Giải thưởng về khoa học và công nghệ lớn nhất từng có

ThienNhien.Net – Đó là giải thưởng “Thách thức đối với trái đất nguyên sơ” (The Virgin Earth Challenge) trị giá 25 triệu USD được công bố mới đây. Ban tổ chức cho biết thông qua mức thưởng có giá trị khổng lồ này họ muốn khuyến khích giới khoa học và các cá nhân nghiên cứu và đề xuất những ý tưởng khả thi loại bỏ khí thải độc hại CO2 đang đe dọa bầu khí quyển.

Theo yêu cầu từ phía ban tổ chức, các đề xuất tham gia giải thưởng phải có khả năng loại bỏ các khí nhà kính đều đặn trong ít nhất 10 năm mà không gây hại cho môi trường, đồng thời phải mang lại hiệu quả lâu dài góp phần ổn định khí hậu trái đất.

Nội dung của giải thưởng này phù hợp với nguyện vọng chung của cộng đồng thế giới hiện nay trong vấn đề ngăn chặn xu hướng biến đổi tiêu cực của khí hậu. Mới đây, Liên hợp quốc đã đưa ra dự báo rằng nhiệt độ trái đất có thể tăng đến 6,40C. Điều gì sẽ xảy ra nếu giả thuyết cực đoan này trở thành hiện thực bởi cũng theo phân tích của Liên hợp quốc nếu nhiệt độ trái đất tăng 2,40C các rạn san hô sẽ bị tiêu diệt, nếu nhiệt độ tiếp tục tăng cao hơn nữa sẽ biến những cánh rừng nhiệt đới thành sa mạc, làm tan băng ở các cực. Và nếu mức tăng là 5,40C, mực nước biển sẽ dâng cao thêm 5m và khiến hàng chục triệu dân phải tị nạn.

Được biết, giải thưởng sẽ được mở trong 5 năm. Hàng năm, ban giám khảo sẽ đánh giá những đề xuất của năm trước và tùy theo tình hình thực tế, có thể quyết định trao giải trước thời hạn. Ban giám khảo gồm các nhân vật có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo tồn và ngăn chặn sự biến đổi khí hậu, như James Lovelock – người đã đoạt 10 giải thưởng lớn quốc tế về môi trường hay Tim Flannery, nhà bảo tồn nổi tiếng thế giới.

Ngài Richard Branson, một trong những người sáng lập giải thưởng, phát biểu: “Chúng ta hy vọng và tin rằng người đoạt giải sẽ giúp bảo vệ được thế giới tươi đẹp mà chúng ta đang có. Người đó không chỉ làm nên lịch sử mà còn gìn giữ lịch sử cho rất nhiều thế hệ mai sau. Và quan trọng hơn cả, dẫu chúng ta không tìm được người xứng đáng để trao giải thì chính phủ và nhân dân các quốc gia vẫn phải tiếp tục dồn mọi nỗ lực để giữ gìn bầu khí quyển thông qua giảm thiểu khí thải CO2”.