Dùng luật hình sự để kiểm soát việc nuôi động vật hoang dã

Từ ngày 18/6/2007, tổ chức, cá nhân nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) nếu vi phạm quy định do UBND TPHCM ban hành có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM, đã khẳng định như vậy.

Ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM trả lời những câu hỏi liên quan về việc nuôi động vật hoang dã của các tổ chức, cá nhân trên địa bản thành phố.

Việc quản lý ĐVHD trên địa bàn TPHCM như thế nào khi đây là địa phương có số lượng ĐVHD nuôi nhốt lớn nhất nước?

Ông Nguyễn Đình Cương cho biết, TPHCM hiện là địa phương có nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký gây nuôi các loài ĐVHD, trong đó có các loại được xếp vào diện cực kỳ nguy hiểm. Cụ thể như gấu có tổng cộng 466 con (đã được gắn chíp điện tử để quản lý); cá sấu trên 100.000 con lớn nhỏ của 56 tổ chức, cá nhân gây nuôi và gần 200 hộ gia đình nuôi gia công; ngoài ra còn có khoảng 5.000 con trăn nuôi nhốt…

Nhiều trại đã nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của Chi cục Kiểm lâm, tuy nhiên vẫn còn một số trại chưa nghiêm túc, để vật nuôi sổng chuồng tấn công người.
 
Trên địa bàn TPHCM đã xảy ra nhiều vụ thú nuôi tấn công người?
 
Tính đến thời điểm này ít nhất là 3 vụ. Ngày 22/4, tại khu du lịch sinh thái Cần Giờ, một du khách đi tham quan do bất cẩn đi vào khu vực chuồng gấu và đã bị gấu tấn công gây thương tích. Trước đó vào tháng 9/2003, một người nuôi gấu cho Câu lạc bộ Quê hương huyện Bình Chánh đã bị gấu tấn công khi đang dọn vệ sinh chuồng. Hậu quả là bị đứt lìa hai cánh tay. Nghiêm trọng nhất là vụ xảy ra vào ngày 7/10/2005 tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Chủ nuôi trong khi vào chuồng cho gấu ăn đã bị gấu tấn công làm thiệt mạng và làm bị thương một người làm công.
 
Ngoài ra trong tháng 4/2007, tại xã Tân Nhật, huyện Bình Chánh, một con cá sấu nặng khoảng 20 kg, dài 1,6 m bị sổng chuồng, gây hoang mang, lo sợ cho dân trên địa bàn.
 
Vấn đề nuôi nhốt, quản lý ĐVHD tại TPHCM một đô thị lớn, dân cư đông như hiện nay đã ổn chưa?
 
Sau tất cả những sự cố trên, Chi cục Kiểm lâm đã có quy định chặt hơn về điều kiện nuôi ĐVHD với các tổ chức, cá nhân, đồng thời khuyến cáo người nuôi không nên chủ quan. Dù thú được nuôi từ nhỏ nhưng bản chất hoang dã vẫn còn và có thể tấn công người bất cứ lúc nào.
 
Qua tham mưu của Chi cục Kiểm lâm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín vừa ký quyết định quy định việc nuôi và vận chuyển các loại ĐVHD trên địa bàn TPHCM và đã có hiệu lực từ ngày 18/6/2007. Đây là công cụ để siết chặt và cương quyết hơn đối với người nuôi trong thời gian tới. Nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm, căn cứ tính chất, mức độ sẽ xử phạt hành chánh, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự và buộc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
 
Những quy định để “siết chặt” đó là gì?
 
Tất cả tổ chức, cá nhân khi nuôi ĐVHD phải có đăng ký trại nuôi với Chi cục Kiểm lâm. Được Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, thẩm định và cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Cụ thể là trại nuôi phải có tường rào xung quanh, xây dựng bằng vật liệu kiên cố. Phải có người nuôi đủ chuyên môn đáp ứng yêu cầu về quản lý, kỹ thuật. Tuyệt đối không để vật nuôi tấn công người, hoặc sổng chuồng, thoát ra ngoài trại nuôi đe dọa tính mạng, sức khỏe con người…