Nước thải y tế: SOS!

Nước thải y tế được xếp vào nhóm chất thải nguy hại. Thế nhưng trong nhiều năm qua, hàng ngày có đến hàng chục ngàn mét khối nước thải y tế chưa qua xử lý vô tư xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý! Theo số liệu của Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) thành phố Hồ Chí Minh, cho đến thời điểm hiện nay tổng lượng nước thải y tế trên địa bàn TPHCM đã đạt hơn 17.000m3/ngày.

Chỉ có 35/105 BV có hệ thống nước thải đạt chuẩn

Theo số liệu của Sở TNMT thành phố, cho đến thời điểm hiện nay, trong tổng số 105 BV, trung tâm y tế… mới chỉ có 69 cơ sở có trang bị hệ thống xử lý nước thải. Trên thực tế, chỉ có 35 BV có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Con số các BV, trung tâm y tế có trang bị hệ thống nước thải y tế vốn đã quá khiêm tốn về số lượng nhưng về chất lượng cũng thuộc dạng hoạt động ì ạch. Trong đó, phần lớn đã xuống cấp, thậm chí không còn hoạt động được.

Kết quả kiểm tra thực tế tại các BV cho thấy rõ đối với những cơ sở đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng có cũng gần như không. Trong đó, có đến 19 hệ thống xử lý nước thải xử lý không đạt tiêu chuẩn cho phép, cần phải xây dựng mới hoàn toàn; 27 hệ thống cần phải nâng cấp công suất thiết kế để đáp ứng nhu cầu mở rộng khám – chữa bệnh; 14 trường hợp cần phải sửa chữa, cải tạo…

Trong khi hệ thống xử lý nước thải của các cơ sở y tế chưa được đầu tư đúng mức thì lượng nước thải liên tục gia tăng, cho đến thời điểm hiện nay đã đạt 17.000m3/ngày. Chỉ có khoảng 3.000m3 trong số 17.000m3/ngày được xử lý đạt chuẩn.
Kết quả phân tích các mẫu nước thải y tế chưa qua xử lý cho ra những con số làm cho những người quan tâm phải…. rùng mình. Hàm lượng vi sinh vượt chuẩn cho phép ít nhất là 100 lần và thậm chí có mẫu vượt chuẩn cho phép lên đến… 1.000 lần.

Cộng đồng gánh chịu ô nhiễm

Tại buổi làm việc với Sở TNMT thành phố (ngày 02/08/2008), ông Nguyễn Minh Hoàng – Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố – cho rằng: “Một BV lớn như BV Chợ Rẫy, mỗi năm thu vào từ 400 đến 500 tỉ đồng mà không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thay vào đó họ xả nước thải ra ngoài cho cộng đồng gánh chịu”.

Nghiêm trọng hơn, đối với các BV mới cũng phớt lờ hoặc làm chiếu lệ chuyện xử lý nước thải y tế. Trong đó, có hàng loạt các BV quốc tế, BV tư nhân nổi tiếng ở thành phố. Chẳng hạn như BV mắt Việt Hàn, Triều An, Việt Pháp, Phụ sản quốc tế Sài Gòn…

Ông Nguyễn Văn Phước – Phó Giám đốc Sở TNMT cho rằng, các BV này khi thành lập đều có đánh giá tác động môi trường và những quy định khác nhưng khâu hậu kiểm đã làm quá lơ là nên họ cũng lơ luôn nghĩa vụ xử lý nước thải.

Xử lý nhẹ tay

Mặc dù những nguy hại của nước thải y tế là khôn lường nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa dám mạnh tay đối với những cơ sở y tế vi phạm. Cho đến thời điểm hiện nay, vụ xử lý mạnh tay nhất của Sở TNMT là trường hợp của khoa Phụ sản, BV Đại học Y dược TPHCM (số 243 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình).

Khoa Phụ sản, BV Đại học Y dược TPHCM, quy mô 120 giường, mỗi ngày làm phát sinh 130m3 nước thải nhưng chỉ xử lý được 40m3/ngày, nước thải sau khi xử lý cũng không đạt tiêu chuẩn cho phép.

Sau khi kiểm tra, Sở TNMT đã yêu cầu cơ sở này thời hạn cuối là 31/12/2005 phải sửa chữa nâng công suất hệ thống xử lý nước thải. Sau 2 lần phúc tra vào tháng 4 và 09/2006, hệ thống nước thải vẫn không được sửa chữa, nâng cấp.

Cuối cùng, ngày 06/10/2006, Sở TNMT mới có văn bản yêu cầu khoa Phụ sản, BV Đại học Y dược TPHCM ngưng hoạt động kể từ ngày 15/10/2006. Thế nhưng, cơ sở này xin gia hạn và cam kết trong quý IV năm 2006 sẽ sửa chữa nâng cấp hệ thống xử lý nước thải.

Nhờ những biện pháp kiên quyết, đến nay BV Đại học Y dược đã có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Tuy nhiên, hàng loạt các BV và trung tâm y tế khác cũng trong tình trạng tương tự nhưng các cơ quan chức năng xử lý quá nhẹ tay, chủ yếu là phạt hành chính nên đến nay vẫn chưa cải thiện được tình hình.