Góc nhìn của Bộ trưởng TNMT về khiếu kiện đất đai

Ngày 26/07/2007, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Mai Ái Trực – đã có đối thoại trực tuyến với người dân về khiếu kiện đất đai. Bộ trưởng Mai Ái Trực cho rằng, nếu lãnh đạo địa phương quan tâm và tập trung sức giải quyết, tình hình khiếu kiện đất đai sẽ được cải thiện rõ rệt. Ông đề nghị đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại đất đai, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu.

Trả lời các câu hỏi của giới báo chí và người dân, Bộ trưởng Mai Ái trực cho biết:


Phóng viên (PV):
 Cảm giác của ông thế nào sau một ngày đối thoại với dân?


Bộ trưởng Mai Ái Trực
: Sau một ngày tiếp dân, nghe các khiếu kiện về đất đai thì cũng mệt, nhưng không quan trọng bằng việc cảm thấy là ít hiệu quả. Vấn đề người dân đưa lên khiếu nại, đúng ra phải được giải quyết, nhưng lại không thuộc thẩm quyền của mình.
 

Vì thế, chúng tôi chỉ có văn bản yêu cầu địa phương giải quyết, không biết địa phương có giải quyết hay không. Chính việc giải quyết khiếu nại kém hiệu quả như thế cũng làm cho mình rất áy náy.


Phóng viên (PV):
Nghĩa là đã có địa phương chưa làm tròn  trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại đất đai nên người dân phải lên Bộ TN – MT khiếu nại?


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Đúng là phần lớn là như vậy. Tôi tiếp nhận đơn thư, nghe trình bày trực tiếp của dân, người ta đều có phản ảnh là các khiếu nại của chúng tôi không được địa phương giải quyết.
 

Thậm chí có nơi này nơi khác, lãnh đạo địa phương không tiếp dân, không nghe ý kiến trình bày của dân, nên họ lên cầu cứu Bộ, mong Bộ giải quyết.


Nhưng khi tôi giải thích cho họ, việc này thuộc thẩm quyền của địa phương, thì họ lại đề nghị là Bộ nên có văn bản để yêu cầu địa phương giải quyết.


Phóng viên (PV):
Nhưng theo ông, kể cả khi Bộ có văn bản, địa phương có giải quyết được cho họ không?


Bộ trưởng Mai Ái Trực
: Có người nêu trường hợp Bộ đã 6 lần ra văn bản yêu cầu địa phương giải quyết nhưng địa phương vẫn không xử lý.


Chúng tôi đang giao cho thanh tra Bộ tổng hợp những địa phương nào có nhiều văn bản mà Bộ yêu cầu địa phương giải quyết nhưng địa phương không giải quyết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho Chủ tịch các địa phương đó.


Phóng viên (PV):
Cũng có những khiếu kiện của người dân  sai, có người lợi dụng gây rối , cũng cần xử lý những kẻ gây rối. Người dân mong mọi thứ minh bạch, rõ ràng, công khai cái đúng, cái sai . Hiện nay, theo ông,nhiều trường hợp người dân thắc mắc, bức xúc vì cán bộ địa phương không giải quyết cho họ hay giải quyết sai, hay vì cán bộ còn cửa quyền?


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
  Có tất cả những trường hợp như thế. Người dân khiếu nại hết tháng này sang tháng khác, có những người tôi tiếp tháng này, tháng sau họ lại đến gặp. Mình quen mặt họ.


Nhiều người dân đến khiếu nại nói rằng, mặc dù Bộ TNMT có văn bản yêu cầu địa phương giải quyết nhưng đến giờ địa phương vẫn không có động tĩnh gì. Họ cũng phản ánh những trường hợp giải quyết không thỏa đáng, thậm chí có trường hợp thách thức trong giải quyết khiếu nại của người dân. 


Phải quy rõ trách nhiệm người đứng đầu


Phóng viên (PV):
Ông có nói là cũng áy náy vì chưa giải quyết được cho dân nhưng tôi được biết, trong chuyện này, Thủ tướng đã có chỉ thị là sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu các địa phương để cho khiếu kiện kéo dài. Đó có phải là quy trách nhiệm người đứng đầu?


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Đúng là trách nhiệm người đứng đầu phải quy rõ. Nhưng điều quan trọng là phải xử lý người đứng đầu không hoàn thành trách nhiệm đó. 


Chúng ta đã nói nhiều về chuyện địa phương nào để dân khiếu kiện mà không xử lý thì Chủ tịch ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý. Nhưng, chúng ta đã xử lý ai? Chưa thấy xử lý ai về việc này cả. Trong khi đó, khiếu kiện nhiều, thậm chí, khiếu kiện vượt cấp nhiều, khiếu kiện đông người. Như vậy là, chúng ta chưa nghiêm trong việc xử lý trách nhiệm. 


Ở đây, tôi cũng muốn nói là không phải tất cả các địa phương đều không quan tâm đến việc giải quyết khiếu nại về đất đai. Nhiều địa phương quan tâm, bên cạnh nhiều địa phương không quan tâm. Cũng có địa phương quan tâm trong lúc này nhưng không quan tâm trong lúc khác. Hà Tây là một ví dụ.


Hà Tây trước kia khiếu kiện nhiều về đất đai nhưng không giải quyết thoả đáng, đến mức Ban Bí thư phải về làm việc với Hà Tây, Thủ tướng Phan Văn Khải mấy lần về. Những lần làm việc của Ban Bí thư, của Thủ tướng tôi đều đến dự. Nhưng sau này, lãnh đạo Hà Tây tập trung sức giải quyết khiếu nại, thậm chí đã huy động 70 – 80% thời gian làm việc của cả hệ thống chính trị của địa phương để giải quyết khiếu nại về đất đai của người dân.


Vì thế, thời gian gần đây, tình hình khiếu kiện đất đai ở Hà Tây tương đối ổn, tuy chưa phải đã giải quyết được tất cả, nhưng so với trước thì ổn hơn rất nhiều. Nếu trước kia Hà Tây đứng chót bảng về môi trường đầu tư, nay vị trí đã được cải thiện, đang có sức hút mạnh về đầu tư.


Nếu địa phương quan tâm, tập trung sức giải quyết thì không những ổn định tình hình ở địa phương mà còn làm cho hình ảnh của địa phương đó tốt, đặc biệt trong điều kiện chúng ta đang đẩy mạnh thu hút đầu tư. Việc để khiếu kiện kéo dài sẽ làm cho hình ảnh địa phương xấu đi.


Phóng viên (PV):
Trong buổi tiếp dân, ông đã nhiều lần hỏi người khiếu kiện: “Tôi có thể làm gì hơn nữa?”, lý do tại sao vậy thưa ông? Có phải ông cảm thấy bất lực ?


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Không phải là cảm thấy bất lực. Vì người dân đề nghị Bộ trưởng giải quyết, tôi phải hỏi họ là bây giờ, tôi giải quyết thì giải quyết cái gì, phải nói cho rõ, căn cứ vào thẩm quyền, trách nhiệm của tôi.


Ví dụ, xung quanh chuyện đền bù, nếu Chủ tịch UBND huyện ra quyết định thu hồi đất, thực hiện bồi thường mà dân không đồng ý thì phải khiếu kiện đến Chủ tịch UBND huyện đó để giải quyết lần đầu. Nếu không hài lòng với xử lý của huyện, có thể khiếu nại lên Chủ tịch UBND tỉnh. Nếu không hài lòng nữa thì vẫn có chỗ để đề đạt ý kiến. 


Họ đưa lên huyện, huyện chưa giải quyết, họ đã đưa lên Bộ, đề nghị Bộ trưởng phải đứng ra giải quyết, như vậy thì không thể giải quyết, xử lý được. Đó không thuộc thẩm quyền của chúng tôi.


Phóng viên (PV):
Theo ông, trong số những đơn thư khiếu kiện, bao nhiêu phần trăm người khiếu kiện đó là hợp lý? Và bao nhiêu phần trăm khiếu kiện là không hợp lý?


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Nếu tính trong ngày hôm nay, chúng tôi chưa có thống kê đầy đủ. Nhưng qua theo dõi tình hình giải quyết khiếu nại đất đai, chúng tôi thấy, đa số ý kiến của người dân khiếu nại là đúng, có thể đúng hoàn toàn hoặc một phần. Năm ngoái, làm thử thống kê những vụ chúng tôi đã giải quyết, có đến 80% ý kiến người dân khiếu nại là đúng.


Hiện nay, tình hình khiếu nại có chiều hướng phức tạp, số đơn nhiều. Có nhiều lý do. Trước hết, cơ quan nhà nước các cấp chưa thực hiện đúng chính sách, pháp luật, đặc biệt là các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ tái định cư. Khiếu nại về vấn đề này chiếm đa số khiếu nại trong thời gian gần đây.


Hai là, trước đây, ta thực hiện chính sách đền bù chưa quan tâm đầy đủ đến lợi ích người dân. Càng ngày, chúng ta càng quan tâm đến lợi ích của người dân. Vì thế, chính sách của chúng ta càng thỏa đáng hơn, đáp ứng ng uyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân. Những người đền bù thời gian trước thấy thiệt thòi, đi khiếu kiện.


Có ý kiến cho rằng, vì chúng ta có chính sách đền bù bây giờ nới hơn nên có khiếu nại. Nói vậy không được. Cũng phải nói rõ, pháp luật không có hồi tố. Thực hiện bồi thường lúc nào thì theo pháp luật tại thời điểm ấy. Nhưng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã nêu ở Chỉ thị 05 năm 2006, chúng ta phải quan tâm đến lợi ích, đời sống nhân dân, tùy trường hợp cụ thể để xử lý linh hoạt, không nên quá cứng nhắc.


Phóng viên (PV):
Trong chính sách vĩ mô của chúng ta cũng có kẽ hở. Giải phóng mặt bằng để làm phố, nhà nước phải bỏ tiền ra đền bù, nhưng cũng có người từ trong ngõ thành ra phố, hưởng lợi nhưng nhà nước cũng chẳng thu được gì ?


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Khi người ta chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì chúng ta điều tiết bằng thuế thu nhập. Hoặc hiện nay, theo quy định của thuế nhà đất, ở mặt đường thì đóng thuế cao hơn. Chúng ta điều chỉnh bằng những chính sách điều tiết. 


Có trường hợp hỏi đền bù theo giá thị trường là như thế nào? Hỏi vậy là không đúng. Điều 56 Luật đất đai nói rõ, giá đất phải sát giá thị trường trong điều kiện bình thường. Bồi thường là phải theo giá đó. Nếu ta thu hồi đất của dân 100 m2 ở vị trí đó, ở con đường như thế, khả năng sinh lợi như thế, bồi thường làm sao để có thể mua mảnh đất với diện tích và điều kiện như thế. Nguyên tắc bồi thường là như vậy, phải đảm bảo quyền lợi cho dân.


Phóng viên (PV):
Có nhiều người thắc mắc, băn khoăn cụ thể về chuyện khiếu kiện đất đai của cá nhân họ? Ông khó có thể giải quyết, trả lời cụ thể từng trường hợp, nhưng ông có thể nói gì về vấn đề này chung cho tất cả độc giả?


Bộ trưởng Mai Ái Trực: Chúng tôi đã tổ chức giao lưu trực tuyến với người dân nhiều lần trên website của Bộ (www.monre.gov.vn), qua đó cũng đã giải quyết nhiều vấn đề cụ thể. Hiện trên website của Bộ cũng có mục ghi nhận ý kiến, phản ảnh, chúng tôi sẽ trả lời trên trang web đó.  


Nên thành lập hệ thống tài phán hành chính và toà đất đai


Phóng viên (PV):
Theo ông, chìa khoá để giải quyết vấn đề bức xúc về đất đai hiện nay là ở đâu? 


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Theo tôi, chúng ta phải giải quyết bất cập về cơ chế giải quyết khiếu nại. Hiện nay, cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai ổn rồi, không có vấn đề gì lớn. Cơ chế giải quyết khiếu nại về đất đai nói riêng và khiếu nại các quyết định hành chính nói chung thì còn những bất cập. 


Thứ nhất, giải quyết một vụ khiếu nại phải có điều tra, nghiên cứu, kết luận và tổ chức thi hành, tức là phải giải như một vụ án và nhiều khi phức tạp hơn vụ án bình thường.


Trong khi đó, việc này lại giao cho cơ quan hành chính. Mà cơ quan này hàng ngày phải đối mặt với hàng trăm việc, rồi thiên tai, dịch bệnh… người ta không đủ sức quán xuyến được những việc đó. Tôi từng làm cán bộ địa phương nên tôi hiểu cái khó của họ. Giao cho cơ quan hành chính, người ta không thể dành thời gian chuyên tâm, mà nếu có thời gian cũng chỉ trong một giai đoạn nhất định, sau đó phải lao vào những việc khác. Vì thế, giao cho cơ quan hành chính giải quyết khiếu nại là không phù hợp. 


Thứ hai, có những quyết định của UBND cấp dưới, mang lên UBND cấp trên giải quyết nhưng giải quyết không thỏa đáng, dẫn đến việc người dân cảm thấy, hình như mấy ông này có bênh vực gì cho cơ quan hành chính cấp dưới. 


Thứ ba, trong cơ chế giải quyết khiếu nại của chúng ta hiện nay, có tình trạng người dân đi đến rất nhiều cơ quan. Một đơn thư, người ta sao nhiều bản, đưa nhiều cơ quan. Thậm chí, có trường hợp người dân trong buổi tiếp dân chiều nay đưa cho tôi đơn gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng. Họ lục tìm mãi không thấy đơn gửi cho tôi, nhưng lại thấy đơn gửi cho nhiều cơ quan. Tôi khuyên họ là phải đi đúng chỗ có trách nhiệm giải quyết cho họ và bám chỗ đấy.


Vì thế, tôi cho rằng chìa khoá để giải quyết khiếu nại là chúng ta phải đổi mới cơ chế về giải quyết khiếu nại. 


Trong kỳ họp QH năm ngoài, khi trả lời chất vấn, tôi đã đề xuất các phương án tổ chức hệ thống giải quyết khiếu nại sau đây:
Thứ nhất, lập hệ thống tài phán hành chính. Thứ hai, tổ chức hệ thống toà riêng về đất đai. Thứ ba, giao thêm trách nhiệm cho tòa hành chính, mở rộng phạm vi xét xử khiếu nại đất đai. 


Dù tổ chức hình thức nào thì cũng không phải theo cấp hành chính mà độc lập với cấp hành chính. Ví dụ, có tài phán hành chính TƯ, liên tỉnh, liên huyện. Toà đất đai cũng vậy. Toà hành chính cũng tổ chức tương tự. Vì tòa ở huyện mà xử lý quyết định của Chủ tịch UBND huyện thì sẽ có những cái “gượng”. Vai trò của Chủ tịch UBND đồng thời là Phó bí thư tỉnh ủy cũng lớn, tòa án tỉnh xử lý có cái khó, mặc dù pháp luật quy định xét xử phải độc lập, chỉ tuân theo pháp luật nhưng có những cái trong quan hệ khó làm. Cho nên, tổ chức tòa liên tỉnh, cơ quan tài phán, tòa đất đai liên tỉnh, liên huyện, không thuộc một cấp hành chính nào, đảm bảo tính độc lập.


Hiện nay, mỗi địa phương giải quyết theo một cách. Nếu là tòa án, sẽ có giải quyết một cách thống nhất. Các tòa án, cơ quan tài phán sẽ có trao đổi cách thức xử lý với nhau. Họ có điều kiện chuyên tâm để giải quyết khiếu nại đất đai, có đội ngũ chuyên nghiệp thì sẽ hiệu quả. Vừa rồi, hiệu quả giải quyết thấp nên đơn thư tồn đọng nhiều, khiếu nại nhiều.


Thời gian qua tôi có đi nghiên cứu về quản lý tài nguyên MT ở Úc. Họ làm theo cách nhà nước lập quy hoạch và các nhà đầu tư vào đó đầu tư công trình. Các DN thoả thuận với người dân về giá cả đền bù. Nếu không thoả thuận được thì họ đưa ra toà, tòa án ra phán quyết. Đến Pháp, tôi lại hỏi và họ cũng làm như thế.


Khi tôi hỏi là có hiện tượng đưa ra toà, tòa phán quyết rồi mà dân vẫn phản đối hay không, thì họ trả lời là hầu như không, hãn hữu lắm.


Phóng viên (PV):
Nhưng với mặt bằng giá đất đai đang quá cao , sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư vào vì giá thành không cạnh tranh?


Bộ trưởng Mai Ái Trực
: Đó lại là vấn đề khác. Phải có chính sách kéo giá đất xuống cho hợp lý. Không thể lấy việc giữ giá cạnh tranh thu hút đầu tư để gây thiệt thòi cho dân, ảnh hưởng lợi ích của nhân dân. Đã là bồi thường thì người ta mất 10, mình phải bồi thường 10. Anh động viên người dân, người ta có thể mất một ít vì lợi ích lâu dài, hy sinh một chút cho lợi ích công, người ta thỏa mãn. 


Nhiều người đi khiếu nại chỉ mong bồi thường đúng pháp luật thì người ta chấp thuận thôi. Người dân cũng có ý thức đóng góp cho lợi ích chung. Như sáng nay, có người đã phát biểu, nếu làm trường học, bệnh viện, tôi hiến không, nếu giao cho DN để xây dựng kinh doanh, thì phải đền bù hợp lý.


Phóng viên (PV):
Có lí do vì cán bộ địa phương có vấn đề, dùng biện pháp không hợp lý gây bức xúc?


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Có nhiều lí do. Có trường hợp có tiêu cực; có trường hợp vì e giá đất cao, kém hấp dẫn với nhà đầu tư; có trường hợp vì nhận thức đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý, muốn lấy lúc nào thì lấy, với giá nào thì do mình, không hiểu chính sách đất đai. Đất đai thuộc sở hữu tòan dân nhưng Nhà nước đã giao cho tổ chức, hộ gia đình, người dân sử dụng, họ có quyền. Nếu là đất của họ, khi thu hồi phải bồi thường thỏa đáng.


Xung quanh vấn đề đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại, tôi cho rằng, vấn đề thiết lập cơ chế tài phán hành chính hoặc thành lập tòa đất đai, hoặc tăng phạm vi xét xử khiếu nại của tòa hành chính là một nội dung quan trọng của cải cách hành chính, cải cách tư pháp hiện nay.


Phóng viên (PV):
Nhưng có một bài toán khó khăn: bài toán phát triển. Muốn phát triển, cần tập trung đất, xây dựng khu công nghiệp, đô thị mới. Như thế, sẽ mâu thuẫn với quyền lợi người dân. Các nước cũng đã trải qua chuyện này, ta đi sau, học kinh nghiệm các nước như thế nào?


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Chuyển đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đó là tất yếu. Muốn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tất yếu phải thực hiện chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất. Đây là điều hiển nhiên.


Có những trường hợp, lấy đất nhưng không quan tâm lợi ích người dân. Họ quá nhấn mạnh khía cạnh tăng trưởng mà không quan tâm khía cạnh xã hội.


Có vùng xây dựng được khu công nghiệp trên đất khác, nhưng lại lấy đất trồng lúa để làm là không phù hợp. Nhưng những tỉnh như Nam Định, Thái Bình, không có dạng đất khác, không thể không lấy từ đất nông nghiệp nhưng lấy bao nhiêu, sử dụng tiết kiệm ra sao phải tính đến.


Quy hoạch là cần thiết, nhưng đừng treo quyền của dân


Phóng viên (PV):
Có còn tồn tại trường hợp đầu cơ đất, và quy hoạch treo?


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Có trường hợp đó. Quy hoạch rất cần thiết trong quản lý kinh tế xã hội. Quy hoạch phải nghĩ tới cái dài hạn, 10 – 20 – 50 năm, thậm chí lâu hơn nữa, phải có tầm nhìn xa, không phải 1-2 năm. Ví dụ, dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam đã có từ lâu, nhưng không ai xem là quy hoạch treo cả.


Treo là treo cái quyền của người dân. Ví dụ, trong quy hoạch, cấm người ta không xây dựng gì, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được sửa chữa nhà cửa, thậm chí có khu vực đã để cơ sở hạ tầng xập xệ, thấp kém.
Phóng viên (PV): Quy hoạch rồi, nhưng có những khu đất đắp chiếu năm này qua năm khác?


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Anh em làm việc này không hề có ý đồ gì không trong sáng. Nhiều địa phương thấy người ta làm khu công nghiệp, cũng muốn làm để đưa tỉnh phát triển. Địa phương thấy mình có lợi thế này, lợi thế nọ nên kiến nghị xin Thủ tướng để xây dựng khu công nghiệp. Nhưng do không lường hết khả năng thu hút đầu tư nên lại bỏ hoang.


Vừa rồi Thủ tướng cũng chỉ đạo rất quyết liệt. Mở khu CN mới thì khu CN cũ phải được lấp đầy bao nhiêu phần trăm. Vừa qua, tôi đi  Vũng Tàu, quy hoạch sử dụng đất ở tỉnh này mới được Chính phủ phê duyệt. Nhưng hiện nay nhiều người vào đầu tư, phê duyệt vừa rồi không đủ đáp ứng. Anh em đang đề nghị mở rộng thêm. Như vậy, có nơi để đất thừa, có nơi không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.


Phóng viên (PV):
Cũng có tình trạng, địa phương có tiềm năng, vị thế đẹp nên nhiều DN tìm đến để lập dự án, thuê đất nhưng rồi lại để đó, chưa sử dụng đến?  


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Quả thật, có những nhà đầu tư không lường hết được khó khăn, nên đã vào, nhưng vào rồi gặp khó khăn lại chùn bước để đó, không đầu tư. Cũng có những nhà đầu tư với tư tưởng xí phần, chiếm đất. 


Luật đất đai năm 2003 đã quy định trong thời hạn 12 tháng liền sau khi giao đất trên thực địa mà không sử dụng là thu hồi hoặc tiến độ sử dụng đất chậm quá 24 tháng so với tiến độ đã ghi trong dự án thì cũng thu hồi.  


Phóng viên (PV):
Nhưng thực tế có nhiều địa phương đã không thu hồi? 


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Nhiều địa phương không thu hồi vì họ sợ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Cũng có chuyện trước kia giao đất, thế này thế khác. 


Phóng viên (PV):
Chúng tôi được biết, có không ít nhà đầu tư tìm đến với các dự án thực sự, có tiềm lực đầu tư nhưng lại không có đất?


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Tôi cũng đã từng nói có tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” trong sử dụng đất. Có DN chỉ cần vài nghìn m2 mà không tìm ra đất trong khi có những doanh nghiệp bỏ trống hàng ha. 


Phóng viên (PV):
Có bạn đọc hỏi, dù ở cương vị tư lệnh ngành, nhưng không dễ để xử lý cán bộ sai phạm ở cấp dưới. Có tình trạng trên bảo dưới không nghe không và nếu có, phải làm thế nào?


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Tôi quản lý khoảng 1 vạn người ở Bộ tôi. Tôi có thể ra quyết định kỷ luật trong phạm vi Bộ quản lý, trong đó có người ở mức lương ngang Chủ tịch tỉnh. 


Nhưng tôi không có quyền khiển trách cán bộ địa phương trong lĩnh vực đất đai như cán bộ địa chính cơ sở. Đây là do pháp luật quy định. Những người này thuộc chính  quyền địa phương quản lý.


Trách nhiệm của tôi là đề ra các quy định hoặc đề xuất để Chính phủ, Quốc hội ra quy định xử lý những cán bộ đó. Chúng tôi thấy có tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ với người dân trong vấn đề đất đai nên khi trình Chính phủ ban hành Nghị định 181, chúng tôi đưa ra điều 175, ghi rõ hành vi vi phạm trong thực thi thủ tục hành chính, tương ứng mỗi hành vi, xử lý thế nào. Ví dụ, dân có đủ hồ sơ mang đến mà không nhận để xử lý thì kỷ luật nhẹ nhất là cảnh cáo, và nếu tái phạm thì xem xét ở mức kỷ luật nặng, bị đuổi việc. Vấn đề là chính quyền địa phương phải thực thi, không để buông trôi.


Một bạn đọc ở Hà Nội hỏi:
Theo ông, hệ thống tổ chức và pháp luật nước ta đã tốt chưa, nên sửa ngay những điều nào và ai sửa?


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Hiện nay, ta đang đứng trước mâu thuẫn, nếu tập trung quyền hành, việc chạy đều hơn nhưng làm hạn chế tính tự chủ, sáng tạo, quyền chủ động của địa phương. Nếu giao quyền cho địa phương mà không có cơ chế trách nhiệm rất rõ ràng thì rất nhiều sai phạm, trên bảo dưới không nghe.


Ví dụ, nếu Bộ TN – MT mà quản lý cán bộ địa chính các sở, huyện, cơ sở thì xảy ra sai phạm chúng tôi sẽ xử lý. Nhưng địa phương quản lý đất đai còn cán bộ do trung ương quản thì không hợp lý. Tôi không nghĩ là nên quản lý theo ngành dọc.
Hiện nay, tôi đang quản lý 6 lĩnh vực: đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ thì chỉ có khí tượng thuỷ văn là quản lý trực tiếp từ trên xuống dưới vì vấn đề này liên quan đến kỹ thuật. Còn các vấn đề khác thì thực hiện phân cấp.


Chúng ta đang đẩy mạnh phân cấp, đẩy mạnh tự chủ ở địa phương. Nếu quản lý theo kiểu ngành dọc thì không hiệu quả. Vấn đề là trách nhiệm phải rõ ràng, phải nghiêm.


Phóng viên (PV):
  Nhưng chính sách phải như thế nào để không rơi vào tình trạng hiểu kiểu gì cũng được. Với Bộ Tài nguyện môi tài nguyên môi trường, ông đã  chỉ đạo hoạch định chính sách thế nào ?


Bộ trưởng Mai Ái Trực:
Với Nghị định 84 vừa ban hành, các quy định đã khá cụ thể, minh bạch, chi tiết về đất đai. NĐ này, so với NĐ 181, số trang không bằng. NĐ 181 được xem là “siêu nghị định”, vì dày quá. Nhưng vấn đề được giải quyết thì hơn nhiều. Giải quyết cụ thể, không nói chung nữa. Luật đất đai đã quy định những vấn đề chung rồi. NĐ 84 nói rõ, chi tiết, từng vấn đề cụ thể. Các địa phương rất hài lòng, người dân đi khiếu nại sáng nay cũng nói NĐ 84 hay quá.


Tôi không nói tất cả đã rõ ràng, cụ thể, nhưng so với trước, đã khá chi tiết. Trước đây, có vấn đề trong đất đai, ta né tránh. Nay, ta không né tránh nữa, có vấn đề thì mang ra bàn, mổ xẻ, xử lý. Có điều, chúng ta có phát hiện ra nó để mổ xẻ, xử lý hay không.