Nước thải ngập khu tái định cư cao tầng

Gần 500 hộ dân sống tại khu tái định cư Nam Trung Yên (Cầu Giấy) phải sống chung với cảnh “thừa nước thải” từ nhiều tháng nay. Tuy nhiên, một tuần lại đây, nước thải sinh hoạt của trên 2.000 người bắt đầu tấn công các hộ dân từ tầng 1- 5 của bốn chung cư cao tầng. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, nước thải có thể sẽ phủ toàn bộ các tầng còn lại của khu tái định cư.

Nước thải ngập nhà!
Phòng bảo vệ của nhà N3C đã bị đóng cửa từ nhiều ngày nay. Căn phòng rộng 15m2 đã ngập lênh láng nước thải. Nhà vệ sinh của phòng công vụ này vẫn ồng ộc đùn ra những dòng nước lờ lờ sặc mùi xú uế. Trên nền nhà vệ sinh, những lớp chất thải cáu bẩn phủ kín. 
Chưa đủ, ông Nguyễn Văn Thanh, tổ trưởng tổ dân phố 47 còn chỉ ra hàng loạt điểm ngập nước thải tại tầng I của chung cư hiện đại này như phòng sinh hoạt chung, đặc biệt là sảnh lớn tầng một.
“Nước thải túa ra từ các nhà vệ sinh ngập toàn bộ sảnh rộng 60m2, có chỗ ngập đến 5cm, người dân phải đi nhón và tìm chỗ khô nhất để qua cửa ải này”- Ông Thanh bức xúc.
Ông Hà Công Tôn, nhà B3A cho biết, sau mỗi cơn mưa, nước thải nhấn chìm toàn bộ đường, sân và dềnh lên vỉa hè của khu đô thị. Sau khi nước rút để lại một lớp chất bẩn đen và mùi hôi nồng nặc. Ngày nắng, mùi hôi thối phả lên đậm đặc hơn. Chịu không nổi, người dân bàn nhau lấy nước rửa đường, hè.
Theo ông Thanh, bốn chung cư cao tầng (480 căn hộ) đều chung cảnh nước thải ùn ứ. Hiện tại tình trạng nước thải tại đây đã dâng lên các ống nước thải từ tầng 1- tầng 5. Hiện tượng này diễn ra mạnh nhất vào các ngày từ 13 – 17/07.
Ngày 16/07, tất thảy bốn tổ dân phố tại đây đã đồng loạt phát đơn gửi UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng khẩn thiết đề nghị thành phố có biện pháp cụ thể và khẩn cấp làm hệ thống thoát nước để chống tắc ngập nước thải đồng thời giải quyết vấn đề môi trường.
Trăm nỗi khổ đổ đầu dân
480 hộ dân sống tại bốn chung cư  N3A,B,C,D thuộc diện tái định cư từ các dự án phát triển giao thông Hà Nội, trong đó chủ yếu tại khu vực thực hiện dự án đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa. Để đảm bảo tiến độ cho các dự án này, các hộ dân đã buộc phải dọn đến nơi ở mới trong điều kiện thiếu thốn và khó khăn: không trường, không chợ, thiếu nước sạch.
Đặc biệt, các hộ dân phải cắn răng “sống chung với công trường”. Và dĩ nhiên họ phải chịu đựng cảnh ồn ào của xe, máy công trường, bụi bặm, bẩn thỉu,  úng ngập. Và nay, gần 500 hộ dân lại phải chịu đựng cảnh nước thải tắc nghẽn.
Vì sao lại có hiện tượng nước thải “tấn công” các hộ dân? Ông Thanh lý giải, xung quanh bốn toà chung cư bị bao bọc bởi các công trường. Có công trường đang thi công, có công trường đã được san lấp cát cao hơn cả cốt nền sân khu đô thị. Trong khi đó tất cả các cửa xả nước thải của 4 toà nhà đều bị bịt kín.
Tại hố ga không nắp phía Tây khu đô thị, nước thải dềnh cao bốc mùi đậm đặc. Phía Bắc, một cửa xả đã bị bịt kín. Nước thải đùn lên mặt đường nồng nặc mùi thối và rỉ ra khu công trường đang thi công. Mực nước tại các hố ga dềnh cao gần  bằng mặt đường.
Theo những người dân ở đây, thì  nước thải sinh hoạt của trên 2.000 nhân khẩu đang sống trong khu đô thị chỉ có cách thoát duy nhất là thẩm thấu xuống đất.
Ngày khô, nước ngấm được xuống đất, nhưng ngày mưa, đất sũng nước và vì thế nước thải cứ thế dâng ngược theo hệ thống ống thoát nước thải. “Nếu như không xử lý ngay, nước thải không chỉ dâng lên tầng 5 các toà nhà mà có thể phủ kín các tầng cao nhất của khu đô thị”- Ông Thanh cảnh báo.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và kỹ thuật khu đô thị cho biết, Xí nghiệp đã nhận đơn của các hộ dân. Dự kiến, ngày 18/07, đơn vị sẽ họp với các cơ quan liên quan để xử lý tình trạng này.
Được biết, chủ đầu tư dự án khu đô thị Nam Trung Yên là Ban quản lý Các dự án trọng điểm phát triển giao thông đô thị, đơn vị thi công là Tổng Cty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội.
Không biết sự việc rồi sẽ được xử lý ra sao, song dư luận đặt câu hỏi, nếu như chủ đầu tư, các đơn vị thi công có trách nhiệm hơn đến đời sống của người dân tái định cư , chắc hẳn họ không phải chịu thêm nỗi khổ ngập nước thải.