Công lý môi trường: Khái niệm và các vấn đề liên quan

ThienNhien.Net – Trong 2 thập kỉ vừa qua, khái niệm “công lý môi trường” (environmental justice) đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Đã có những bước tiến đáng kể trong vấn đề này khi người ta đã bước đầu tập trung vào những tác động xấu của ô nhiễm môi trường với cộng đồng người nghèo và cộng đồng người da màu ở Mỹ. Những tác động này cũng như nguyên nhân của chúng đang là vấn đề gây tranh cãi. Những mối quan ngại ngày càng gia tăng về công lý môi trường dẫn đến sự ra đời của các nghiên cứu khoa học mới và những sáng kiến mới trong các chính sách.

Tác động tiêu cực của điều kiện môi trường (như ô nhiễm môi trường) là một vấn đề chính yếu nhưng không phải là duy nhất trong khái niệm công lý môi trường. Hàng loạt những khái niệm về công lý môi trường hiện đang được sử dụng, phần lớn trong số chúng bao hàm rất nhiều vấn đề. Cũng thật quan trọng khi nhận thấy rằng nội dung của công lý môi trường sâu rộng hơn rất nhiều so với những thông tin do Scorecard (www.scorecard.org) đưa ra.

Hội nghị cấp cao những nhà lãnh đạo môi trường của cộng đồng người da màu năm 1991 đã đưa ra những nguyên tắc về công lý môi trường bao gồm rất nhiều chủ đề. Công lý môi trường được định nghĩa theo chiều rộng là “theo đuổi công lý bình đẳng và được bảo vệ công bằng trên cơ sở các quy tắc và đạo luật về môi trường mà không có sự phân biệt đối xử về chủng tộc, dân tộc và/hoặc địa vị kinh tế xã hội”. Công lý môi trường là 1 trong 4 vấn đề trong nguyên tắc này, gồm cả bình đẳng trong môi trường, phân biệt chủng tộc trong môi trường, và phân biệt giai cấp môi trường.

Định nghĩa công lý môi trường do Cục Bảo vệ môi trường Mỹ đưa ra tập trung chủ yếu vào “bất bình đẳng trong chia sẻ những hậu quả môi trường” vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi “các hoạt động công nghiệp, hoạt động của đô thị và hoạt động thương mại” hoặc chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi cách thức hoạt động của “các chương trình và chính sách của quốc gia, bang, địa phương và bộ lạc”. Định nghĩa của Hiệp hội các Thống đốc Mỹ đặc biệt tập trung vào việc “bảo vệ những người thu nhập thấp và người thiểu số khỏi bất bình đẳng trong phân chia ô nhiễm”. Hội đồng quản lý của Tổ chức Phòng thủ Môi trường (Environmental Defence), cơ quan ủng hộ Scorecard, đã ủng hộ Tuyên bố về Chính sách Công lý Môi trường.

Công lý môi trường là một khái niệm được đưa ra theo cách kết hợp vấn đề sức khoẻ thể chất và xã hội với phân phối lợi ích và gánh nặng môi trường giữa các quốc gia, đặc biệt là trong những vùng dân tộc thiểu số hay vùng chịu nhiều thiệt thòi mà môi trường ở đây đang bị suy giảm hoặc bị đe doạ.

Định nghĩa về “sức khoẻ” do uỷ ban thuộc Học viện Tổ chức Y tế thế giới (1986) là “trạng thái tốt về mọi mặt thể chất, tinh thần, xã hội và không chỉ là không có bệnh tật hay ốm đau”. Dù sức khoẻ cá nhân con người là quan trọng, báo cáo này lại tập trung nhiều vào cái gọi là những cộng đồng cần được lưu tâm. “Cộng đồng” có nghĩa là một nhóm người sống, thường xuyên làm việc trong những vùng hoặc khu vực nhất định. Theo báo cáo này, cụm từ “cộng đồng cần được lưu tâm” là những cộng đồng đang chịu hoặc sắp chịu tác động của những nhân tố ảnh hưởng xấu đến môi trường ở mức độ cao. Báo cáo sử dụng thuật “nhân tố” để miêu tả những yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ con người như chất hoá học, sinh học, chất gây dị ứng, chất độc và cả ánh sáng, tiếng động, mùi, và các vật chất đặc biệt khác. Cộng đồng cần được lưu tâm có đặc điểm là tiếp cận hạn chế với y tế, giáo dục, không có quyền dân chủ trong chính trị , địa vị xã hội thấp và thường là nhóm dân tộc thiểu số. Theo quan điểm về sức khoẻ cộng đồng có liên quan đến triển vọng sức khoẻ cộng đồng được đưa ra trong báo cáo năm 1998 của Uỷ ban nghiên cứu sức khoẻ cộng đồng của Viện Y học Mỹ thì “nỗ lực của các cộng đồng có tổ chức là nhằm ngăn ngừa bệnh tật và nâng cao sức khoẻ cộng đồng”.

Uỷ ban này cũng định nghĩa “môi trường” bao gồm tất cả những nơi mà con người sống, làm việc và giải trí. Định nghĩa này nhấn mạnh mối quan hệ thường bị xem nhẹ giữa môi trường và sức khoẻ nghề nghiệp. “Sức khoẻ môi trường” được định nghĩa trong báo cáo trước của Viện Y học Mỹ là “không bị đau ốm hay thương tổn liên quan đến những nhân tố gây hại hay những điều kiện môi trường có nguy cơ gây hại cho sức khoẻ con người”. An toàn và sức khoẻ nghề nghiệp hướng vào những điều kiện môi trường nơi làm việc. Nghiên cứu cho thấy những công nhân thiểu số và có thu nhập thấp đang phải làm những việc tiếp xúc ở mức độ cao với những yếu tố có hại cho sức khoẻ và những bệnh nghề nghiệp xảy ra trong những nhóm công nhân này có tỉ lệ đặc biệt cao, mối quan hệ giữa sức khoẻ môi trường hay sức khoẻ nghề nghiệp với vấn đề công lý môi trường đang trở nên bức thiết. Cuối cùng, Uỷ ban này cũng đưa ra định nghĩa về “y tế môi trường” là “chẩn đoán và chăm sóc những người tiếp xúc với chất độc hại tại gia đình, cộng đồng, và nơi làm việc”.

Ba quy tắc trong việc đưa ra vấn đề công lý môi trường dành cho các Nghiên cứu về môi trường:

1. Cải thiện các cơ sở khoa học: Các nghiên cứu cần nhận biết và xác minh những nguyên nhân môi trường của các căn bệnh và cần công nhận những phương pháp nghiên cứu mới.

2. Kêu gọi công chúng tham gia: Công dân trong những khu vực chịu ảnh hưởng của môi trường trong những cộng đồng có nguy cơ cần được chủ động mời tham gia vào việc lập kế hoạch và thực hiện các dự án nghiên cứu.

3. Đưa thông tin đến mọi người: Các nhà nghiên cứu cần cởi mở, có mối quan hệ giao tiếp 2 chiều với những cộng đồng có nguy cơ liên quan đến cách thức và kết quả của hoạt động nghiên cứu.