV vượt mức cho phép nhiều lần. Nhiều khu công nghiệp tập trung không đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng. Thậm chí có nơi lén bơm chất thải lỏng xuống lòng đất.
Được biết, trong quá trình điều tra tội phạm, Cục CSMT gặp rất nhiều khó khăn?
Tình hình xâm hại môi trường diễn biến rất phức tạp, tinh vi. Các văn bản pháp luật và quy phạm pháp luật hiện nay vừa thiếu vừa không đồng bộ. Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự không có tên Cục Cảnh sát môi trường trong thẩm quyền điều tra. Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính cũng không có tên Cục CSMT trong thẩm quyền xử phạt.
Đó là do hai pháp lệnh này đều ra đời rất lâu trước khi Cục Bảo vệ môi trường được thành lập. Vì vậy, hiện nay chúng tôi không thể hoạt động độc lập mà phải phối hợp với thanh tra Bộ TN&MT để điều tra nắm bắt tình hình. Muốn xử phạt phải xin ý kiến thanh tra môi trường và UBND các cấp, muốn xử lý hình sự phải có sự tham gia liên ngành xem có dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không.
Ngoài ra, ngay Luật Bảo vệ Môi trường cũng còn nhiều bất cập. Theo luật này, chỉ có 1 tội danh không phải xử lý hành chính mà được khởi tố ngay, nhưng 9 tội còn lại để có thể khởi tố cần phải có 2 điều kiện bắt buộc là đã xử lý hành chính cơ sở vi phạm nhưng tái phạm hoặc cơ sở để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Trong khi thế nào là để xảy ra hậu quả nghiêm trọng lại hết sức mơ hồ. Thực tế nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng hậu quả ngay tức thì không thể nhìn thấy được mà kéo dài dai dẳng hàng chục năm sau mới bùng phát thành dịch bệnh.
Bên cạnh đó, mức xử lý hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện nay quá rẻ, tối đa chỉ 70 triệu đồng. Đơn cử vụ vi phạm Luật Bảo vệ môi trường tại nhà máy đóng tàu Vinashin có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, phạt 70 triệu đồng là phạt cho tồn tại.
Đấu tranh với tội phạm môi trường có nguy hiểm như đấu tranh với tội phạm an ninh trật tự không, thưa ông?
Sự nguy hiểm luôn rình rập. Đó là khi anh em phải tiếp xúc với các nguồn phóng xạ, các chất độc hại, các chất thải có khả năng truyền nhiễm dịch bệnh mà trong quá trình điều tra không thể lường trước được. Ngoài ra, các chiến sĩ còn phải đối mặt với áp lực từ phía doanh nghiệp khi họ tìm nhiều cách để dừng cuộc điều tra gây bất lợi cho doanh nghiệp của họ.
Khi phát hiện những vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, người dân có thể phản ánh tới Cục CSMT qua con đường nào?
Tuy mới thành lập, nhưng hiện nay chúng tôi đã nhận được rất nhiều đơn thư của nhân dân gửi tới. Chỉ một số trường hợp Cục CSMT có thể giải quyết được ngay, số còn lại không thuộc thẩm quyền của Cục thì chuyển cho Sở TN&MT các cấp.
Tới đây, Cục sẽ thành lập đường dây nóng và ra mắt website riêng. Trong tháng 9 tới, Cục sẽ mở cuộc tổng điều tra cơ bản tình hình vi phạm môi trường tại Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Long An, TPHCM, Hải Phòng; các nhà máy gây ô nhiễm 2 bên bờ sông Nhuệ, sông Đáy.
Từ nay đến cuối năm, Cục sẽ hình thành thêm 64 đơn vị cảnh sát môi trường tại 64 tỉnh thành để hỗ trợ Cục trong việc điều tra, xử lý tình hình vi phạm; đồng thời hoàn thiện các văn bản pháp luật để Cục sớm có tư cách pháp nhân là cơ quan điều tra, có quyền ký quyết định phạt, xử lý, khởi tố hay không khởi tố.