Các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm không khí

Trong tổng số hơn 400 cơ sở công nghiệp tại Hà Nội có tới gần 200 cơ sở gây ô nhiễm không khí. Hàng năm, các cơ sở này “đóng góp” thêm vào bầu không khí khoảng 80.000 tấn khói bụi, 9000 tấn SO2, 19.000 tấn khí NO2…

Kết quả quan trắc mới đây của Sở Tài nguyên – Môi trường và Nhà đất cũng cho thấy, nồng độ bụi tại các khu dân cư gần khu công nghiệp và đường giao thông lớn đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 – 3 lần; tại các công trường xây dựng nồng độ bụi vượt quá từ 20 – 30 lần.
Tại mặt phố Lò Đúc và nút giao thông Ngã Tư Sở (thời điểm đo vào mùa nóng) nồng độ CO2 trung bình từ 13,9 – 19,8mg/m3, vượt tiêu chuẩn cho phép 2,7 – 3,9 lần; nồng độ SO2 từ 0,6 – 0,8mg/m3, vượt 2 – 2,6 lần. Hầu hết các ngã ba, ngã tư đều có nồng độ bụi tổng số vượt quá tiêu chuẩn cho phép 6,4 – 11 lần (mùa nóng) và 4,1 – 5,8 lần (mùa lạnh).Riêng tiếng ồn vượt giới hạn tiêu chuẩn cho phép tới 3,2 – 9,5 lần (ban ngày) và từ 25,6 – 26,5 lần (ban đêm).
Theo các chuyên gia của dự án không khí sạch Việt Nam – Thụy Sĩ, ô nhiễm không khí tại Hà Nội hầu hết do giao thông đem lại, trong đó một phần do lái xe chưa đúng kỹ thuật.
Thời gian tới, dự án sẽ tổ chức một chương trình đào tạo ” lái xe sinh thái ” nhằm hướng dẫn cho các tài xế cách lái xe có hiệu quả trong việc tiết kiêm năng lượng, an toàn và bảo vệ được môi trường không khí. Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị như: giảm thiểu phương tiện cá nhân, tăng phương tiện giao thông công cộng; tổ chức kiểm tra, giám định các phương tiện giao thông về khí thải; duy trì kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyết định số 02 của UBND thành phố về tăng cường các biện pháp giảm bụi trong không khí.
Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về sự tham gia của cộng đồng về giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch đẹp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí đô thị….
Tuy nhiên, vấn đề quan trắc ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng đang gặp phải khó khăn, bởi hiện nay 5 trạm quan trắc tự động cố định trên địa bàn đang phải đặt ở độ cao hơn 10 m, trong khi quy định các trạm này phải đặt ngay trên mặt đất.
Mặc dù Hà Nội có các chương trình quan trắc tại các điểm, nhưng vẫn chưa thống kê được nguồn thải nên chưa có câu trả lời chính xác về nguồn gây ô nhiễm. Tới đây, Hà Nội cần phải xác định cụ thể các nguồn gây ô nhiễm, xây dựng các chương trình quan trắc khoa học, hợp lý và đầy đủ.