Xin hãy bảo tồn thổ cẩm Mai Châu

Huyện Mai Châu (Hoà Bình) có trên 65% dân số là người Thái. Từ xa xưa, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải là nghề truyền thống của người phụ nữ dân tộc Thái. Sự cần mẫn, siêng năng và khéo léo của người phụ nữ Thái được nhìn nhận từ những sản phẩm thổ cẩm do chính đôi tay họ dệt nên.

Vào bất cứ bản làng nào của người Thái Mai Châu đều bắt gặp những nếp nhà sàn, trong đó nhà nào cũng có khung cửi ngày đêm lách cách thoi đưa. Cùng với sự phát triển của du lịch sinh thái, Mai Châu là điểm du lịch lý tưởng được du khách trong nước và quốc tế biết đến. Vì vậy, thổ cẩm ở Mai Châu càng được phát triển. Đây là nghề truyền thống, người phụ nữ Thái đã được học cách dệt này từ người mẹ, sau đó, thế hệ con cháu cũng được truyền nghề và nghề dệt được lưu truyền ở mỗi gia đình, mỗi làng bản.
        
Để dệt được 1 tấm vải thổ cẩm đòi hỏi người dệt phải trải qua rất nhiều công đoạn vì dệt thổ cẩm ở Mai Châu hầu hết không sử dụng máy móc mà chỉ dùng tay và chân. Người dệt phải dùng những nguyên liệu tự mình tạo nên từ trồng dâu, nuôi tằm và cây bông cỏ. Từ 2 nguyên liệu chính này, họ dệt thành những tấm vải với những hoa văn hết sức đa dạng, phong phú. Nhiều vị khách đến với Mai Châu đã cho rằng đây là loại vải có chất lượng cao vì 100% sợi vải đều bằng cotton.Tuy nhiên, giai đoạn chăm sóc 2 loại cây này đều phải mất nhiều thời gian, nhất là với cây bông cỏ phải sau 3 tháng thì cây mới cho thu hoạch, là loại cây phù hợp với địa hình đồi dốc như ở Mai Châu.
Đối với sợi thổ cẩm bằng tơ tằm còn phải mất khá nhiều thời gian, 1 vòng tằm là 28 ngày, sau khi thu được những nong kén vàng óng, người phụ nữ Thái tiếp tục se sợi. Công đoạn này đòi hỏi chị em phải hết sức khéo tay thì sợi vải mới mịn, đều, khi dệt thành vải mới có chất lượng tốt. Tuỳ vào từng mẫu hoa văn trên tấm thổ cẩm người dệt có thể pha, nhuộm các màu độc đáo khác nhau. Những tấm vải khi dệt lên có thể tạo thành váy, áo, những chiếc gối xinh xắn, dễ thương.
Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ dành riêng cho mỗi người phụ nữ Thái mà còn thu hút được nhiều tâng lớp, lứa tuổi tham gia. Đó chính là nét sinh hoạt văn hoá của đồng bào người Thái ở huyện Mai Châu. Nâng niu, gìn giữ giá trị văn hoá truyền thống, lưu truyền cho thế hệ hôm nay, đó là “hoa văn trên bản Thái”. Hy vọng rằng thổ cẩm truyền thống ở Mai Châu một ngày không xa sẽ phát triển bền vững mà ở đó luôn chứa đựng và lưu giữ những giá trị văn hoá của dân tộc.