Dấu chân lương thực Trung Quốc đe dọa rừng Amazon

ThienNhien.Net – Ngành công nghiệp thực phẩm ngày càng phát triển của Trung Quốc cùng nhu cầu tiêu thụ đậu tương và thịt tăng cao đã làm gia tăng nguy cơ phá rừng tại Brazil, kéo theo các hậu quả khác.

Tại Trung Quốc, diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng thu hẹp đến giới hạn mà chính phủ nước này gọi là “giới hạn đỏ” về an ninh lương thực trên 120 triệu ha đất có thể canh tác. Đó là lý do quốc gia châu Á này tăng cường nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp giá thành thấp như đậu nành và ngô trong khi sử dụng diện tích đất nông nghiệp còn lại để nuôi trồng các nông phẩm xuất khẩu giá thành cao hơn.

Một nhân tố khác cũng dẫn đến việc tăng cường nhập khẩu đậu và ngô là sự gia tăng tiêu thụ thịt tại Trung Quốc. Bởi lẽ, thịt chủ yếu được sản xuất tại các nông trại thương mại quy mô lớn, chứ không phải trang trại quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình nên phụ thuộc nhiều vào thức ăn gia súc thay vì nguồn thức ăn thừa tận dụng.

Nói chung, Trung Quốc vẫn có khả năng tự sản xuất lương thực để nuôi sống người dân, nhưng khả năng này đang ngày càng suy giảm. Đến năm 2030 Trung Quốc được dự đoán sẽ nhập khẩu khoảng 16 triệu tấn ngô và 72 triệu tấn đậu tương.

Rừng Amazon bị phá để sản xuất đậu tương

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc có xu hướng tăng cường nhập khẩu đậu tương. Dự tính đến năm 2030, Trung Quốc sẽ tiêu thụ gần 72 triệu tấn đậu tương nhập khẩu, nghĩa là hơn 1/4 tổng sản lượng đậu tương của thế giới vào thời điểm hiện tại.

Các nhà hoạt động môi trường lo ngại rằng điều này sẽ tác động lớn đến các cánh rừng nguyên sinh tại Brazil, quốc gia sản xuất đậu nành lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kì, đồng thời là nhà xuất khẩu chính đậu tương sang Trung Quốc. Năm 2011, hơn 67% đậu tương xuất khẩu của Brazil là sang thị trường Trung Quốc.

Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, quốc gia Nam Mỹ này hiện đang nổi lên là một điểm thu hút đầu tư của các công ty thực phẩm đang mở rộng của Trung Quốc.

Trong khi đó, diện tích trồng đậu tại Brazil đã được mở rộng nhanh chóng trong hai thập kỷ vừa qua, làm tăng tỉ lệ phá rừng tại khu vực Amazon – một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên thế giới và là nơi cư trú của 10% các loài động thực vật đã được ghi nhận.

Theo nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ), sản xuất đậu tương là nguyên nhân dẫn đến khoảng 10% số vụ phá rừng tại khu vực Amazon từ năm 2000-2005. Năm năm sau đó, con số này đã giảm xuống còn 2% do đậu tương đã được chuyển sang trồng tại các đồng cỏ mà trước đó dùng để chăn thả gia súc.

Tuy không phải là nguyên nhân trực tiếp, nhưng sản xuất đậu tương vẫn được coi là tác nhân gián tiếp gây ra phá rừng vì đã làm tăng giá đất, đẩy những người nông dân vào rừng, đồng thời thúc đẩy việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thêm cho phá rừng.

Ở phạm vi rộng lớn hơn, mất rừng Amazon còn gây ra một tác động toàn cầu đáng kể khác. Bởi lẽ rừng nhiệt đới Amazon vừa là nơi cư trú cho các loài động thực vật hoang dã quý hiếm, vừa là một bể chứa cac-bon lớn, giúp ngăn chặn hiện tượng nóng lên của trái đất. Nếu nạn phá rừng còn tiếp diễn, lẽ dĩ nhiên, carbon từ đất và cây sẽ phát thải vào khí quyển.

Những cánh đồng đậu nành đang lấn đất rừng Amazon (Ảnh: Celsias.com)

Sự bùng nổ của ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc

Mối liên hệ giữa Trung Quốc và nạn phá rừng tại Amazon không chỉ dừng ở việc nhập khẩu đậu tương mà còn ở sự phát triển mạnh mẽ của các công ty thực phẩm Trung Quốc cả trong và ngoài nước. Dù chưa thể sánh ngang với các tập đoàn khổng lồ của Mỹ, song các công ty của Trung Quốc lại có sự hỗ trợ của Chính phủ khi tìm cách mua lại các sản phẩm nông nghiệp.

Một trong những công ty nhập khẩu thức ăn quốc doanh lớn nhất Trung Quốc, Tập đoàn lương thực Chongqing, năm ngoái tuyên bố đã chi 500 triệu USD để xây dựng một nhà máy đậu tương tại Brazil, dự án được báo cáo là sẽ được đầu tư thêm nhiều triệu đô nữa vào các nông trại đậu tương.

Công ty Dầu và Lương thực Sanhe Hopefull thì cho biết đang đầu tư 7,5 tỷ USD để lắp đặt các thiết bị chế biến tại Brazil theo một hợp đồng thương mại bao gồm cả việc xây dựng một tuyến đường ray xe lửa.

Trong khi phát triển khắp toàn cầu, các công ty lương thực của quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng đang làm thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp quê nhà. Nền nông nghiệp Trung Quốc không còn gắn với hình ảnh người nông dân truyền thống nữa, mà với những con người như chủ tịch tập đoàn New Hope trị giá 8.8 tỷ USD với 750 triệu con gia cầm và 8,5 triệu con lợn xử lý mỗi năm, sở hữu 16 nhà máy thực phẩm tại nước ngoài.

Số lượng nông dân chăn nuôi gia súc tại nông thôn ngày càng giảm cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nông trại thâm canh, mang theo các vấn nạn về ô nhiễm và sự lệ thuộc vào thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Điều này đồng thời còn thúc đẩy người dân di cư về khu vực đô thị, làm trầm trọng thêm các vấn đề môi trường tại đây.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm từ con số hiện tại là 30% xuống còn 12% vào năm 2030.

Sau khu vực Amazon tại Brazil, ngành thực phẩm Trung Quốc được dự đoán là sẽ cùng với những công ty đầu tư quốc tế khác khai thác những cánh rừng giàu có khắp Châu Phi. Dù dự đoán này đến nay chưa rõ ràng, thì cũng đã đến lúc Trung Quốc phải cân nhắc cách thức cung cấp đủ lương thực cho người dân mà không gây tổn hại đến môi trường của các quốc gia khác.