Cứu môi trường, việc cần làm ngay

Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm cả nước có gần 200.000 người bị bệnh ung thư mới phát hiện. Riêng Bệnh viện K Hà Nội – trung tâm hàng đầu về điều trị căn bệnh này, trong vòng 5 năm trở lại đây tiếp nhận 150.000 bệnh nhân/năm.

Nguyên nhân là do môi trường sống ngày càng xuống cấp trầm trọng, trong đó có những tác nhân không nhỏ là các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất. Đã đến lúc, vấn đề phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường cần được nhìn nhận và thực hiện một cách nghiêm túc.

Tác động ghê gớm

Thời gian gần đây, hàng loạt vườn cây ăn trái của bà con xã Tam An (Long Thành – Đồng Nai) tự nhiên héo rũ rồi chết, còn người dân thì mắc nhiều chứng bệnh như lở loét chân tay, tiêu chảy và chóng mặt. Theo bà con, nguyên nhân là do môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng từ khi khu công nghiệp Long Thành xả nước thải hôi thối (không qua xử lý) vào các con mương quanh xã. ông Nguyễn Văn Măng, Trưởng ấp 5 bức xúc: “Những lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi thắc mắc, chỉ nhận được câu trả lời vòng vo: Xã đã chuyển đơn khiếu nại của dân lên huyện, hỏi huyện thì bảo đã báo cáo lên tỉnh, tỉnh hứa sẽ tập trung giải quyết. Vậy mà hai năm nay, tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, mùa mưa nước hôi thối dềnh lên mặt vườn, tràn vào giếng ăn, làm cây trồng chết hàng loạt, người dân lội nước như đang lội phải… axít”.

Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, tại Đồng Nai, các khu công nghiệp (KCN) như Nhơn Trạch, Gò Dầu, Công ty cổ phần Vedan Việt Nam, nước thải có lượng BOD (hàm lượng ôxy hoá sinh), COD (hàm lượng ôxy hoá học), tổng chất rắn lơ lửng và vi khuẩn Coliform đều vượt quá mức cho phép. Đặc biệt, Coliform vượt 39 đến 430 lần. Ông Nguyễn Hoàng Hùng, Trưởng phòng Môi trường (Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai) thừa nhận: “Ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang ở mức báo động. Bên cạnh đó, công tác xử lý ô nhiễm tại các KCN lại chưa theo kịp tốc độ phát triển chung của toàn tỉnh, gây nên tình trạng mất cân đối giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường”. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu không khắc phục kịp thời thì đến năm 2050, toàn bộ sông Thị Vải dài 76km (có đoạn chảy qua Đồng Nai) sẽ bị huỷ diệt.

Đây có lẽ cũng là tình trạng chung của nhiều KCN. Đến nay, cả nước có hơn 20.000 doanh nghiệp công nghiệp và hơn 130 KCN, khu chế xuất (KCX). Nhiều nhà máy vẫn dùng công nghệ cũ, lạc hậu, không có hệ thống xử lý chất thải. ô nhiễm nước do sản xuất công nghiệp là rất nặng nề, có KCN thải ra 500.000m3 nước chưa qua xử lý /ngày. Theo Sở Tài nguyên – Môi trường Đồng Nai, trong số 17 KCN được Chính phủ phê duyệt, chỉ có 3 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung là Biên Hoà 2, Amata, Loteco. Phần lớn các KCN khác chưa có khu xử lý nước thải, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước mặt các dòng sông trong khu vực. Tại TP. Hồ Chí Minh, các nhà máy có hệ thống xử lý nước thải rất ít, do đó tình trạng ô nhiễm đang ở mức báo động. KCN Tân Tạo có 42 nhà máy nhưng chỉ 20 nhà máy có hệ thống xử lý nước thải; KCN Tân Bình có 11/24 nhà máy có hệ thống xử lý nước thải.

Ô nhiễm môi trường do hoá chất độc hại từ các KCN, nhà máy, cơ sở sản xuất, khói bụi tại các đô thị đang được xem là một trong những nguyên nhân gây nên căn bệnh ung thư ngày càng nhiều. Tại khu vực xã Thạch Sơn (Lâm Thao – Phú Thọ) nằm trong khu công nghiệp Lâm Thao, môi trường không khí bị ô nhiễm chủ yếu là bụi hô hấp (0,05 – 0,58mg/m3), khí HF (0,0115 – 0,318mg/m3), vượt nồng độ tối đa cho phép 2, 5 đến 64 lần. Môi trường nước ăn uống, sinh hoạt của người dân bị nhiễm axit (pH 6,47 – 3,41, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép); hàm lượng amôniắc 4,22 – 6,44mg/lít, vượt 4 lần giới hạn tiêu chuẩn. Từ năm 1991 đến năm 2005, xã Thạch Sơn có 106 người bị ung thư, chiếm 34,86% tổng số trường hợp tử vong.

Giáo dục cộng đồng, yếu tố tiên quyết

Môi trường tại nhiều KCN, KCX vẫn đang tiếp tục xuống cấp, nhiều nơi ô nhiễm ở mức báo động. Nguyên nhân cơ bản là lãnh đạo một số KCN, KCX chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ bảo vệ môi trường và các tác động về mặt xã hội, chưa xác định rõ tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển sản xuất. Đơn cử như Chương trình di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm của TP. Hồ Chí Minh đã được phát động từ năm 2003, đến cuối năm 2006 là thời hạn cuối cùng nhưng đến nay (tháng 4/2007) vẫn còn không ít các doanh nghiệp thuộc diện “đại gia” chưa chịu di dời. Theo ông Tần Xuân Bảo, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, trên địa bàn quận có 44 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong danh sách phải di dời. Đến nay đã có 33/44 cơ sở di dời, còn lại 11 doanh nghiệp chưa chịu đi, chủ yếu là các “đại gia” như sơn Bạch Tuyết, dệt may Gia Định, Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), Nam Phong… Chỉ tính riêng Công ty Nam Phong, mỗi đêm giết mổ gần 2.000 con heo, toàn bộ chất phế thải đều đổ thẳng ra sông Sài Gòn.

Ông Trần Duy Bảo, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường cho rằng, khuôn khổ pháp lý còn thiếu đồng bộ, năng lực quản lý về bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu, đầu tư cho bảo vệ môi trường còn thấp là những lý do khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Các nhà tài trợ đều đánh giá Việt Nam có bộ luật khung về môi trường khá tốt nhưng chế tài xử phạt và thực thi lại yếu kém. ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh, bức xúc: “Từ trước đến nay, tôi chưa thấy một nhà máy gây ô nhiễm nào bị đóng cửa”. Xử phạt không nghiêm, mức phạt thấp, điều này giải thích vì sao hàng loạt KCN, cơ sở sản xuất dù đã qua khâu thẩm định nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường.

Gần đây, đã có một số động thái tích cực của các địa phương khiến cho nhiều người hy vọng ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ dần được hạn chế. Tại Hải Phòng, UBND thành phố đã phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn về tác hại của ô nhiễm môi trường do sản xuất cho các doanh nghiệp, trên cơ sở đó nâng cao nhận thức của họ. Tỉnh Phú Thọ lại có “sáng kiến”, chỉ cấp giấy phép đầu tư cho những doanh nghiệp cam kết xử lý ô nhiễm môi trường khi sản xuất. Ngay khi doanh nghiệp muốn đầu tư vào các khu công nghiệp, tỉnh sẽ nghiên cứu và thẩm định công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, nếu đảm bảo mới cấp giấy phép đầu tư.

Theo ông Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường), muốn tránh được những tác động tiêu cực của phát triển công nghiệp đối với môi trường và sức khoẻ con người, các ngành chức năng cần tăng cường nhận thức cho các chủ doanh nghiệp, nhà quản lý; cần nghiên cứu sâu hơn về ô nhiễm môi trường và những tác hại của nó; xây dựng hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm những tác động của ô nhiễm môi trường tới sức khoẻ con người; cần có những quy định, chế tài cụ thể để xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm… Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, sắp tới, nếu các nhà máy, xí nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải thì không cho hoạt động. Những tác hại của chất thải công nghiệp đến môi trường và sức khoẻ con người có thể kéo dài qua nhiều thế hệ, không thể biết trong ngày một ngày hai, nếu doanh nghiệp nào cũng có ý thức bảo vệ môi trường thì mới có một sự phát triển bền vững đúng nghĩa.