Châu Á bị ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu

Trong báo cáo công bố mới đây, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) đã cảnh báo biến đổi khí hậu có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nước và lương thực đối với hơn 130 triệu người Châu Á vào năm 2050, trừ khi có những hành động khẩn cấp toàn cầu.

Chủ tịch Tiểu ban khí hậu LHQ, đồng thời phụ trách Viện Tài nguyên và Năng lượng của Ấn Độ, Rajendra Pachauri cho biết khí hậu ấm lên toàn cầu cũng có nghĩa là châu Á sẽ có ít mưa hơn, làm tác động đến sản xuất nông nghiệp và dẫn đến tình trạng thiếu nước và lương thực. Gần 100 triệu người ở châu Á phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt do mực nước biển sẽ tăng từ 1 mm đến 3 mm mỗi năm, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu. Tính đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển sẽ cao hơn khoảng 40 cm so với hiện nay và số người hàng năm bị ngập lụt ở các vùng duyên hải sẽ tăng từ 13 triệu lên 94 triệu ở châu Á. Trong số đó có khoảng 60 triệu người ở Nam Á, dọc theo đường bờ biển từ Pakistan, Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar.

Mực nước biển dâng lên có thể nhấn chìm nhiều vùng rộng lớn, nơi ở của hàng triệu người sống ở các khu vực thấp ở Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong khi đó, khan hiếm nước ngọt lại trở nên thường xuyên hơn ở một số nước châu Á do biến đổi khí hậu đã làm thu hẹp các dòng sông băng ở dãy Himalayas. Riêng ở Trung Quốc, cũng có tới 250 triệu người bị ảnh hưởng, nhất là những người phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp nước từ các sông băng. Còn ở Ấn Độ, nơi có tới 70% lực lượng lao động phụ thuộc vào nông nghiệp, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và làn sóng di cư từ nông thôn sẽ tiếp tục gây thêm gánh nặng cho các thành phố và đô thị.

Hạn hán và lũ lụt sẽ có thể gia tăng ở Australia và New Zealand vào năm 2030. Nhiệt độ gia tăng thêm 2 độ C có thể làm giảm sản lượng lúa nước ở Trung Quốc từ 5% đến 12%. Ở Bangladesh, sản lượng thóc gạo cũng có thể giảm thêm 10% và sản lượng lúa mỳ giảm 30% vào năm 2050.

Chủ tịch Pachauri cho biết, năng suất lúa mỳ trung bình của Ấn Độ hiện nay khoảng 2,6 tấn/hécta. Nếu nhiệt độ vào mùa đông tăng thêm khoảng 0,5 độ C thì sản lượng lúa mỳ giảm thêm 0,45 tấn/hécta.

Theo báo cáo của IPCC, cho dù mọi nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ được tiến hành, nhưng việc giảm ngay lượng khí thải như dự đoán cũng chưa thể bù đắp nổi những tác động do sự biến đổi khí hậu cho đến ít nhất là năm 2040.

IPCC kêu gọi thực hiện ngay một loạt các biện pháp thích nghi như hạn chế xây dựng các tòa nhà mới ở các khu vực duyên hải đang có nguy cơ bị đe dọa, xây dựng các hành lang môi trường an toàn, cải thiện việc bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó, cần phải chú trọng thường xuyên đến việc hoạch định các chính sách phát triển bền vững đối với việc thay đổi khí hậu, cải thiện các hệ thống phân phối thực phẩm công cộng, phòng chống thảm họa thiên nhiên, nâng cấp các hệ thống chăm sóc sức khỏe để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương ở các nước đang phát triển.

Mới đây, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định cử một nhóm chuyên gia để nghiên cứu những tác động của biến đổi khí hậu đối với đất nước và hoạch định một số biện pháp cần thiết để ứng phó. Tại Australia, để hạn chế thiệt hại do khí hậu trái đất thay đổi gây ra, Chính phủ Liên bang nước này đã cho xúc tiến một dự án lập bản đồ kỹ thuật số khổng lồ về toàn bộ các vùng duyên hải để xác định những cộng đồng có nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển ngày càng dâng cao và nghiên cứu đề ra các giải pháp.