Trồng rau muống bằng nước… “đen”

Tại TP.HCM vẫn còn tồn tại những khu vực trồng rau muống nước trong môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, với diện tích hàng trăm hecta. Điều này khiến người tiêu dùng vừa ăn vừa lo.

Cách đây hơn sáu năm, ngày 15/05/2002, UBND TP.HCM đã có chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh việc trồng rau muống nước. Nguyên nhân do ngộ độc cấp tính vì ăn rau muống trong thời điểm này rất đáng báo động, phần lớn do các vùng trồng rau muống nước sử dụng nguồn nước kênh rạch bị ô nhiễm nặng và sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan, kể cả thuốc cấm.
Sáu năm sau…

Chi cục Bảo vệ thực vật TP khẳng định hiện có vùng rau muống nước đã được xác định là an toàn với diện tích khoảng 169ha ở Củ Chi. Ngoài ra, còn khu vực với diện tích khoảng 200ha cũng được cơ quan này khẳng định “vùng đủ điều kiện sản xuất rau muống an toàn”.

Len lỏi vào những con hẻm đất ở P.Bình Chiểu (Q.Thủ Đức, TP.HCM), chúng tôi đến khu phố 2 của phường – vùng truyền thống trồng rau muống nước. Theo anh Nguyễn Văn Thảo – phó chủ tịch Hội Nông dân P.Bình Chiểu, diện tích rau muống nước của phường khoảng 15ha. Đây cũng là một trong những vùng tập trung trồng rau muống nước ở quận.
Lão nông Trần Văn Kỉnh mô tả sau một buổi làm đồng về là phải “gảy đàn” và chân cẳng nổi ghẻ lốm đốm như “những bông hoa nhỏ”. Ông Kỉnh than phiền nước ở đây lúc màu đen, lúc màu vàng, lúc màu đục như nước cơm… rất hôi. Đấy chính là nguồn nước kênh Ba Bò – con kênh tiếp nhận nước thải từ các khu công nghiệp ở Bình Dương chảy về phía hạ nguồn thuộc địa phận TP.HCM – đã ô nhiễm rất nghiêm trọng từ nhiều năm nay. Biết là nước ô nhiễm nhưng nhiều hộ vẫn phải sử dụng nước kênh Ba Bò để dẫn vào ruộng trồng rau muống.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM, hiện thành phố vẫn còn một số vùng rau muống nước với tổng diện tích khoảng 115ha đang bị ô nhiễm, nằm rải rác ở một số vùng như quanh lưu vực của kênh Tham Lương (Q.12), rạch Cầu Lớn, rạch Nghe thuộc nhánh sông Sài Gòn… Từ năm 2002, hàng trăm hecta đất trồng rau muống nước trong vùng ô nhiễm đã được khoanh vùng và ngành nông nghiệp TP.HCM xác định “phải chuyển đổi, không phù hợp trồng cây rau muống nước”. Song ông Nguyễn Văn Đức Tiến – chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM – cho rằng tiến độ còn chậm.Vì vậy, rau muống trồng ở những nơi ô nhiễm vẫn cứ tồn tại cho đến nay.
Các nhà chuyên môn cho biết năng suất rau muống bình quân một năm đạt 17-19 tấn/ha. Nghĩa là với diện tích 115ha thì lượng rau muống có nguồn gốc từ những vùng trồng không an toàn này khoảng 2.000 tấn/năm được đưa ra tiêu thụ mỗi ngày.
“Người tiêu dùng tự giữ cái bụng”!
Điều mà nhiều người tiêu dùng lo lắng nhất hiện nay là nhiều tấn rau muống được trồng ở vùng bị ô nhiễm được tiêu thụ hằng ngày, chưa có biện pháp kiểm soát. Đặc biệt là ở các chợ, các bà nội trợ rất khó phân biệt đâu là rau muống trồng ở những vùng an toàn và đâu là rau muống trồng ở những vùng bị ô nhiễm (ngoại trừ một số loại rau muống có bao bì, nhãn mác… bán ở các siêu thị và một vài cửa hàng). Mặt khác, lượng rau muống được đóng dấu an toàn so với nhu cầu được ước đoán là còn rất thấp.
Chi cục Bảo vệ thực vật TP cho biết đã lấy hơn 40 mẫu rau muống để kiểm tra các chỉ tiêu về E.coli, Samonella, chì… Đa số các mẫu rau kiểm tra (lấy tại các nơi buôn bán và tại vùng trồng) bị nhiễm E.coli – thủ phạm gây ra một số bệnh liên quan đến đường ruột – cao hơn mức qui định. Riêng vi khuẩn Samonella (cũng là một tác nhân gây ngộ độc thực phẩm), kết quả kiểm tra 40 mẫu rau muống khẳng định đều không phát hiện loại khuẩn này. Ngoài ra, Chi cục Bảo vệ thực vật TP cho biết vẫn còn 30% nông dân sử dụng dầu nhớt để phòng trừ rầy mềm ở giai đoạn 2-3 ngày sau thu hoạch trên rau muống nước. Đây là biện pháp không thể chấp nhận đối với cây rau.
Khi chúng tôi hỏi giải pháp nào để bảo vệ người tiêu dùng sử dụng rau muống hằng ngày, một số nhà chức trách cho rằng “giải pháp tốt nhất hiện nay là người tiêu dùng tự giữ cái bụng”! Còn ông Nguyễn Văn Đức Tiến khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua rau muống nước ở những cửa hàng rau an toàn, cần phải rửa kỹ nhiều nước, hạn chế ăn rau tươi, chỉ sử dụng rau sau khi nấu kỹ… Trong khi đó giải pháp thu hẹp vùng trồng rau muống với hàng trăm hecta trong môi trường nước bị ô nhiễm chưa có một lối ra sáng sủa.