Con người đang làm hại vỉa san hô ngầm Trung Mỹ

ThienNhien.Net – Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF), Viện Nghiên cứu tài nguyên quốc tế (WRI), cơ quan điều phối Mạng lưới Hành động vì rạn san hô quốc tế (ICRAN) và Liên minh san hô Trung Mỹ (ICRAN-MAR) đã có những động thái hợp tác trong hội nghị được tổ chức tại thành phố Belize tháng 12/2006. Theo một phân tích được tiết lộ của WRI tại hội nghị này, hơn 80% chất lắng và 50% chất gây ô nhiễm nước ven biển tại vỉa san hô ngầm Trung Mỹ là do các hoạt động của con người ở không xa khu vực núi Honduras.
Đây là phân tích đầu tiên xác định nguồn gốc, lượng trầm tích và chất gây ô nhiễm từ các vùng đất nông nghiệp chảy qua mạng lưới sông trong vùng đổ vào vùng vịnh Honduras và biển Caribe. Vùng nước này là nơi có vỉa san hô ngầm Trung Mỹ – hệ thống rạn san hô lớn nhất ở vùng bán cầu Bắc, trải dài hơn 600 dặm trên lãnh thổ Belize, Guatemala, Honduras và Mehico.

Ông Lauretta Burke, một chuyên gia cấp cao nghiên cứu về hệ sinh thái bờ biển của WRI và là đồng tác giả của nghiên cứu này cho biết: “Vì con người làm thay đổi cảnh quan, nên một lượng trầm tích và dinh dưỡng đổ ra các vùng nước ven bờ và chính là đến vỉa san hô ngầm Trung Mỹ. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng sự ô nhiễm từ các nông trại ở Honduras có thể vô tình làm tổn hại đến toàn bộ vỉa đá ngầm vùng Trung Mỹ, nơi mang lại nguồn lợi nhuận quan trọng từ du lịch và nghề cá.

Để chứng minh, ông Burke và đồng tác giả Zachary Sugg đã tiến hành phân tích lưu vực nước cho vỉa san hô ngầm Trung Mỹ, công bố chúng trên đĩa CD và trên mạng. Đây cũng là một phần trong dự án của ICRAN và ICRAN-MAR với sự đóng góp của Trung tâm Giám sát bảo tồn quốc tế thuộc Chương trình Môi trường của LHQ. ICRAN-MAR hoạt động nhằm giảm bớt những tác động xấu cho vỉa san hô ngầm ở Trung Mỹ thông qua quảng bá công tác quản lý tốt nhất cho du lịch, nghề cá và quản lý lưu vực nước.

Một đối tác khác trong liên minh, WWF – tổ chức bảo tồn thiên nhiên có phạm vi hoạt động trên toàn cầu, đang sử dụng những kết quả của phân tích này để xác định các vùng nông nghiệp trong khu vực cần phải giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu diệt cỏ và sự xói mòn đất, xây dựng những thỏa thuận phối hợp với nông dân và các nhà kinh doanh hàng nông sản, giúp họ thực thi các phương thức quản lý nhằm làm giảm tác động có hại đến rạn san hô.

Ông Jose Vasquez, cán bộ cấp cao về nông nghiệp của WWF Trung Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang sử dụng các kết quả phân tích để giảm lượng thuốc trừ sâu và kiểm soát sự xói mòn đất từ những khu vực thương mại nông nghiệp vẫn duy trì được sản lượng”.

Ngày 5/12/2006, khi ký văn bản ghi nhớ với WWF, Tổng giám đốc AZUNOSA, kỹ sư Mario Hernandez cam kết “Cách kinh doanh hiệu quả và có trách nhiệm nhất là đóng góp cho xã hội những gì chúng ta sản xuất được, tạo ra những cơ hội làm việc, thuế cho những dịch vụ xã hội, và bảo vệ môi trường. Hợp tác với WWF sẽ mang lại những kinh nghiệm hữu ích cho Honduras và cho cả vùng”.

Hiện nay, WWF đang liên kết với các tổ chức công nông nghiệp khác như Chiquita; Dole; CropLife Latin America; Hiệp hội các nhà sản xuất Cam Quýt; và Azucarera del Norte, S. A. (AZUNOSA), một trong các nhà sản xuất đường mía chính thuộc phía Bắc Honduras. Còn ông Burke thì khẳng định: “Kết quả cho thấy việc đầu tư vào những nỗ lực như thế này sẽ rất có giá trị cho những mục tiêu lâu dài. Qua những mô phỏng của chúng tôi, nếu các phương thức quản lý đất được thực thi tốt hơn thì sẽ giảm được lượng trầm tích và chất ô nhiễm”.

Những phát hiện khác từ việc phân tích bao gồm:

1. Cùng với 80% của lượng trầm tích, hơn một nửa các loại chất gây phú dưỡng (gồm nitơ và phốtpho) có nguồn gốc từ Honduras.

2. Guatemala được xác định là nơi có 1/6 lượng trầm tích và khoảng chừng ¼ nitơ và phốtpho xâm nhập vào vùng nước ven bờ dọc theo rạn san hô Trung Mỹ.

3. So sánh với những quốc gia khác thì một số ít phần trăm lượng trầm tích trong vùng vuất phát từ Belize và bán đảo Yucatan ở Mexico. Belize đóng góp khoảng từ 10% đến 15% chất gây phú dưỡng và Mexico đóng góp khoảng chừng 5% lượng chất gây dưỡng từ tất cả các lưu vực.

4. Trong 400 lưu vực nước trong vùng, lưu vực Ulua ở Honduras được cho là đóng góp lượng phù sa, nitơ và phốtpho nhiều nhất.

5. Các con sông lớn khác đóng góp lượng trầm tích và chất gây phú dinh dưỡng là Patuca (ở Honduras), Motagua (ở Guatemala và Honduras), Aguan (ở Honduras), Dulce (ở Guatemala), Belize (ở Belize), và Tinto o Negro (ở Honduras).

6. Với viễn cảnh sử dụng đất trong thị trường tự do và ít chính sách đề cập đến các vấn đề môi trường, thì lượng chất phú dưỡng sẽ tăng lên khoảng 10% vào năm 2025, trong khi đó lượng trầm tích tăng vào khoảng 13% hoặc nhiều hơn.

7. Nếu chính sách môi trường nhằm giải quyết được vấn đề cho sự phát triển bền vững được thực thi thì chất phú dưỡng và trầm tích có thể giảm được ít nhất 5% so với mức hiện tại, điều này sẽ đẩy mạnh việc phục hồi số san hô đã bị suy giảm trong vùng.