Đua nhau săn lùng ‘cây vàng cây bạc’

Chưa thấy loại cây nào mà người ta mua trọn gói từ thân đến rễ như huỳnh đàn. Giá mỗi mét khối gỗ huỳnh đàn đã tăng vọt từ vài chục triệu lên đến 500 triệu đồng trong vòng ba tháng qua!

Dân vùng An Khê, K’Bang (Gia Lai), Vĩnh Thạnh (Bình Định), Ba Tơ (Quảng Ngãi) đổ xô vào rừng để tìm vận may đổi đời từ loại cây này. Gỗ huỳnh đàn đã “chảy” về xuôi bằng trăm ngả khác nhau. Chung quanh loại “cây vàng cây bạc” này cũng có trăm ngả đường lắt léo đến mức khó tin.
Nhật ký kiểm lâm

“Gỗ huỳnh đàn còn có tên là trắc thối, sưa, huê mộc, thuộc nhóm 1A, ngang với gỗ trắc. Có lẽ do màu sắc và vân gỗ giữa gỗ hương và huỳnh đàn khá giống nhau nên trước đây nhiều người nhầm lẫn. Tâm lý người sử dụng các đồ gia dụng bằng gỗ thì vẫn chọn hương, dù gỗ hương thuộc nhóm 2.
Thế nhưng, từ năm 2007, gỗ huỳnh đàn tiêu thụ mạnh sang Trung Quốc, không chỉ gỗ xẻ thành tấm mà cả rễ cây huỳnh đàn cũng có giá nên nhiều người đi đào mót những gốc cây huỳnh đàn đã khai thác trước đây. Tôi cũng không rõ là bên Trung Quốc họ mua cả rễ huỳnh đàn để sử dụng vào việc gì.
Có lẽ do chưa xác định được giá trị thực của nó nên mới đây, Bộ NN&PTNT có Chỉ thị  68, ngày 30.6, gửi các địa phương, nêu rõ: tất cả các vụ án liên quan đến gỗ huỳnh đàn thì số gỗ ấy  phải được cất trong kho chứ không được bán phát mãi, chờ xử lý sau” – Ông Trần Đức Hậu, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Ngãi.

… Ngày 03/04, hay tin khu vực quanh ga Diêu Trì (Bình Định) đang tập hợp một lượng gỗ lớn huỳnh đàn, chuẩn bị đưa lên tàu ra Bắc, 15 cán bộ kiểm lâm lập tức có mặt và phát hiện huỳnh đàn được xẻ nhỏ, chứa trong nhiều bao tải. Biên bản về vụ vận chuyển gỗ lậu này ghi chưa xong thì xuất hiện 60 tên “mặt rô” và một phụ nữ trạc bốn mươi tuổi. Khi những tiếng la ó, cãi cọ rộ lên giữa người phụ nữ với các kiểm lâm viên chưa dứt, 60 tên “mặt rô” xông vào, ôm cứng 15 anh kiểm lâm. Những bao tải chứa gỗ huỳnh đàn biến mất trong chớp mắt.
Ngày 16/05, một chiếc xe tải chạy từ quốc lộ 19 xuống ngã ba cầu Bà Gi thì rẽ trái, nhằm hướng Bắc thẳng tiến. Các kiểm lâm viên phối hợp với cảnh sát giao thông đuổi theo và yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Chiếc xe dừng lại thật “ngoan”, như không hề có chuyện khuất tất. Sau khi xuất trình giấy tờ xe, tài xế thản nhiên châm thuốc hút, “vô tư” nhìn lực lượng kiểm tra nhảy lên thùng xe làm nhiệm vụ.
Bày ra trước mắt họ toàn là sắt vụn! Chợt một kiểm lâm viên phát hiện chiếc xe có hai khoang: bên trên là sắt vụn nhưng còn phần chìm bên dưới thì… Kẹt một nỗi là phải dỡ hết mấy tấn sắt vụn xuống thì mới kiểm tra được khoang thứ hai bí hiểm kia. Toát mồ hôi hột nhưng cũng phải dỡ ra. Vừa gỡ lớp mặt của khoang thứ hai, những tấm gỗ huỳnh đàn được xếp ngay ngắn hiện ra. Đúng lúc ấy, tài xế biến mất.
Ngày 20/07, Hạt kiểm lâm Vĩnh Thạnh phát hiện một chiếc xe chở chiếc tủ đứng, trông rất gọn nhẹ. Ai cũng nghĩ rằng việc chở tủ từ miền núi về đồng bằng là chuyện bình thường. Điều không bình thường là ở chỗ, khi mở chiếc tủ gọn nhẹ ấy ra thì gỗ huỳnh đàn cũng theo ra. Lái xe xanh tái mặt mày, vội lẻn trốn.
Ngày 07/08, Hạt kiểm lâm Ba Tơ phát hiện nhiều chiếc xe máy không biển số chạy trên quốc lộ 24, từ hướng Kon Tum về Quảng Ngãi. Trên xe là những chiếc bao tải, thoạt trông rất giống những chiếc bao của người đi rà sắt phế liệu. Lực lượng kiểm tra yêu cầu dừng xe, lục trong bao thì thấy toàn là rễ cây huỳnh đàn. Xe và gỗ ở lại còn người thì biến mất…
Chuyện kể bên chân đèo Viôlắc
Một tháng qua, lực lượng kiểm lâm của Gia Lai và Bình Định kiểm tra gắt gao khiến lâm tặc… chuyển hướng. Từ K’Bang, chúng cắt rừng về phía Ba Tơ của Quảng Ngãi. Đường đi có xa nhưng an toàn hơn. Phạm Văn Ên, ở xã Ba Tiêu (Ba Tơ) kể: “Em cõng hai ngày thì ra tới đường nhựa (quốc lộ 24), kiếm được hai trăm ngàn tiền công”. Nhìn đôi chân còn rớm máu với nhiều vết nứt nẻ của Ên, ít ai biết, để có được vài trăm ngàn cho một lần cõng huỳnh đàn, chàng trai ấy đã phải băng rừng cả trăm cây số với nhiều  rủi ro rình rập.
Ông Lê Minh Khánh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ba Tơ, nói chắc: “Rừng Ba Tơ không có huỳnh đàn. Nếu thấy loại gỗ này thì là do lâm tặc chuyển từ Gia Lai về”. Vì cần một tấm ảnh về loại “cây vàng cây bạc” này, tôi chạy thêm 50 km nữa, đến sát chân đèo Viôlắc, giáp với tỉnh Kon Tum. Một ông chủ người Kinh, đang sở hữu vườn huỳnh đàn, đủ các cỡ tuổi, chỉ vào một gốc cây vừa triệt hạ: “Cây huỳnh đàn này mới chặt, giá… 50 triệu”.
Tôi quan sát gốc cây thì áng chừng, nó to bằng… bắp vế trẻ con! Ông chủ này tuy công khai tài sản huỳnh đàn với số tiền khổng lồ của mình nhưng lại bí mật tên tuổi. “Sợ cướp à?”. Ông ta cười vang núi: “Sợ gì cướp! Chỉ sợ mình giàu quá, người ta ghen tị, khó sống thôi!”.
Nói đoạn, ông dẫn tôi đi quanh một số gia đình có trồng huỳnh đàn. Nhiều gốc cây huỳnh đàn thật to được người dân đào từ rừng mang về trồng ngay trước sân vườn như những gia đình giàu có ở thành phố trồng cây lộc vừng. Nếu tin vào giá trị của cây huỳnh đàn như ông ta khoe thì cả cái làng người dân tộc Hrê ở xã Ba Tiêu này sẽ thành làng của những người tỉ phú trong vài năm tới!
“Cây vàng cây bạc”

Gia Lai: Bỏ làng, bỏ rẫy gùi huỳnh đàn 
Những ngày qua, nhiều người dân đổ dồn về các cánh rừng có gỗ huỳnh đàn ở vùng Bắc Tây Nguyên lén lút khai thác, vận chuyển. Chính quyền sở tại dù cố gắng nhưng vẫn không ngăn chặn nổi.
Ông Đinh Yêh, già làng Hà Đừng 1, xã Dak Rong (huyện Kbang) cho biết: “Nhiều người bỏ làng, bỏ rẫy đổ xô vào rừng lấy gỗ huỳnh đàn. Họ đi từng đoàn, gùi gỗ cả ngày đêm”.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện Kbang đã bắt giữ hơn 50 vụ khai thác, vận chuyển và mua bán huỳnh đàn trái phép, thu giữ hơn 52m3 huỳnh đàn, tịch thu 34 xe máy và 1 ô tô. Có hai đối tượng liên quan bị khởi tố.
Một số nhà vườn ở Gia Lai ăn theo bằng cách ươm cây giống huỳnh đàn bán cho người dân với giá 20.000 đồng/cây.

Một thương lái có cỡ ở thị trấn Ba Tơ ra vẻ hiểu biết, lý giải cho tôi nghe về chuyện vì sao cây huỳnh đàn tăng giá vùn vụt: “Sang năm là Olympic Bắc Kinh. Trung Quốc mua huỳnh đàn về trùng tu các tượng gỗ tại một số cung vua phủ chúa thời nhà Minh và nhà Thanh để phục vụ khách du lịch. Huỳnh đàn cũng là loại cây trừ được tà ma, ám khí. Có chút huỳnh đàn trong nhà là yên tâm lắm, trẻ con không giật mình khóc đêm, người già không đau nhức (?).
Bột huỳnh đàn mà đem ướp xác thì tuyệt. Sở dĩ xác của vua chúa ngày xưa mà còn đến hôm nay là họ ướp bằng bột gỗ huỳnh đàn”. Tôi không quan tâm lắm về cách lý giải ấy mà chỉ muốn biết vì sao ở thị trấn nhỏ bé giữa đại ngàn này đang nóng lên từng ngày với việc mua bán gỗ huỳnh đàn bằng chính đồ gia dụng trong nhà!
Ở Ba Tơ có một cơ quan vừa “trùng tu” xong trụ sở làm việc sau hơn 20 năm xập xệ. Toàn bộ số cửa gỗ của cơ quan này được đem ra hóa giá, dù rất rẻ nhưng chẳng ai mua vì nó vừa cũ, lại vừa xấu xí. Cuối cùng rồi cũng có người tiếc của rẻ mà khuân về nhà.
Bà vợ chỉ tay vào mặt gã chồng đang hí hửng vì tậu được “của rẻ”: “Ông rước cái của nợ ấy về dọa gà, hử?”. Đùng một cái, toàn bộ số cửa kia được phát hiện là gỗ huỳnh đàn. Anh chồng được dịp vênh váo với vợ: “Má nó thấy tôi chưa? Chỉ cần bán bốn cánh trong lô cửa này là tậu ngay một ô tô xịn. Sướng nhé?”.
Gần ba mươi năm trước, ông Nguyễn Chiến Hữu bị một tay thợ mộc lừa đóng bộ bàn ghế, thay vì bằng gỗ hương, nó dùng toàn gỗ huỳnh đàn! Ấm ức mấy chục năm vì phải ngồi ghế gỗ “dỏm”.
Nào ngờ mới đây, một tay chuyên lùng mua gỗ huỳnh đàn đến trả ba mươi triệu, ông Hữu cứ tưởng mình mơ: “Thôi anh, xin anh bớt giỡn cho. Tui cần mười triệu là mừng hụt hơi rồi!”. Tiền được trao rẹt rẹt, bộ bàn được chuyển đi ngay. Khi cái “của nợ” ấy khuân ra khỏi nhà một thời gian, ông Hữu mới biết mình bị hớ!