5 khu bảo tồn thiên nhiên được công nhận là di sản ASEAN năm 2010

Kế hoạch Hành động quốc gia về đa dạng sinh học lần thứ 2 đưa ra 16 mục tiêu. Theo đó đến năm 2010, Việt Nam sẽ có 3 khu bảo tồn thiên nhiên được công nhận là khu di sản thiên nhiên thế giới hoặc khu dự trữ sinh quyển thế giới; 5 khu bảo tồn thiên nhiên được công nhận là di sản ASEAN.

Sáng 14/08, Bộ Tài nguyên – Môi trường tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học, với sự tham dự của đầy đủ các bộ, cơ quan ban ngành được Thủ tướng giao thực hiện kế hoạch này.

Thực hiện Quyết định 79/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch Hành động Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học”, Bộ Tài nguyên – Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Hội nghị nhằm tạo một diễn đàn để đại diện các cơ quan quản lý cấp trung ương, các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia đầu ngành về đa dạng sinh học thảo luận, bàn biện pháp thực hiện Quyết định của Thủ tướng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Công Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên cũng như chia sẻ bình đẳng và công bằng các lợi ích trong quá trình sử dụng các nguồn tài nguyên di truyền. Đa dạng sinh học của Việt Nam hàng năm cung cấp hàng trăm tỷ đồng giá trị sản phẩm. Việt Nam là một nước nông nghiệp nên giá trị kinh tế của đa dạng sinh học lại càng nổi bật.

Tuy nhiên để bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, Thứ trưởng Nguyễn Công Thành cho rằng các cấp, ngành, các nhà tài trợ, các tổ chức trong và ngoài nước cần đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về ý nghĩa, vai trò, giá trị và phương cách quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên sinh học thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức lồng ghép vấn đề bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học vào kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá các giải pháp phát triển; gắn việc bảo tồn với công tác xoá đói, giảm nghèo tại các khu bảo tồn, những vùng có giá trị đa dạng sinh học cao…

Đây là Kế hoạch Hành động đa dạng sinh học lần thứ 2 của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện những nội dung cụ thể về bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững đa dạng sinh học các nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái; đồng thời quản lý an toàn sinh học một cách có hiệu quả để bảo vệ sức khoẻ con người, môi trường và đa dạng sinh học Việt Nam.

Kế hoạch Hành động đa dạng sinh học đầu tiên của Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt năm 1995. Qua 10 năm thực hiện, tuy đã đạt được một số thành tựu trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hoá nền kinh tế đã gây nên nhiều tác động to lớn và sâu sắc đến sự đa dạng sinh học.

Kế hoạch Hành động đa dạng sinh học lần này đưa ra 16 mục tiêu. Theo đó, mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2010 là: Độ che phủ rừng đạt 42-43%; 50% diện tích rừng đầu nguồn bị suy thoái được phục hồi; 200.000 ha rừng ngập mặn được phục hồi; trên 1,2 triệu ha khu bảo tồn đất ngập nước và biển được thành lập; 3 khu bảo tồn thiên nhiên được công nhận là khu di sản thiên nhiên thế giới hoặc khu dự trữ sinh quyển thế giới; 5 khu bảo tồn thiên nhiên được công nhận là di sản ASEAN.