Du lịch sinh thái – không xa hoa, không nhân tạo hóa

ThienNhien.Net – Trong bản tin số ra đầu năm 2007 của mình, Những người bạn Thiên nhiên (FON) – một tổ chức phi chính phủ của Trung Quốc có bài viết về phát triển du lịch sinh thái ở nước này . Tuy tập trung phân tích về du lịch sinh thái ở Trung Quốc nhưng bài viết cũng có nhiều điểm phù hợp với thực trạng du lịch sinh thái ở Việt Nam hiện nay. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

“Sinh thái” có hàm ý chỉ mối quan hệ tương tác, hài hoà giữa thiên nhiên và con người. Tuy nhiên, từ này thường bị hiểu sai. Những người khẳng định rằng mình hiểu thế nào là sinh thái chưa chắc đã thực sự nắm được bản chất hoặc tuân theo những quy luật về sinh thái. “Du lịch sinh thái” là một ví dụ cụ thể. Từ này thường được các nhà quản lý du lịch nhấn mạnh và rất quen thuộc với công chúng. Nhưng khi nảy sinh mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ sinh thái trong những chương trình dự án dành cho các khu bảo tồn thiên nhiên, các điểm thắng cảnh, các vườn quốc gia và di sản thế giới; cũng như trong quản lý và phát triển du lịch, liệu rằng lợi ích kinh tế tức thì có lấn át việc bảo vệ sinh thái lâu dài?

Hiện có 2 thiếu sót sơ đẳng trong du lịch sinh thái ở Trung Quốc. Điều đầu tiên xuất phát từ công chúng. Nhiều khách du lịch vẫn chưa chuyển vai trò của họ từ “cai trị thiên nhiên” sang “sống hoà hợp với thiên nhiên”, vì họ chưa nhận ra được trách nhiệm của mình trong vấn đề môi trường suy thoái. Vài khách dụ lịch khác lại tin tưởng một cách sai lầm rằng du lịch sinh thái có nghĩa là giải trí ngoài trời. Họ đặt ra yêu cầu cao về thức ăn, nhà cửa, phương tiện đi lại, tham quan, mua sắm, giải trí; họ muốn tận hưởng tiện nghi du lịch như đời sống trong đô thị.

Để thoả mãn nhu cầu của xã hội về du lịch chạy theo vật chất và những lợi ích kinh tế, lợi tức thuế kèm theo, nhiều chính quyền địa phương, nhiều nhà phát triển và quản lý du lịch đã tăng cường đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất. Sự hăng hái của họ đối với những công trình xây dựng quy mô lớn, như đường xá, cầu, đường ray xe khách, các khách sạn sang trọng và xa hoa, dẫn đến đầu tự thương mại hoá, đô thị hoá và nhân tạo hoá các điểm thắng cảnh. Sự phát triển nhân tạo do con người áp đặt lên thiên nhiên không hề tạo thêm giá trị cho các khu vực được bảo vệ, mà ngược lại – lại có thể làm giảm các giá trị như nguồn tài nguyên của khu vực đó

Du lịch ở Trung Quốc hiện nay bị cuốn theo khẩu hiệu “Đóng gói các điểm di sản”, “ép sông nén núi” và “tạo ra 1 nhãn hiệu chắc chắn”. Mọi người thường lờ đi sự thật rằng hệ thống sinh thái trong các khu bảo tồn thiên nhiên là độc đáo và không thể thay thế được – chúng không thể bị đóng gói 1 cách nhân tạo, bị nén, bị ép hay bị tạo ra. “Đóng gói” chỉ làm huỷ hoại thiên nhiên, nhưng họ không nhận ra điều đó. Kiều tạo mới này sẽ làm cho các yếu tố “văn hóa về tự nhiên” của chúng ta không được truyền lại cho thế hệ sau. Lợi ích thương mại chính là nguồn gốc của những hành vi mù quáng.

Ngày nay, phát triển khoa học và công nghệ cũng bị lạm dụng và trở thành thứ nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người. Công nghệ dần dần thay thế hành vi của con người. Điều này dẫn đến sự suy thoái về lối sống, thể chất, hoạt động sinh học, sức mạnh ý chí và thậm chí là cả đạo đức.

Bên cạnh đó, các khía cạnh phúc lợi xã hội của khu bảo tồn thiên nhiên, các điểm thắng cảnh, các vườn quốc gia và các điểm di sản thế giới hiện cũng đang bị lờ đi trong khi đó mục tiêu dùng các khu vực bảo tồn để phát triển kinh tế lại bị nhấn mạnh một. cách phi lý. Những cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên, những khu rừng và các hồ nước linh thiêng của các dân tộc ít người đã bị đối xử như là nguồn tiền sẵn có. Chúng bị khai thác và áp đặt bởi các công trình nhân tạo và ngoại lai, do đó làm giảm và phá huỷ các giá trị của chúng về khoa học và văn hoá. Cần nhận thức đúng đắn những giá trị phúc lợi xã hội này, bao gồm các giá trị đa dạng về mặt tự nhiên, lịch sử văn hoá cũng như nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, tham quan, các hoạt động tinh thần khác. Chúng là một phần của di sản tự nhiên cần được bảo vệ. Chúng hoàn toàn không phải là nguồn tài nguyên chỉ để phát triển kinh tế. Đây là kho báu vô giá để truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứ không phải tài sản do các cá nhân nắm giữ.