“Xóa sổ ”rạch Côn?

Nếu như dự án lấp rạch Côn (Cần Thơ) thành hiện thực thì người dân sẽ không phải sống trong môi trường bị ô nhiễm, nhưng khu vực nội ô thành phố sẽ mất đi một con rạch. Hơn thế, nếu cứ ô nhiễm ta lại lấp rạch, sông đi thì liệu mục tiêu xây dưng thành phố xanh mang đặc trưng sông nước đồng bằng còn thực hiện đựơc?

Rạch Côn nối từ hồ Xáng Thổi, chảy qua địa bàn các khu vực 4, 5, 6 phường An Cư, quận Ninh Kiều. Bà Trần Tuyết Hạnh, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu vực 6, phường An Cư, cho biết: gia đình bà định cư bên bờ rạch Côn từ những năm 1960. Lúc đó con rạch này còn rộng hơn 10m, khá sâu, nước trong rạch trong veo, là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu cho người dân nơi đây. Thế nhưng, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều người dân đến cất nhà, cơi nới, lấn chiếm lòng rạch nên lòng rạch thu hẹp và cạn dần, đến nay chỉ còn như một mương lạng, ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Anh N.M.D, một người ở đây cho biết, vào những ngày nắng nước bốc lên hôi nồng nặc, rất khó chịu. Con rạch này hàng ngày “gồng mình” gánh hầu hết các loại chất thải của người dân xung quanh, từ rác thải sinh hoạt, nước thải, các loại “xà bần”, cây cối… Không chỉ người dân ở xung quanh rạch Côn, mà nhiều người ở nơi khác cũng đem rác đến đổ xuống rạch Côn. Do lâu ngày không được nạo vét, phát hoang, thu dọn vệ sinh nên cỏ mọc um tùm, lòng rạch chứa đầy mầm bệnh. Tình trạng xây cất lấn chiếm lòng rạch tràn lan không được xử lý cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở rạch Côn. Tận mắt chứng kiến dòng nước đen ngòm dưới lòng rạch, cùng với muỗi mòng… chúng tôi hiểu được phần nào nổi khổ của người dân ở đây.
Ông Phan Thế Tài, Trưởng khu vực 6, cho biết: Những năm trước, mỗi năm quận, phường và khu vực huy động lao động công ích đến làm vệ sinh, thu gom rác thải, khơi thông dòng chảy cho con rạch này. Nhưng năm nay không nạo vét nữa, vì nghe đâu thành phố đã có dự án lấp con rạch này để lấy mặt bằng xây dựng chợ, nhà văn hóa… Thế nhưng, đến bao giờ dự án sẽ triển khai thì chưa biết. Trước mắt, người dân xung quanh hai bờ của con rạch phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Chính người dân đã “lấp” dần con rạch này và đang chịu hậu quả. Nhưng chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm vì quản lý địa bàn lỏng lẽo, thiếu cương quyết trong xử lý để tình trạng lấn chiếm, đổ rác xuống rạch Côn diễn ra thời gian dài, dẫn đến nguy cơ một con rạch bị xóa sổ.
Nếu như dự án lấp rạch Côn thành hiện thực thì người dân sẽ không phải sống trong môi trường bị ô nhiễm, nhưng khu vực nội ô thành phố sẽ mất đi một con rạch. Khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người tỏ ra tiếc rẻ, hỏi sao chính quyền không nạo vét rạch Côn như nạo vét hồ Xáng Thổi để tạo cảnh quan chung? Người khác lại chua chát đặt vấn đề: Chẳng lẽ khi không quản lý được tình trạng lấn chiếm mương rạch, gây ô nhiễm môi trường, thì phải lấp đi? Trong khi thành phố Cần Thơ đang hướng đến xây dựng thành phố xanh, mang đặc trưng sông nước đồng bằng? Câu hỏi này của bà con xin dành cho các cơ quan, đơn vị chức năng trả lời.