Buôn lậu động vật hoang dã sôi động trên chợ ảo tại Mỹ

Trong báo cáo vừa được Quỹ Quốc tế về Phúc lợi Động vật (IFAW) công bố ngày 16/8/2021, các nhà điều tra trực tuyến phát hiện gần 1.200 quảng cáo rao bán gần 2.400 động vật, bộ phận, dẫn xuất hoặc sản phẩm của các loài bị đe dọa, bất chấp các biện pháp bảo vệ hiện hành theo Đạo luật về các loài nguy cấp của Hoa Kỳ (ESA) và Công ước CITES.

Báo cáo “Thị trường kỹ thuật số: Buôn lậu động vật hoang dã ẩn mình” nêu chi tiết những phát hiện sau cuộc điều tra kéo dài 6 tuần về các nội dung quảng cáo được đăng trên 34 thị trường trực tuyến có trụ sở tại Hoa Kỳ. Báo cáo loại trừ các trang mạng xã hội.

Mark Hofberg, Cán bộ chiến dịch, IFAW cho biết: “Những phát hiện này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nạn buôn lậu động vật hoang dã trực tuyến vẫn hoạt động mạnh và là một thách thức đáng kể ở Mỹ. Một môi trường gồm nhiều luật và quy định phức tạp, tính ẩn danh vốn có của internet, cũng như các ngoại lệ và kẽ hở cho phép những kẻ buôn lậu lách luật, tất cả đều là những yếu tố cho phép sự gia tăng của nạn buôn lậu các loài động vật hoang dã được bảo vệ trên các nền tảng trực tuyến, bất chấp luật pháp và các biện pháp bảo vệ tại chỗ”, theo Hofberg.

Có ba nhóm quảng cáo phổ biến nhất trong số gần 1.200 quảng cáo được ghi nhận:

  • Gần một nửa (44%) số quảng cáo được xác định là bán ngà voi – tỷ lệ này tuy giảm so với năm 2008 (73%) nhưng là mức cao đáng ngạc nhiên khi xem xét việc thực hiện các luật và quy định liên quan đến ngà voi kể từ thời điểm đó;
  • Hơn một phần tư (27%) số lượng quảng cáo dành cho các chiến lợi phẩm và các sản phẩm có lông, bao gồm da, hộp sọ, móng vuốt hoặc các bộ phận động vật khác chủ yếu để trưng bày, với một nửa trong số này là các loài được tìm thấy trong tự nhiên bên ngoài Hoa Kỳ (hươu cao cổ, sư tử châu Phi, linh miêu tai đen, và một số loài linh trưởng);
  • Động vật sống được bán làm thú cưng ngoại lai chiếm 19% trong tổng số quảng cáo, trong đó các loài chim, bò sát và động vật có vú chiếm phần lớn động vật sống được rao bán với tỷ lệ lần lượt là 44%, 40% và 16%. Động vật sống có xu hướng có giá trị cao hơn và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị đô la được ghi nhận với gần 3/4 trong số 34 quảng cáo về các loài động vật hoang dã được bảo vệ có giá trị từ 10.000 USD trở lên.

Báo cáo là phần tiếp theo của Báo cáo Killing with Keystrokes năm 2008, thể hiện sự tiếp nối của IFAW nhằm theo dõi nạn buôn lậu động vật hoang dã trực tuyến và thực hiện các biện pháp ngăn chặn bao gồm việc hợp tác với các thị trường trực tuyến để cải thiện chính sách giúp giảm buôn lậu động vật hoang dã, thực hiện các khóa đào tạo cho nhân viên thực thi của chính phủ về các kỹ thuật và xu hướng mới nhất để phát hiện buôn lậu, làm việc với cộng đồng để giảm nạn săn trộm và cuối cùng là giảm nhu cầu. So sánh hai báo cáo cho thấy nhu cầu về rùa sống, rùa cạn, mèo rừng và động vật linh trưởng đã tăng nhanh kể từ năm 2008.

“Sự mất mát động vật hoang dã do buôn bán bất hợp pháp là sự tàn phá các loài – vốn là một phần quan trọng của mạng lưới sự sống phức tạp mà con người dựa vào để có không khí sạch, giảm thiểu biến đổi khí hậu, nước sạch, giảm thiểu lũ lụt, sức khỏe của đất và các chức năng hệ sinh thái quan trọng khác”, Hofberg nói. Hơn nữa, yếu tố nguy cơ số một đối với dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người là tiếp xúc lâu dài với động vật hoang dã, đặc biệt là động vật bị giam giữ gần gũi và trong điều kiện căng thẳng khi bị buôn lậu.

Hofbeg cho rằng chính phủ Hoa Kỳ nên đặc biệt lưu tâm đến vấn đề buôn lậu động vật hoang dã trong hệ thống luật pháp mới nhằm bịt ​​các kẽ hở trong chính sách hiện hành để bảo vệ tương lai của động vật hoang dã cũng như của chính chúng ta.

Lan Thương (Theo ifaw.org) 

Nguồn: