Liệu có công nghệ trồng trầm?

Nhiều địa phương ở miền Trung đã thực hiện kỹ thuật cấy tạo trầm từ cây dó. Tuy nhiên, ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có thông tin khẳng định chính thức về công nghệ này.

“Mỗi quả bưởi Phúc Trạch có thể bán với giá năm, sáu mươi nghìn. Tiền tươi thóc thật, thế mà có người vẫn quyết định chặt bưởi, để lựa chọn một giống cây trồng mới, phải mất dăm, bảy năm nữa mới có thể chắc chắn ra tiền hay không”. Ông Ðặng Hữu Liên, Giám đốc lâm trường Hà Ðông, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Ngàn Sâu (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã nói như thế, khi đề cập vị trí của cây dó đối với cuộc sống dân Hà Tĩnh.

Vẫn theo ông Liên, người dân Hà Tĩnh, đặc biệt là 5 xã trọng điểm quy hoạch, đang giàu lên từng ngày nhờ cây dó. Hiện lâm trường đang trồng và quản lý tập trung ở 5 xã với tổng số 2.300 ha, phấn đấu đạt 5.000 ha trong những năm tới. Số cây có độ tuổi 10 đến 15 năm chiếm khoảng 400 ha. “Quả bưởi vốn là thế mạnh của Hà Tĩnh, dân vẫn chọn dó. Tất phải có “lý” nào đó” – Ông Liên vẫn tin tưởng: “Họ bỏ tiền túi ra làm, chẳng ai mạo hiểm với chính cuộc sống của mình cả”.

Ông Liên cho biết, hiện ở quê ông và nhiều nơi khác, trầm chưa thấy đâu nhưng trước mắt, dân giàu lên từ ươm, bán cây giống. Một điều ít được người dân chú ý là theo kinh nghiệm dân gian, trong hai giống dó me và dó bầu, chỉ có dó bầu mới có khả năng tạo trầm. Phân biệt điều này bằng mắt thường rất khó, ở Hà Tĩnh, giống dó me không có khả năng tạo trầm cây lại tươi tốt, cho quả nhiều, bán “chạy”. Mỗi cây đường kính năm, sáu mươi phân, mỗi năm trung bình cho ba đến bốn tạ quả. Mỗi tạ quả ươm cây giống bán được tầm 15 triệu đồng. Tính sơ bộ, cây giống từ dó me ở quê ông chiếm khoảng 30% thị trường giống thương phẩm. Nếu cơ quan chức năng không sớm vào cuộc, hậu quả sẽ ra sao?

Cũng là chuyện cây dó, Quảng Bình lại có cách nhìn nhận không mấy khả quan. Ông Trần Văn Ðờn, nguyên Giám đốc Công ty Lâm công nghiệp Long Ðại (Ðồng Hới, Quảng Bình) cho hay, bốn, năm năm lại đây, lâm trường ông cũng thử trồng xen canh mỗi năm vài nghìn ha dó, tự phát và hoàn toàn theo kinh nghiệm, chẳng học hỏi kỹ thuật ở đâu cả. Cây tươi tốt là một chuyện, có tạo được trầm không thì còn nhiều vấn đề không đơn giản.

Khi được hỏi về chế phẩm tạo trầm, ông Ðờn chẳng mấy mặn mà: “Tôi cũng có nghe, nhưng chưa thử, bởi có thông tin nhiều nơi cấy chế phẩm vào, cây rỗng ruột và chết”.

Ông Nguyễn Quốc Dựng, Trung tâm Tài nguyên và Môi trường lâm nghiệp, thuộc Viện Ðiều tra và Quy hoạch rừng cho hay, phong trào trồng cây dó bắt đầu bằng con đường tự phát của người dân huyện Tiên Phước, Núi Thành (Quảng Nam) và Hương Khê (Hà Tĩnh), sớm nhất ở Tiên Phước khoảng từ năm 1991. Người Quảng Nam nổi tiếng có kinh nghiệm đi lấy trầm hương tự nhiên và họ giữ lại những cây dó tự nhiên trong các vườn rừng và vườn hộ gia đình, sau đó tự lấy giống. Rải rác một số mô hình tạm gọi là thành công từ việc trồng dó bầu mang lại hiệu quả kinh tế. Nhưng để đạt được điều đó, cần hội tụ rất nhiều yếu tố: Chọn đúng giống, trồng đúng cách, đảm bảo được yếu tố độ cao, thổ nhưỡng, thảm thực vật quanh đó… và một phẩm chất không thể thiếu ở người chủ là sự cần cù sáng tạo và kinh nghiệm.

Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đang tiếp tục hoàn chỉnh kỹ thuật cấy tạo trầm và các sản phẩm từ trầm. Song kỹ thuật cấy tạo trầm từ cây dó ở mỗi doanh nghiệp là một “bí kíp” riêng, chưa có tiêu chuẩn chung nào để đánh giá chất lượng, hiệu quả.

Công ty TNHH Lâm Viên là một trong những nơi đã tung ra chế phẩm sinh học tạo trầm với nhiều tín hiệu khả quan. Theo ông Nguyễn Thoan, Giám đốc công ty: “Với những cây dó có đường kính 10 cm, việc cấy trầm có thể thực hiện được”. Lạc quan hơn, ông Thoan cho biết: “Tại vườn thực nghiệm của Công ty Lâm Viên, chỉ nửa tháng sau khi cấy chế phẩm của công ty, đã xuất hiện trầm tóc dọc thân cây”. Hiện chế phẩm đã được bán ở nhiều nơi như Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La, Ðiện Biên, Hà Tĩnh… thậm chí một số tỉnh của Lào cũng đã đặt hàng.

Ông Ðinh Xuân Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH SECOIN cho biết, tuy mới đầu tư vào lĩnh vực này hai năm, nhưng đã có kết quả ban đầu: “Chúng tôi đã nhận dạng loài nào cho trầm; phát hiện đặc trưng của những loại dó bầu cho trầm và đa dạng hóa các sản phẩm từ trầm hương”. Từ kết quả này, ông quyết định đầu tư mở Công ty Nông lâm nghiệp kỹ thuật cao Hà Tĩnh, với diện tích 18 ha để trồng dó chưng cất tinh dầu và sản xuất các chế phẩm từ trầm như trà, rượu, hương, nến…

Ông Ðinh Xuân Bá nói, hiện ông chỉ mong “được một cơ quan kết luận chất lượng sản phẩm để có thể sản xuất đại trà, bởi hai sản phẩm là trà và rượu, mặc dù nhu cầu thị trường rất lớn nhưng vì chưa đăng ký nhãn mác nên mới chỉ được dùng trong giới bạn bè”.

Dó bầu là cây bản địa giàu tiềm năng, tuy nhiên, người cả nghĩ vẫn phân vân, liệu rồi đây sẽ lặp lại kết cục buồn như đã từng với cà-phê, tiêu, điều, quế, hồi… ở nhiều địa phương trồng theo phong trào? Từ khi trồng đến khi thu được tiền từ sản phẩm dó là một khoảng thời gian dài, ít nhất cũng từ năm đến bảy năm. Rõ ràng, độ rủi ro khi đầu tư vào dó vẫn rất lớn và người dân khi quyết định đầu tư, trước khi Nhà nước vào cuộc, cần tự tìm hiểu, khảo sát kỹ càng.

Trước thực tế làn sóng trồng dó ngày một lan rộng, Bắc Giang, Thái Nguyên, An Giang… từng rộ một thời gian phát triển cây dó, nhưng đến hôm nay, cũng đang ở tình trạng tương tự như Quảng Bình, ông Dựng cảnh báo: “Không nên phát triển ồ ạt cây dó trầm trên toàn quốc mà cần quy hoạch những vùng có khả năng tạo sản phẩm có chất lượng cao nhất với mức độ hạn chế vừa phải, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường”.

Ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Chúng tôi biết dân đang trồng rất nhiều. Nhưng chính xác là bao nhiêu thì không biết. Chúng tôi chỉ nắm được quy trình kỹ thuật trồng, còn khả năng tạo trầm từ cây dó bầu, đến nay chúng tôi hoàn toàn chưa có thông tin chính thức”.

Phải chăng vì chưa có thông tin, nên Nhà nước chưa tính đến cách quản lý phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người trồng rừng và cũng như kiểm soát việc cung cấp giống, kiểm chứng thông tin và sản phẩm của những đơn vị, những doanh nghiệp đang tìm tòi phát triển công nghệ tạo trầm.