Rừng lồ ô… biến mất

ThienNhien.Net – Cánh rừng lồ ô vốn rất phổ biến ở miền núi Khánh Hoà, giờ đây gần như biến mất. Sự suy giảm cây lồ ô ngay lập tức ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong vùng, vì cây lồ ô là loại nguyên liệu chính để đồng bào Raglay làm nghề những lúc nông nhàn.

Những thanh lồ ô được chẻ nhỏ, rồi xử lý qua nhiều công đoạn để cuối cùng có được tăm nhang. Hầu như lúc nào trong các làng Raglay ở huyện miền núi Khánh Vĩnh cũng có người làm công việc này. Chẻ tăm nhang là nghề phụ, không quan trọng bằng việc đi rẫy của đồng bào, nhưng nếu không có nó thì cuộc sống của người dân Raglay sẽ vô cùng khó khăn.

Mỗi tháng, mỗi gia đình với 2 người làm tăm nhang có thể thu được từ 500-700.000 đồng, đối với đồng bào vùng núi, đây là số tiền không nhỏ. Có lẽ vì thế mà ở xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh, 90% hộ gia đình đều có nghề phụ từ làm tăm nhang. Nhưng hiện nay, hàng trăm hộ dân Raglay đang gặp lúng túng do rừng lồ ô không còn để họ kiếm sống.

Lồ ô Trung bộ Bambusa balcooa Roxb.
Lồ ô trung bộ hay còn gọi là Lồ ô, mọc cụm, cao 10 -15m, thẳng, thon đều, đường kính 5-8cm, lóng dài 30-40cm, vách lóng dầy 0,5-0,7cm. Lồ ô Trung bộ phân bố tự nhiên từ Quảng Bình vào đến Lâm Đồng, được gây trồng nhiều ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Lồ ô trung bộ trồng được trên hình đồi núi trung bình, khoảng 500m so với mực nước biển, ưa đất đỏ bazan sâu, ẩm. Mùa măng tháng 4 – 10. Lồ ô trung bộ được dùng trong xây dựng, nguyên liệu làm giấy, công nghiệp chế biến tre, đan lát, dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Măng Lồ ô trung bộ ăn ngon. Có thể trồng Lồ ô chuyên để lấy măng.(Theo Ths. Đỗ Văn Bản – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam)

Ông Văn Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà cho biết: “Ngay phía sau nơi ở của những gia đình này, giờ đây chỉ còn là đồi trọc. Cả khu vực rừng gần đến rừng xa đều thưa dần cây lồ ô, loài cây mà trước đây rất phổ biến. Do khai thác lồ ô tự phát, khiến cho rừng bị thu hẹp. Người dân trong làng Raglay ước tính rằng, diện tích lồ ô lúc này chỉ bằng 1/10 so với 10 năm về trước.

Theo Già làng Cao Ri Năng, làng Giòng Cạo, xã Khánh Thành, Khánh Vĩnh, Khánh Hoà: “Trước kia lồ ô nhiều lắm, nhưng bây giờ, chẳng thấy đâu. Muốn có lồ ô phải đi thật xa, bà con muốn làm tăm nhang cũng không thể có. Tôi mong muốn rừng phải được quy hoạch, dành chỗ cho cây lồ ô…”

Trong khi chưa tìm ra giải pháp để phát triển lâm nghiệp, rừng lồ ô mỗi ngày lại tiếp tục thưa dần. Nguồn lợi của rừng mất đi, người dân tiếp tục lo ngại một ngày nào đó, không còn lồ ô để làm nghề.