Chợ nổi… làm ô nhiễm kênh rạch

Chợ nổi được xem như là “đặc sản” của miền sông nước Nam bộ. Ngay cả ở TP.HCM cũng có chợ nổi trên kênh rạch và hoạt động không kém phần nhộn nhịp. Có điều, việc người dân buôn bán ở đây đã làm nhiều kênh rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Buôn bán trên rác, sống trên rác
Chợ nổi trên kênh Lò Gốm (đường Lò Gốm, phường 8, quận 6) với khoảng chục chiếc ghe chở dừa, trái cây neo đậu cũng đủ để đoạn kênh này tràn ngập rác và bốc mùi thối nồng nặc. Bà N.T. Thanh, một người dân ở đây cho biết: “Chính quyền địa phương đã không cho neo đậu ghe để buôn bán nhưng không hiểu sao họ vẫn đậu”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đây là những người dân từ Long An, Bến Tre… lên TPHCM. Họ “gặp đâu, đậu đó” và hồn nhiên buôn bán. Anh Nguyễn Văn Khánh, một chủ ghe còn vui vẻ “mách nước”: Ở kênh Lò Gốm chỉ có vài ghe thôi, bên bến Bình Đông mới nhiều.
Quả thật không sai, bến Bình Đông nằm bên đường Trần Văn Kiểu thuộc địa bàn phường 3 quận 6 và đường Bình Đông, phường 14 quận 8 ở hai bên cầu Chữ U, không khí buôn bán nhộn nhịp không kém gì một chợ nổi miền Tây với hơn trăm ghe, thuyền. Tuy nhiên, nhìn xuống dòng kênh bên dưới thì khó ai mà vui được: nước đen kịt, rác trôi lềnh bềnh.
Thế nhưng, dường như tất cả những điều ấy không ảnh hưởng gì đến việc mua bán của người dân. Người mua, kẻ bán… tấp nập và nhiều người vẫn thản nhiên vứt những trái cây hư thối, bao ni lông… xuống kênh. Một chủ ghe cười giải thích: “Người ta sống ở trên bờ còn mang rác ra kênh để vứt, mình ở trên kênh như thế này thì vứt xuống đây chứ còn vứt đi đâu nữa. Nước sẽ cuốn trôi đi mà”. Chẳng biết nước có cuốn đi không nhưng chúng tôi thấy trên kênh lúc nào cũng ngập rác…
Ô nhiễm môi trường tại đây không chỉ là hậu quả từ công việc buôn bán mà còn từ sinh hoạt của những gia đình trên ghe. Theo anh Minh, người chủ ghe dừa đến từ tỉnh Bến Tre: “Hôm nào lên mà bán hết hàng thì về trong ngày, còn không hết thì phải ở lại thêm hai, ba ngày”. Những sinh hoạt hàng ngày như: tắm giặt, ăn uống và cả “vệ sinh”… đều được thải hết xuống kênh. Điều đáng nói là, hiện có rất nhiều người sống luôn trên ghe để buôn bán chứ không đi đi về về nữa.
Bà Nhàn, một người dân sống tại đây cho biết: “Lúc trước dòng nước dưới kênh này cũng đâu đến nỗi nào. Bây giờ, nó bẩn một phần do người dân xung quanh vứt rác bừa bãi xuống, một phần do những chiếc ghe nổi ở đây sinh sống rồi thả chất thải. Mùi hôi thối bốc lên thật kinh khủng”.
Nhìn bên dưới dòng kênh: không những có trái cây thối, bịch ni lông… mà còn có cả bàn chải đánh răng, khăn mặt, đồ hộp… trôi nổi một cách “vô tư”.
Dân than nhưng… chợ vẫn họp
Được biết, chợ ghe nổi bên cầu Chữ U này đã tồn tại từ rất lâu. Và người dân ở đây đã bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối này từ nhiều năm nay. Họ cũng đã kiến nghị chính quyền địa phương phải có giải pháp di dời chợ nổi ấy nhưng bao nhiêu năm nay nó vẫn cứ tồn tại.
Một lãnh đạo của phường 3 quận 6 cho biết: “Chúng tôi cũng đã kiên quyết xử lý, nhưng thật sự chỉ giải quyết được trên bờ thôi, khi bị đuổi thì chủ tàu, ghe lại chạy ra giữa sông. Chúng tôi đã báo với công an đường sông để họ xử lý những chiếc ghe này nhưng đến nay vẫn chưa có gì. Chắc phải chờ khi nào bờ kè làm xong, người ta không đậu được nữa thì thôi”.
Trên thực tế, bờ kênh thuộc quận 8 đã có bờ kè nhưng vẫn còn ghe neo đậu. Chủ tịch UBND phường 14 quận 8 cho biết cũng chỉ bắt trên bờ chứ không quản lý được dưới sông vì “nó thuộc khu Đường sông”. “Mỗi lần tàu, ghe chạy ra giữa sông thì chẳng lẽ lại lội ra đó để bắt sao?”, lãnh đạo phường 3 quận 6 nói thêm.
Ý kiến khu Đường sông thế nào? Ông Trần Thế Kỷ, Trưởng phòng quản lý giao thông đường thủy thuộc Sở Giao thông- Công chính TPHCM, cho biết: “Sở không quản những chiếc ghe neo đậu để lên xuống hàng hóa. Trách nhiệm này thuộc lãnh đạo địa phương, còn về xử lý thì thuộc Thanh tra sở và cảnh sát đường thủy. Chính quyền địa phương trông chờ vào khu Đường sông là không đúng”. Như vậy thì thật sự trách nhiệm quản lý thuộc về khu Đường sông hay chính quyền địa phương?
Tình trạng buôn bán trên kênh, rạch rõ ràng đã và đang gây ô nhiễm cho nhiều kênh, rạch của thành phố nhưng trách nhiệm này thuộc về ai thì lại chưa rõ.