Các khu vực ven biển chịu rủi ro cao nhất do lốc xoáy và nước biển dâng cao

ThienNhien.Net – Nghiên cứu đầu tiên trên thế giới nhằm xác định các nhóm dân cư chịu rủi ro cao nhất do hiện tượng mực nước biển dâng cao và các cơn lốc xoáy mạnh cho thấy có mối liên hệ giữa các hiện tượng nêu trên với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nghiên cứu cho thấy có 634 triệu người – tương đương 1/10 dân số thế giới – đang sống tại các vùng duyên hải trong độ cao khoảng 10 mét trên mực nước biển. Theo đó, cần có những hành động nhằm kiếm soát các tác động của biến đổi khí hậu để giúp đỡ người dân di cư khỏi những nơi mang tính rủi ro cao và thay đổi mô hình định cư tại các vùng đô thị nhằm giảm bớt khả năng tổn thất. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cảnh báo rằng, giải pháp này đòi hỏi các quy định có tính pháp lý kiên quyết và các hành động khuyến khích cụ thể, điều đó phụ thuộc vào sự sẵn sàng hỗ trợ về mặt chính trị cũng như nguồn vốn và việc gây quỹ từ khu vực tư nhân.

Nghiên cứu nói trên do ông Gordon McGranahan thuộc Viện Môi trường và Phát triển quốc tế (*) tại Anh cùng các cộng sự là Deborah Balk và Bridget Anderson (Đại học New York và Đại học Columbia) thực hiện.

Các phát hiện chính của nghiên cứu:

– Gần 2/3 các khu dân cư đô thị với dân số hơn 5 triệu người sống tại các khu vực cao hơn mực nước biển 0 – 10 mét.

– Tính trung bình, 14% dân số thế giới sống ở các nước kém phát triển nhất hiện đang sinh sống tại các vùng có mức độ rủi ro cao (so với 10% dân số tại các nước có trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế – OECD).

– 21% dân số đô thị tại các nước kém phát triển nhất thế giới sống tại các vùng có mức độ rủi ro cao (11% tại các nước thuộc OECD).

– Khoảng 75% dân số sinh sống trong các vùng có mức độ rủi ro cao thuộc châu Á.

– 21 nước có hơn một nửa số dân sinh sống trong vùng có mức độ rủi ro cao (16 nước là các quốc đảo nhỏ).

– Các nước nghèo – và các cộng đồng nghèo tại các nước nghèo – là đối tượng chịu rủi ro cao nhất.

Con người đang di chuyển dần ra phía biển, phía của rủi ro đang chờ đợi, điển hình như tại Trung Quốc và đó cũng là xu hướng chung của toàn thế giới. Tại Bangladesh, có hơn 40% dân số sinh sống tại các vùng duyên hải, những nơi có độ cao không quá 10 mét trên mực nước biển. Theo ông McGranahan: “sự phát triển đô thị tại các vùng duyên hải tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Điều đó đặt con người ngay trước các thảm họa thiên nhiên gắn liền với biển như bão tố, lụt lội và lốc xoáy. Nó có thể tàn phá toàn bộ các hệ sinh thái nhạy cảm như rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển”. Hơn nữa, cứ 10 người thì có 1 người và mỗi 1 người trong số 8 người dân đô thị đang sống tại các vùng duyên hải chỉ cao hơn mực nước biển không quá 10 mét, và số người này vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Kinh tế Trung Quốc bùng nổ là nhờ có các chính sách khuyến khích sự phát triển của các vùng duyên hải, những chính sách đã thúc đẩy một xu thế và luồng di dân ra các vùng ven biển lớn nhất trong lịch sử. Nghiên cứu cho biết, nếu không có hành động thiết thực nào được tiến hành thì những thành tựu to lớn của nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được sẽ bị đặt trước rủi ro lớn.

Từ năm 1994 đến năm 2004, có khoảng 1/3 trong số 1.562 thảm họa lụt lội, một nửa trong số 12000 người bị chết và 98% trong số 2 triệu người chịu tác động do lụt lội gây ra là ở Châu Á.

10 nước có số dân đông nhất tập trung tại các vùng duyên hải có độ cao không quá 10 mét so với mực nước biển là Trung Quốc – 143.888.000, Ấn Độ – 63.188.000, Bangladesh – 62.524.000, Việt Nam – 43.051.000, Indonesia – 41.610.000, Nhật Bản – 30.477.000, Ai Cập – 25.655.000, Mỹ – 22.859.000, Thái Lan – 16.468.000 và Philipin – 13.329.000.

10 nước có tỷ lệ dân số lớn nhất sinh sống tại các vùng có độ cao không quá 10 mét so với mực nước biển là: Bahamas (88%); Suriname (76%); Hà Lan(74%); Việt Nam (55%); Guyana (55%); Bangladesh (46%); Djibouti (41%); Belize (40%); Ai Cập (38%); và Gambia (38%). 

Một báo cáo mới đây của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã cảnh báo rằng mực nước biển sẽ có thể dâng cao hàng chục mét trong thế kỷ này, dẫn tới việc các vùng duyên hải càng trở nên nhạy cảm hơn trước ảnh hưởng của bão lốc và lụt lội. Ủy ban này cũng dự đoán về nguy cơ tiềm ẩn của những cơn lốc xoáy nhiệt đới với sức tàn phá, hủy diệt khủng khiếp (bão nhiệt đới và các trận cuồng phong).

Theo lời đồng tác giả Debora Balk, Viện nghiên cứu dân số học (New York) thì “IPCC đã nắm rõ được các vùng duyên hải có mật độ dân số rất cao nhưng họ vẫn chưa thấy rõ mối quan hệ giữa vấn đề đó và sự đô thị hóa, và mối quan hệ mật thiết giữa việc xảy ra các thảm họa liên quan tới biển và sự thích ứng với hiện tượng biến đổi khí hậu”.

3M : Giảm thiểu – Di cư – Điều chỉnh

Nghiên cứu mới này nhấn mạnh tầm quan trọng của 3M (Mitigation – Migration – Modification) là Giảm thiểu – Di cư – Điều chỉnh.

McGranahan cho rằng: “Đã quá muộn để giải quyết vấn đề chỉ dựa vào sự cắt giảm phát thải các khí nhà kính nhằm giảm nhẹ sự biến đổi khí hậu, mặc dù đây vẫn là vấn đề cấp bách. Việc di cư ra khỏi các vùng có nguy cơ rủi ro cao sẽ là rất cần thiết nhưng rất tốn kém và khó thực hiện, chính vì vậy sự phát triển tại các vùng duyên hải rất cần có những sự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với việc bảo đảm an toàn cho người dân”.

Bà Bridget Anderson, hỗ trợ nghiên cứu tại trung tâm mạng lưới thông tin về khoa học trái đất toàn cầu (Đại học Columbia) bổ sung: “trong số hơn 180 quốc gia có dân số sinh sống tại các vùng đất thấp ven biển, có 130 nước – chiếm khoảng 70% – có đô thị lớn nhất tại vùng duyên hải có nguy cơ rủi ro rất cao. Hơn nữa, các thành phố lớn trên thế giới – có hơn 5 triệu dân – trung bình có khoảng 1/5 dân số và 1/6 diện tích thuộc vùng ven biển có nguy cơ chịu rủi ro cao”.

Rất nhiều nước có phần đông dân số sống tập trung tại vùng đất thấp, chỉ cao hơn mực nước biển 0 – 10 mét, bao gồm các nước châu Á lớn với dân số tập trung cao tại các đồng bằng châu thổ sông, rất nhiều nước khác có tỷ lệ dân số lớn sinh sống tại các vùng hải đảo.

Theo nghiên cứu được đưa ra, hiện tượng biến đổi khí hậu không phải là thảm họa thiên nhiên mà là hiện tượng chủ yếu do sự phát thải các loại khí nhà kính với lượng lớn từ các nước công nghiệp phát triển giàu có trong quá trình công nghiệp hóa của mình. Tuy nhiên, những nước nghèo nhất vốn tham gia lượng phát thải khí nhà kính rất ít lại nhạy cảm nhất với những tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, những nhà lãnh đạo của các nước giàu có cần phải giúp đỡ các nước nghèo đối phó với những biến đổi khí hậu trong tương lai.


(*) Chú thích :
Viện Môi trường và Phát triển quốc tế (IIED) là một viện nghiên cứu độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập năm 1971 và có trụ sở đặt tại London. IIED cung cấp ý kiến của giới chuyên môn và các nhà lãnh đạo trong việc nghiên cứu và đạt được hiệu quả phát triển bền vững. Xem tại: http://www.iied.org).