Hồ Gươm hiện đang đứng trước nguy cơ mất dần màu xanh lục huyền ảo và ngày càng bị “lam hóa” vì sự phát triển mạnh mẽ của loài tảo lam.
Gs. TSKH. Dương Đức Tiến, thuộc Trường Đại học Quốc gia cho biết: “Xưa kia, hồ có tên là Lục Thuỷ vì nước hồ xanh suốt bốn mùa do tảo lục chiếm đa số”. Cùng với đà phát triển kinh tế và dân số của thành phố Hà Nội, Hồ Gươm cũng đã phải gánh một lượng nước thải sinh hoạt lớn làm hàm lượng chất có chứa nitơ và phốt pho trong nước hồ tăng cao dẫn tới hiện tượng hồ bị phú dưỡng, tạo sự thuận lợi cho tảo lam (Cyanophyta) hay còn gọi là vi khuẩn lam (Cyanobacteria) bùng phát khiến nước hồ chuyển sang màu xanh lam. Sự phát triển mạnh mẽ của một số loài tảo lam thuộc chi Microcystis, tạo thành những váng nổi lớn che kín mặt một góc hồ (hiện tượng nở hoa). Thời điểm dễ nhận thấy nhất là vào mùa hè khi nhiệt độ cao. Kết thúc sự nở hoa, tảo lam chết hàng loạt, hình thành các khí NH3 và H2S làm hại đến các thuỷ sinh vật và gây mùi hôi xung quanh khu vực hồ.
Để giải quyết vấn nạn tảo lam ở Hồ Gươm cũng như ở nhiều hồ khác của Hà Nội, bên cạnh việc hạn chế tối đa nguồn nước thải sinh hoạt chảy vào hồ, cần áp dụng những giải pháp kìm hãm sự phát triển của các loài tảo độc. Hiện trên thế giới có rất nhiều các phương pháp tiêu diệt các loài tảo độc như phương pháp hoá học (như dùng sun-phát đồng hoặc clo), phương pháp vật lý (như sóng siêu âm, lọc than hoạt tính)… Tuy nhiên, phần lớn các nhà khoa học Việt Nam đều thiên về phương pháp an toàn và thân thiện với môi trường như Cạnh tranh sinh học và Ức chế sinh học trong tự nhiên.
Cạnh tranh sinh học là trồng các loại cây thuỷ sinh như rong, tóc tiên, rau đuôi chó, sậy, sen, súng – những sinh vật kích thước lớn có khả năng hấp thụ mạnh NH4 và NO3, (nguồn thức ăn chính của tảo) có phần lớn trong nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm các hồ hiện nay. Nhiều nước trên thế giới như Thuỵ sỹ, Đan Mạch đã áp dụng và các nhà khoa học Việt Nam cũng đã xây dựng thử nghiệm thành công mô hình xử lý nước thải ô nhiễm chất hữu cơ bằng các cây thuỷ sinh và tảo lục từ Hồ Gươm trong một dự án xử lý nước thải tại thành phố Việt Trì.
Theo Gs. Dương Đức Tiến, Ức chế sinh học trong tự nhiên là phương pháp mới được nghiên cứu ở Việt Nam và đã thành công trong phòng thí nghiệm.
Các nhân tố có thể ức chế sự phát triển của tảo lam ở đây là các chủng vi khuẩn được phân lập từ đất và nước có khả năng ức chế Microcystis (loài tảo lam có trong Hồ Gươm). Ngoài ra, dịch chiết từ vỏ quả chuối và vỏ quýt với nồng độ 1% cũng ức chế được sinh trưởng của tảo lam. Dịch chiết từ vỏ chuối và vỏ quýt chỉ tiêu diệt tảo lam do vỏ cấu trúc màng của nó rất mảnh mà không ảnh hưởng tới các sinh vật khác. Hơn nữa, chỉ với dịch chiết từ vỏ của 1 quả chuối có thể xử lý được 10 lít nước chứa tảo độc nên giá thành cũng rất phải chăng và dễ sử dụng.
Để giải quyết hiện tượng tảo độc ở Hồ Gươm có thể ứng dụng các giải pháp trên. Tuy nhiên, tốc độ xử lý ô nhiễm Hồ Gươm nói riêng và các hồ khác của Hà Nội nói chung hiện vẫn chưa tiến triển trong khi Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đang tới gần.