Nguồn nước gieo mầm hiểm hoạ

ThienNhien.Net-Tại xã Sơn Tây – huyện Hương Sơn – tỉnh Hà Tĩnh, tồn tại những giếng nước nhiễm xăng, có khả năng bốc cháy khi tiếp xúc với lửa. Người dân nơi đây đang phải sống trong tâm lý hoang mang, sợ hãi. Giếng nhiễm xăng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.

Ông Quế dẫn chúng tôi ra giếng nước phía sau nhà ông, nơi đã từng xảy ra một vụ nổ kỳ lạ, khủng khiếp nhất mà ông đã chứng kiến. Cái giếng nước sâu 10m ấy đã nổ bùng và bốc cháy dữ dội khi ông đốt đuốc đưa ra miệng giếng để kiểm tra nước.

Rồi ông lại vùi lấp cái giếng, công việc này đã được ông làm chí ít cũng vài ba lần rồi. Cứ đào xong lại lấp xuống. Cuối cùng, ông quyết định cho cả nhà ăn nước sông. Ông kể, ở xóm Cây Tắt (xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) có trên 50 giếng bị vùi lấp như thế. Gần 20 hộ dân đang phải “sống trong sợ hãi”. Họ hoang mang lo lắng khi hay tin nước vùng này bị nhiễm xăng nghiêm trọng.

Giếng nước bốc cháy

Con đường đất vào các hộ dân xóm Cây Tắt vòng vo, khấp khiểng, và điều lạ là nhà dân thì ở tít trên lưng núi, còn giếng nước thì ở dưới mé đường. Hỏi ra mới biết người dân ở đây đã đào giếng tứ tung quanh nhà và cuối cùng họ dời giếng xuống đường. Việc di chuyển giếng nước liên tục không phải do bói toán, chọn hướng đặt giếng để làm ăn phát đạt, con cái khoẻ mạnh, cũng không phải để tìm đúng mạch nước ngầm ẩn sâu dưới lòng đất mà do nước ở đây bị nhiễm xăng. Ơ xóm Cây Tắt có một cụm dân cư hơn 30 hộ, mà trong đó gần 2/3 số hộ dân đang phải tất tưởi đi tìm nước ăn. Gia đình nào cũng thử tìm vận may bằng cách đào giếng ba, bốn lần để mong bắt được nguồn nước không nhiễm xăng để dùng. Ấy vậy mà trong mấy năm qua, vận may vẫn không mỉm cười với họ. Một số hộ dân gần sông Ngàn Phố như nhà ông Quế, bác Chính đã đào giếng đến chán nản và rồi họ quay sang dùng nước sông bằng cách kéo máy bơm ra tận bờ sông bơm nước về nhà và lọc qua mấy lớp cát sỏi, như thế là dùng. Có những hộ như nhà chị Thanh, anh Đình thì đi tìm nước tận trong khe núi. Và cũng có những hộ phải dùng ngay nước nhiễm xăng như nhà anh Thắng, anh Chiến…

Chúng tôi theo ông Quế đi xem mấy giếng nước bị nhiễm xăng. Qua nhà chị Nguyễn Thị Vượng, đến gần giếng nước, mùi xăng đã phảng phất, nhìn xuống giếng thấy mặt nước bị phủ kín một lớp váng màu vàng sẫm. Khi múc nước lên, màu nước vẫn trong vắt nhưng để một lúc thì váng nước lại xuất hiện và mùi xăng nồng nặc, khiến chúng tôi choáng váng. Gia đình anh Thắng cũng đã phải dùng nước nhiễm xăng trong một thời gian dài. Những lúc rửa chè xanh, rửa lá chuối hay rau muống thì nước đen như mực, còn rửa bằng nước sạch không nhiễm xăng thì nước không hề bị chuyển màu như thế. Lấy nước đó đun sôi để nguội hay dùng để nấu cơm thì mùi xăng nồng nặc đến buồn nôn.

Vụ nổ giếng nước ăn nhà ông Quế vào cuối năm 2005 đã làm cho bà con trong vùng hoang mang. Đến bây giờ, khi kể lại vụ nổ đó ông vẫn chưa hết bàng hoàng: “Đó là cái giếng thứ ba tôi đào, sâu 10m, lúc đào xong lấy nước dùng thì thấy nước rất trong, không có mùi gì cả. Dùng một thời gian nghe chừng ổn tôi đã mừng thầm. Như vậy là từ nay không còn cái cảnh cha con chật vật đi tìm nước sinh hoạt nữa. Nhưng có ai ngờ rằng, khoảng một năm sau nước bỗng nhiên có mùi rất lạ. Lúc đó tôi chỉ nghĩ chắc là có ai ghen ăn tức ở, bỏ cái gì đó vào giếng nhà mình. Tôi quyết định khảo lại cái giếng cho an toàn. Nhưng nào ngờ vừa đưa đuốc ra thành giếng để kiểm tra thì nổ phụp một cái rồi bốc cháy từ dưới giếng như một ngọn đuốc. Sau vụ đó một số hộ dân trong xóm thử múc nước lên, lắng lọc một lúc rồi đốt thì thấy nước bén lửa cháy”.

Xăng tràn ngập cánh đồng

Được biết đã có một đơn vị xăng dầu quân đội đóng ở đây trước khi cụm dân cư này hình thành. Hoạt động được một thời gian thì đơn vị này chuyển vào Nam. Chúng tôi tìm đến nhà ông Mai Thanh Thảo, một cán bộ trực tiếp làm ở đơn vị này, nay đã nghỉ hưu, để tìm hiểu rõ hơn. Ông Thảo cho biết: “Năm 1976, Tiểu đoàn 350 thuộc Trung đoàn 662 của Cục Xăng dầu – Tổng cục Hậu cần đã về đóng quân ở đây, với nhiệm vụ trung chuyển xăng dầu sang nước bạn Lào. Trong năm 1976, hệ thống đường ống, bể chứa xăng dầu đã được lắp đặt. Sang năm 1977 thì bắt đầu có xăng và vận chuyển sang Lào. Trong quá trình vận hành, thấy lượng xăng hao hụt khá nhiều ở cụm xăng số 2 (nay là xóm Cây Tắt), chúng tôi cho công nhân đào đường ống để kiểm tra thì thấy xăng bị rò rỉ từ các khớp nối. Một lượng xăng lớn bị rò rỉ trong quãng thời gian dài đã thấm dần qua các lớp đất rồi nhiễm vào nguồn nước ngầm”. Đây cũng chỉ là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nguồn nước ở đây bị nhiễm xăng.

Cũng theo ông Thảo, tại cụm xăng số 2, trong một lần nhận hàng vào buổi tối, do anh em làm việc cả ngày mệt mỏi và ngủ thiếp đi lúc nào không biết nên quên không kiểm tra bể chứa xăng, do vậy xăng đã tràn bể chứa, toàn bộ lượng xăng bị tràn lênh láng khắp cánh đồng. Nhiều hố bom, ao trũng cũng bị chìm trong biển xăng, cá tôm chết nổi lềnh bềnh. Sau đó anh em phải lấy xô chậu đi múc xăng nhưng cũng không lấy được là bao. Số lượng lớn xăng tràn lúc bấy giờ cũng không được xử lý gì, cứ để thế rồi nó từ từ ngấm xuống đất. Một thời gian sau, lúa và cây hoa màu không thể trồng trên những thửa ruộng ngập xăng kia. Đến năm 1994, đơn vị xăng dầu đóng ở đây chuyển vào Nha Trang hoạt động. Năm 1995, nhiều hộ dân đến sinh sống ngay trên khu vực chứa xăng của đơn vị xăng dầu. Tôi đã khẳng định chắc chắn nguồn nước ở đây bị nhiễm xăng nặng, không thể dùng được và quả đúng như thế thật. Người dân đào không biết bao nhiêu giếng nước ăn nhưng nước đều bị nhiễm xăng hết.

Biết là nguồn nước bị nhiễm xăng, nhưng người dân buộc phải sử dụng bởi vì đó là nguồn nước duy nhất được cho là sạch. Sạch bởi vì nó vẫn trong, dùng mà không bị phát bệnh ngay tức khắc là được rồi. Chỉ duy có một điều mùi xăng nồng nặc, để lâu thì đóng váng. Mùi xăng hoà lẫn vào cơm, canh, thức ăn. Nhưng biết làm sao được, phải nhắm mắt, bịt mũi mà dùng thôi. Đã từng có trường hợp phụ nữ mang thai, sắp sinh thì lại bị sẩy như trường hợp của chị Phan Thị Hoàn, Tô Thị Hồng. Những đứa trẻ ở cụm dân cư này hầu hết đều gầy yếu, còm nhom, tóc dựng đứng, da xanh như tàu lá chuối. Người dân có triệu chứng đau đầu, chóng mặt và ốm đau thường xuyên. Tất cả những biểu hiện đó họ cho là do dùng nước bị nhiễm xăng(?).

Trên biết, nhưng… bất lực

Theo ông Phan Xuân Bính – đại biểu HĐND xã, xóm trưởng xóm Cây Tắt, thì ông đã kiến nghị vấn đề này lên xã hai năm liên tục. Nhưng tính đến thời điểm này, chưa có một cơ quan tổ chức nào đến kiểm tra, giải quyết. Mặc dù trong văn bản trả lời tiếp xúc cử tri, HĐND xã trả lời rằng: “Chúng tôi tiếp thu ý kiến trên và sẽ đề nghị lên các cấp có thẩm quyền để giải quyết”. Vậy mà trong hai năm qua, không hiểu vấn đề nước nhiễm xăng của các hộ dân xóm Cây Tắt được xã đề nghị đến cấp nào rồi(?!).

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiến – Chủ tịch xã Sơn Tây, ông cho biết: “Hiện nay xã chưa có phương hướng giải quyết. Cuối tháng 12/2006, chúng tôi có báo cáo miệng lên Phòng Tài nguyên – Môi trường, nhưng họ cũng bất lực vì phương tiện, máy móc thăm dò không có nên không biết phải xử lý như thế nào. Chúng tôi có nghĩ đến mấy giải pháp nhưng đều bất khả thi. Một là lắp đường ống dẫn nước từ nguồn khe tự nhiên về, nhưng không thể vì không có nước. Hai là làm nhà máy nước sạch, nhưng không có kinh phí. Ba là di dời dân đi nơi khác thì lại càng không thể, vì làm rất rắc rối, đất đai không có, kinh phí di dời các hộ dân cũng rất phức tạp. Bây giờ chỉ có một giải pháp khả thi nhất, đó là người dân chịu khó đi vào sâu mấy trăm mét qua đoạn bị nhiễm xăng rồi đào giếng lấy nước về dùng. Chỉ có thế thì vấn đề khan hiếm nước sạch của người dân mới có thể khắc phục được”.

Như vậy quanh đi quẩn lại, ý kiến của ông xã vẫn là dân tự giải quyết lấy. Đó là giải pháp tối ưu. Theo ông Tiến thì xã không xử lý được, và ông biết chắc là huyện cũng không xử lý được, nên đơn thư kiến nghị của người dân suốt mấy năm qua xã chưa hề gửi cho huyện, đồng thời xã cũng chưa hề có công văn gì gửi lên cấp huyện. Rốt cuộc, nói như ông Bính – xóm trưởng xóm Cây Tắt thì người dân ở đây đang chết dần chết mòn.